D ân chúng có hài lòng với kết quả điều tra thảm họa cá chết công bố hôm qua? Không ai có thể trả lời được câu hỏi này. VN đang thiếu một tổ chức độc lập điều tra xã hội học để biết mức độ hài lòng của công chúng trước những quyết định của các cơ quan lãnh đạo quốc gia.
Lâu nay, các ban tuyên giáo vẫn nắm “dư luận quần chúng” thông qua bộ máy của họ từ trên xuống dưới. “Quần chúng” của ban tuyên giáo thường chủ yếu là cán bộ hưu trí.
Chúng ta chỉ có thể cảm nhận về một luồng “dư luận quần chúng” khác thông qua FB.
Cho dù cách đây ít hôm, nhiều facebookers vẫn nghi ngờ khả năng Chính phủ công bố được nguyên nhân cá chết trong tháng Sáu như đã hứa. Và, cho dù hôm qua, vào ngày cuối cùng của tháng Sáu, Chính phủ không những đã tìm được nguyên nhân, tóm đúng thủ phạm (là Formosa như quân chúng facebookers mong muốn) và có được cam kết bồi thường. Nhưng, nếu căn cứ vào những gì được viết trên FB thì câu trả lời có thể nói là “KHÔNG” (hài lòng).
Chính trị là như vậy.
Bỏ qua yếu tố rất nhiều Facebookers hôm nay chỉ trích những người vừa tóm được Formosa mới cách đây ít lâu đã tung hô kẻ đã “rước Formosa” vô. Việc công chúng đòi hỏi Chính phủ phải làm nhiều hơn cho thấy mức độ trưởng thành nhất định về dân trí.
Các ngư dân ở bốn tỉnh miền Trung có thể đang hy vọng vào khoản 500 triệu USD tiền bồi thường (chưa rõ khi đi qua các cấp trung gian họ còn nhận được bao nhiêu). Chính phủ có thể quan tâm tới những tác động vào môi trường đầu tư. Trong khi, đa phần dân chúng cảm thấy bế tắc khi không đủ lòng tin tội ác môi trường này sẽ được ngăn chặn một khi những thủ phạm như Formosa được “phạt cho tồn tại”.
Không ai có thể đánh giá hết tổn thất khi hậu Formosa rất khó vãn hồi niềm tin vào biển xanh và hải sản sạch.
Có cả thảy 17 khu kinh tế dọc bờ biển VN với rất nhiều kiểu Formosa. Đấy là sự trả giá của thời kỳ “bung ra” của một nền kinh tế bị giam hãm quá lâu trong một chế độ toàn trị bị thao túng bởi những tên tham nhũng.
Khi xử lý vấn đề Formosa, đương nhiên Chính phủ phải cân nhắc đến môi trường đầu tư. Cách xử lý nào cũng đều có những tác động. Vấn đề là Chính phủ muốn gửi tới nhân dân và các nhà đầu tư thông điệp nào. CÁ hay THÉP.