ÚC CHÂU (CTM Media) – Nhân cuộc Đối Thoại Nhân Quyền Úc-Việt sắp diễn ra, Dân Biểu Úc Chris Hayes trong một lá thư đề ngày 26 Tháng 6, 2016 gởi Bộ Trưởng Ngoại Giao Julie Bishop, yêu cầu Bộ Ngoại Giao phải lên tiếng về việc các nhà hoạt động, luật sư, blogger thường xuyên bị nhà cầm quyền CSVN sách nhiễu và đe dọa.
Ông Hayes khẳng định, “Mặc dù Việt Nam là thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và đã phê chuẩn nhiều hiệp định quốc tế liên quan đến nhân quyền, Việt Nam tiếp tục đàn áp các quyền tự do ngôn luận, lập hội và tụ họp của người dân.“
Những trường hợp đặc biệt được Ông Hayes yêu cầu quan tâm cấp bách để đưa vào nghị trình cuộc Đối Thoại Nhân Quyền bao gồm: Ls. Nguyễn Văn Đài, Bà Cấn Thị Thêu, Ông Trần Huỳnh Duy Thức, Ông Hồ Đức Hòa, Ông Đặng Xuân Diệu, Cô Đặng Minh Mẫn, Bà Trần Thị Thúy, Ông Trần Minh Nhật và Cô Đỗ Thị Minh Hạnh.
Ông Hayes cho rằng nhân quyền đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh quan hệ song phương, “Người Úc chúng ta tin rằng quyền con người của mỗi cá nhân phải được tôn trọng và bảo vệ. Do đó rất quan trọng để đại diện của chúng ta dùng cơ hội Đối Thoại Nhân Quyền Úc-Việt để chẳng những đẩy mạnh quan hệ song phương tốt đẹp trong vùng, mà còn phải cởi mở và thẳng thắn đề cập đến những vi phạm nhân quyền trắng trợn.
Việt Nam là một quốc gia mà chúng ta có quan hệ ngoại giao và giao thương tốt đẹp, chúng ta phải cho thấy rõ sự tận tâm với nhân quyền để phản ảnh giá trị quốc gia chúng ta và những ai chúng ta coi trọng làm bạn.”
***
Sau đây là nguyên văn lá thư của Dân biểu Chris Hayes gởi Ngoại Trưởng Julie Bishop:
Ngày 26 tháng 6, 2016
Bà Julie Bishop
Bộ Trưởng Ngoại Giao
Quốc Hội Úc
Kính thưa Bà Bộ Trưởng,
Tôi muốn đề cập đến cuộc Đối Thoại Nhân Quyền Úc-Việt sắp tới được tổ chức tại Việt Nam. Đối Thoại này là một khía cạnh quan trọng trong mối quan hệ song phương và là diễn đàn chủ yếu để chính quyền Úc bày tỏ mối quan tâm về nhân quyền với Việt Nam, đặc biệt là với những vấn đề thuộc về nghĩa vụ pháp lý quốc tế.
Mặc dầu là thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và đã phê chuẩn nhiều hiệp định quốc tế liên quan đến nhân quyền, Việt Nam tiếp tục đàn áp các quyền tự do ngôn luận, lập hội và tụ họp của người dân.
Các nhà hoạt động nhân quyền, luật sư, blogger thường xuyên bị nhà cầm quyền sách nhiễu và đe dọa.
Chính quyền Úc đã lấy bước chủ động để giám sát những việc này, và tôi cám ơn nỗ lực của Tòa Đại Sứ chúng ta tại Hà Nội. Tuy nhiên, hồ sơ nhân quyền của Việt Nam vẫn còn tồi tệ đáng lo ngại.
Tôi nêu những trường hợp sau đây và yêu cầu được sự quan tâm cấp bách để đưa vào nghị trình của cuộc Đối Thoại Nhân Quyền.
Nguyễn Văn Đài
Nguyễn Văn Đài là một luật sư nhân quyền nổi tiếng tại Hà Nội. Ông bị bắt giữ ngày 16 Tháng 12, 2015 trong khi trên đường đến gặp đại diện Khối Liên Âu có liên quan đến cuộc đối thoại nhân quyền song phương vào ngày hôm trước.
Ông Đài bị hành hung vào tuần trước đó khi có khóa huấn luyện nhân quyền tại Nghệ An. Kể từ khi bị bắt, ông Đài bị biệt giam. Cả vợ và luật sư bảo vệ ông không được phép gặp.
Tôi có dịp nói chuyện với vợ ông, bà Vũ Minh Khánh, khi bà đến thăm nước Úc gần đây. Bà bày tỏ nỗi đau buồn vì không được thăm chồng và lo ngại cho sức khỏe và tinh thần của chồng mình. Trong lúc ở Úc, bà Khánh trao đổi nhiều với báo giới về tình cảnh của chồng bà và những nhà hoạt động nhân quyền khác tại Việt Nam.
Cấn Thị Thêu
Bà Cấn Thị Thêu là một cựu tù nhân lương tâm và một nhà tranh đấu tích cực cho quyền lợi dân oan. Bà bị bắt giữ vào ngày 10 tháng 6, 2016 về tội “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 của Luật Hình Sự. Bà tích cực trong việc huy động phụ nữ nhà nông. Trước đó bà bị bắt giữ 15 tháng vào năm 2014 vì các hoạt động chống bất công và chống cướp đất.
Con trai bà cho biết là hơn 50 công an đến nhà lục xét trước khi đưa trát tòa. Bà bị đưa đến đồn công an Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Trát tòa ghi lệnh bắt giữ tạm 60 ngày.
- Trần Huỳnh Duy Thức
- Đặng Xuân Diệu
- Hồ Đức Hòa
- Nguyễn Đặng Minh Mẫn
Những tù nhân lương tâm này bị kết án tù dài hạn vì những hoạt động cổ xúy cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Ông Thức là một nhà hoạt động nhân quyền đồng tác giả của quyển “Con Đường Việt Nam”, nói về hiện tình Việt Nam. Ông bị bắt năm 2009 và bị kết án 16 năm tù giam và 5 năm quản chế. Gần đây ông tuyệt thực vì nhân quyền.
Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa và Nguyễn Đặng Minh Mẫn bị bắt vào tháng 7, 2011 vì những hoạt động xã hội, viết blog và nhiếp ảnh dân báo. Họ bị bắt cùng với 12 người khác và bị giam giữ gần hai năm mà không rõ tội danh trước khi bị kết án vào Tháng Giêng 2013 theo Điều 79 Luật Hình Sự, “âm mưu lật đổ chính quyền”.
Họ bị kết án từ 3 đến 13 năm tù giam, với ông Diệu và ông Hòa bị 13 năm và Mẫn bị 8 năm tù. Kể từ khi bị bắt, tôi được biết là họ thường xuyên bị bạc đãi và chịu đựng hoàn cảnh khốn khó trong tù. Tôi cũng được biết là cô Mẫn có nhiều vấn đề sức khỏe mà không được chữa trị.
Trần Thị Thúy
Bà Trần Thị Thúy là một tín đồ Hòa Hảo và nhà hoạt động bảo vệ dân oan, hiện đang thụ án tù tám năm sau khi bị kết án theo Điều 79 Luật Hình Sự vì cáo buộc có hoạt động nhằm “lật đổ chính quyền”.
Tôi được biết là bà liên tục bị giới chức trách không cho trị bệnh. Bà Thúy được chẩn đoán có bướu tử cung và bị đau đớn nặng nề. Bà đi đứng phải có người dìu. Mặc dầu đã bị kết án rồi, bà vẫn bị buộc phải “thú nhận” tội nếu muốn được chữa bệnh.
Gia đình bà cho biết là tình hình sức khỏe suy sụp nặng. Mặc dầu đã ký kết vào Công Ước Chống Tra Tấn, nhà chức trách Việt Nam tiếp tục dùng cách gây đau đớn và khổ sở để buộc thú tội.
Trần Minh Nhật và Đỗ Thị Minh Hạnh
Nhiều trường hợp công an bạo hành đã được đi tin trong năm qua.
Trần Minh Nhật, một ký giả và blogger bị sách nhiễu liên tục và gia đình ông bị hăm dọa. Ông là một cựu tù nhân chính trị ra tù vào Tháng Tám năm ngoái. Từ khi ra tù, ông đã bị hành hung một vài lần và gia đình bị chính quyền địa phương hăm dọa và ruộng vườn bị bỏ thuốc độc.
Ông Trần Minh Nhật bị chính quyền địa phương đe dọa vào ngày 22 tháng 2, 2016 và bị đả thương. Gia đình bị ngăn chận không cho đem ông vào nhà thương. Chính quyền địa phương còn ngăn chận không cho ông Nhật gặp đại diện Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ.
Vào tháng 11 năm ngoái, tôi cũng được biết về trường hợp cô Đỗ Thị Minh Hạnh bị bắt giữ tùy tiện và bị hành hung. Tôi có dịp gặp cô Hạnh khi cô đến thăm nước Úc. Cô Hạnh là một nhà bảo vệ quyền lao động, gặp gỡ với công nhân của công ty Yupoong đã sa thải gần 2000 người.
Cô Hạnh bị giam giữ vài tiếng đồng hồ tại Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Trước đó vì giúp đỡ công nhân tại công ty giày Mỹ Phong ở tỉnh Trà Vinh, cô bị kết án bảy năm tù theo Điều 89 Luật Hình Sự. Tuy nhiên, cô được ra tù sau 4 năm, trùng hợp với thời điểm đàm phán TPP giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Những trường hợp nói trên chỉ là một vài trong nhiều vụ nổi bật mà cộng đồng người Việt (của tôi đại diện) quan tâm đến, cũng như những ai quý trọng nhân quyền. Tuy nhiên những trường hợp này cho thấy rõ tình trạng nhân quyền kinh hoàng tại Việt Nam vẫn tiếp diễn.
Người Úc chúng ta tin rằng quyền con người của mỗi cá nhân phải được tôn trọng và bảo vệ. Do đó rất quan trọng để đại diện của chúng ta dùng cơ hội Đối Thoại Nhân Quyền Úc-Việt để chẳng những đẩy mạnh quan hệ song phương tốt đẹp trong vùng, mà còn phải cởi mở và thẳng thắn đề cập đến những vi phạm nhân quyền trắng trợn.
Việt Nam là một quốc gia mà chúng ta có quan hệ ngoại giao và giao thương tốt đẹp, chúng ta phải cho thấy rõ sự tận tâm với nhân quyền để phản ảnh giá trị quốc gia chúng ta và những ai chúng ta coi trọng làm bạn.
Với vai trò và tham gia của nước Úc vào khu vực Châu Á-Thái Bình Dương ngày càng gia tăng, tôi rất lấy làm cảm kích nếu Bà bảo đảm được những trường hợp nêu trên được đem ra thảo luận trong buổi Đối Thoại Nhân Quyền sắp đến.
Kính thư
Dân biểu Chris Hayes
Quốc Hội Úc
Leave a Comment