HÀ NỘI (CTM Media) – Ba năm vừa qua, mỗi năm Việt Nam chi khoảng 400 triệu USD để nhập nguyên liệu và thuốc diệt trừ sâu bọ, côn trùng từ Trung cộng. Tất cả những loại thuốc này đều là thuốc độc đối với con người và môi trường được gọi dưới tên là thuốc “bảo vệ thực vật”. Số lượng nhập cảng đã tăng gấp mười lần.
Ông Nguyễn Thơ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Bảo vệ thực vật Việt Nam, khẳng định, con số 100 tấn nguyên liệu, hóa chất để chế tạo thuốc diệt trừ sâu bọ, côn trùng mà Việt Nam nhập cảng hàng năm từ Trung cộng chỉ là “phần nổi của tảng băng.” Trong thực tế, lượng nguyên liệu, hóa chất và thuốc diệt trừ sâu bọ, côn trùng tuồn lậu từ Trung cộng vào Việt Nam lớn hơn gấp nhiều lần.
Châu Âu đã lắc đầu với các loại thuốc diệt trừ sâu bọ, côn trùng từ lâu, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á giới hạn hoạt chất trong thuốc diệt trừ sâu bọ, côn trùng ở phạm vi từ 400 đến 600 loại thì tại Việt Nam, con số hoạt chất được phép sử dụng lên tới 1.700 loại.
Việc cho phép nhập cảng tràn lan, hỗ trợ sản xuất – kinh doanh thuốc “bảo vệ thực vật” tại Việt Nam đã khiến nông dân Việt Nam xem việc mua – sử dụng thuốc “bảo vệ thực vật” là chuyện đương nhiên để bảo vệ mùa màng. Rất ít người nghĩ tới việc sử dụng thuốc “bảo vệ thực vật” sẽ dẫn tới tình trạng đất, nước và nông sản nhiễm độc, môi trường ô nhiễm, sức khỏe của mình và nhiều thế hệ bị hủy hoại.
Mỗi năm, có từ 150 đến 200 tấn thuốc “bảo vệ thực vật” dư thừa thẩm thấu vào đất, vào nguồn nước nhưng từ viên chức tới nông dân chẳng có mấy người bận tâm.
Ông Trần Tuấn, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu-Đào Tạo Phát Triển Cộng Đồng than thở rằng, “tam nông” ở Việt Nam hiện nay không phải là “nông nghiệp – nông thôn – nông dân” mà là “dân nghiện – đất nghiện – nước thoái hóa.” Ông Tuấn nhấn mạnh, nông dân Việt đã đánh mất sự tự chủ trong nghề nông, tự nguyện để bị sai khiến, bị bóc lột bởi ngành công nghiệp hóa chất của Trung cộng. Họ không còn “xem trời, xem đất, xem mây” để đưa ra các quyết định liên quan tới canh tác mà trở thành phụ thuộc, để thiên hạ “bảo gì thì làm thế,” “cho gì thì dùng thế.” Nông dân trở thành “nghiện” vì bơ vơ giữa rừng thông tin bất định!
Leave a Comment