HÀ NỘI (CTM Media) – Trong cuộc gặp gỡ với báo chí chiều ngày Thứ Sáu, 24 Tháng 6, Thượng Tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Nhân Dân Việt Nam cho biết, phía Việt Nam biết được vị trí chiếc máy bay CASA 212 bị rơi ngày 16 Tháng 6 là nhờ một tàu New Zealand đi ngang qua phát hiện, gửi thông báo và dừng chờ Việt Nam đến xác nhận.
Khi thông báo tin trên, Thượng Tướng Võ Văn Tuấn không cho biết vì sao đến nay phía Việt Nam mới đưa ra sự kiện này. Tuy nhiên, ông lại đề cập đến việc chưa tìm được nguyên nhân gây ra tai nạn của chiếc máy bay dân sự MH370 của Ai Cập để so sánh với việc chậm trễ tìm kiếm 2 chiếc máy bay quân sự của Việt Nam.
Từ hơn một tuần qua Việt Nam đã mở ra những cuộc tìm kiếm quy mô tại khu vực đảo Bạch Long Vĩ, với sự giúp sức của 8 tàu hải quân và 8 tàu ngư dân Trung Quốc, cùng lúc với việc đưa ra nhiều thông tin nhiễu loạn liên quan đến biến cố hai chiếc mày bay bị rơi và kết quả tìm kiếm.
Sáng ngày 14 Tháng 6, máy bay tiêm kích Su-30MK2 số hiệu 8585 bị rơi, chưa rõ nguyên nhân, ở vùng biển phía đông Nghệ An, gần Đảo Mắt trong một phi vụ huấn luyện. Hai ngày sau, ngày 16 Tháng 6, máy bay tuần thám CASA 212 số hiệu 8983 mất liên lạc trên vùng biển Bạch Long Vỹ trong phi vụ tìm kiếm phi công máy bay Su-30MK2.
Vị trí chiếc CASA 212 bị rơi cách vị trí chiếc máy bay Su-30MK2 bị rơi 118,5 hải lý (khoảng 200km) về phía đông bắc.
Có hai phi công trên chiếc Su-30MK2 bị rơi. Thiếu Tá Nguyễn Hữu Cường được ngư dân cứu sống sau khi máy bay của ông bị rớt một ngày. Thiếu Tá Cường bị cách ly ở bệnh viện ngay sau đó, dù rằng ông chỉ bị sây sát nhẹ. Đến ngày 17 Tháng 6, thi thể của một phi công khác, là Thượng Tá Trần Quang Khải, cũng được ngư dân tìm thấy. Khu vực biển chiếc máy Su-30MK2 bị rơi có độ sâu từ 15 đến 20 mét.
Chiếc máy bay tuần thám CASA 212 có phi hành đoàn 9 người. Đến ngày 23 Tháng 6 các lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy mảnh vỡ của chiếc máy bay này cùng thi thể của hai quân nhân thuộc phi hành đoàn. Đến nay vẫn chưa có thêm tin tức gì mới về 7 người còn lại trong phi hành đoàn chiếc CASA 212. Khu vực biển chiếc máy bay này bị rớt sâu khoảng từ 50 đến 60 mét.
Sáng ngày 22 Tháng 6, thông tin từ cơ quan chức năng Bộ Quốc Phòng cho hay, lực lượng chức năng đã tìm kiếm được hộp đen máy bay CASA-212; Bộ Quốc phòng đã tổ chức họp để phân tích đánh giá, xem xét tìm ra nguyên nhân máy bay rơi.
Tuy nhiên, cũng sáng ngày hôm đó, Thiếu Tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh Sát Biển lại nói rằng, lực lượng cứu hộ đã khoanh vùng vị trí máy bay CASA rơi sát đường phân định vịnh Bắc Bộ, Khoảng 10h30, các lực lượng đang “tiến hành trục vớt máy bay, nhưng chưa tìm thấy hộp đen”.
“Hộp đen” ghi nhận mọi dữ kiện kỹ thuật của chuyến bay, từ phương hướng đến vận tốc, cao độ v.v… Đồng thời ghi âm những trao đổi của phi hành đoàn trên chuyến bay. Tổng hợp những dữ kiện vừa kể, người ta có thể tìm ra nguyên nhân khiến máy bay bị rơi.
Hộp đen máy bay có những đặc điểm về kỹ thuật để có thể duy trì được các dữ kiện ghi nhận trong những điều kiện máy bay bị va chạm dữ dội hoặc bị cháy, đồng thời cũng phát tín hiệu để các lực lượng tìm kiếm dễ xác định vị trí.
Dưới đây là một vài nét về “hộp đen”:
• Có thể hoạt động dưới đáy biển có độ sâu đến 6000 mét.
• Chịu đựng được nhiệt độ 1.100 độ C trong vòng một tiếng đồng hồ.
• Hệ thống FDR: ghi dữ liệu chuyến bay trong hành trình bay.
• Hệ thống CVR: ghi âm tất cả những trao đổi của phi hành đoàn trong phòng lái và trao đổi giữa phi công với trung tâm kiểm soát không lưu.
• Bộ phận phát tín hiệu trong vòng 90 ngày, tín hiêu phát xa 25 Km.
Ngày 21 Tháng 6 Tập Đoàn Airbus, Tây Ban Nha, đề nghị phối hợp, giúp đỡ giải mã hộp đen máy bay CASA, tìm nguyên nhân tai nạn.
Ngày 22 Tháng 6 có 16 tàu Trung Quốc phối hợp tìm kiếm cùng Việt Nam ở phía đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ.
Trong khi đó vào chiều ngày 17 Tháng 6, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius nói “nước Mỹ sẵn sàng hỗ trợ” tìm người mất tích trong hai vụ máy bay rơi “bằng bất cứ cách nào có thể”. Phía Việt Nam không trả lời đề nghị này.
Nếu có Hoa Kỳ trợ giúp, có thể kết quả tìm kiếm sẽ khả quan hơn nhiều. Các máy bay tuần thám P-3 Orion, và đặc biệt là máy bay P-8 Poseidon (căn cứ ở Úc) có tầm bay xa gần 8 ngàn cây số, cùng hệ thống radar có tầm 200 hải lý (khoảng 360 km) có thể phát hiện và ghi nhận bằng hình ảnh có độ phân giải cực lớn của những vật thể nhỏ trong một vùng rộng lớn có đường kính 400 hải lý (760 km) trên biển.
Leave a Comment