14g30 ngày 24-6 (giờ Việt Nam) Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố từ chức sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý mang tính lịch sử hôm qua kết thúc với kết quả người dân chọn rời khỏi EU.
Ông nói: “Tôi nghĩ thật không đúng nếu tôi tiếp tục đứng đầu dẫn dắt đất nước đến bến bờ mới. Đây là quyết định khó khăn nhưng tôi tin rằng đất nước đòi hỏi một thời kỳ ổn định và rồi sẽ có lãnh đạo mới. Tôi nghĩ vị tân Thủ tướng sẽ quyết định khi nào kích hoạt Điều 50 trong Nghị định thư Lisbon và bắt đầu quy trình rời EU.”
Ông Cameron khẳng định: “Người dân Anh đã quyết định rõ ràng chọn một lối đi khác và vì vậy tôi nghĩ đất nước cần một lãnh đạo mới để dẫn dắt người dân đi theo con đường mới.”
Đó là liêm sỉ của người có trách nhiệm chính trị của đất nước nước Anh xa xôi bên tận trời Âu.
Với liêm sỉ của lãnh đạo Việt Nam như thế nào?
Không đề cập nhiều đến quá trình lãnh đạo đất nước Việt Nam từ khi khởi thủy cộng sản trên đất nước Việt Nam đến nay. Chúng ta chỉ cần nhìn thẳng vào thảm họa cá chết tại Vũng Áng, Hà Tĩnh sẽ thấy liêm sỉ của người có trách nhiệm như thế nào?
Đã gần 3 tháng thảm họa môi trường tại Miền Trung gây ảnh hưởng nghiêm trọng về an toàn môi trường sống, về kinh tế đất nước, về thảm họa thực phẩm ấy vậy nhưng lãnh đạo cộng sản có trả lời cho nhân dân được biết nguyên nhân gây ra thảm họa đó chưa?
Luân lý trong việc đại diện chính trị: Những người có trách nhiệm chính trị không được bỏ qua hoặc coi nhẹ chiều kích luân lý của việc đại điện là phải tìm cách giải quyết các vấn đề xã hội; hành sử quyền bính trong tinh thần phục vụ; nhằm tới công ích, chứ không phải danh vọng hoặc ích lợi cá nhân.
Nền tảng và mục tiêu của cộng đồng chính trị là tôn trọng phẩm giá con người, nhân quyền có trước chính trị. Có tư tưởng chính trị hiện đại như vậy thì liêm sỉ luân lý của người có trách nhiệm chính trị mới thực sự là phục vụ nhân dân và công ích quốc gia.
Ông Obama, Tổng Thống của Hoa Kỳ phát biểu tại Hà Nội rằng “Tôi bị chỉ trích hàng ngày và nhờ đó nước Mỹ lớn mạnh.” Đó là bộ óc tư duy của lãnh đạo phục vụ và đem lại công ích cho nhân dân, họ tôn trọng nhân vị phẩm giá của nhân dân và vui sướng trong sự liên đới giữa bản thân mình với chủ thể nhân dân đó.
Vì sao ông Thủ tướng nước Anh, David Cameron từ chức khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý được thông qua là người dân rời khỏi EU. Vì sao ông Obama lại can đảm dám nói rằng nước Mỹ lớn lên vì bản than ông bị nhân dân chỉ trích hàng ngày?
Vì họ hiểu “Nhân dân chuyển giao việc thi hành chủ quyền cho những người mà họ lựa chọn làm đại biểu, và nhân dân giữ quyền kiểm soát”.
Trong bài viết này đem sự lãnh đạo của các nước phương Tây so với cái lãnh đạo Việt Nam thì xem ra có khập khiễng. Nhưng cũng cần phải cân nhắc về mục tiêu và quyền hành của hệ thống chính trị có thực sự phục vụ người dân hay không? Để rồi chúng ta tự biết chúng ta đang bị tước đoạt quyền hành chính trị như thế nào?
Chúng ta không thể cứ mãi đặt câu hỏi phải chăng liêm sỉ và luân lý trong sự lãnh đạo của người có trách nhiệm chính trị tại Việt Nam là một thứ xa xỉ đối với họ và vì thế mà họ cứ trơ ỳ như khúc gỗ trước những biến cố bị tàn phá tan hoang của đất nước.
Người dân Việt Nam có thể thay đổi được thói quen, tư duy, hành động, và cả hệ thống chính trị nếu như người dân biết được chủ thể quyền hành chính trị đang nằm trong tay của mình.
Paulus Lê Sơn
Leave a Comment