Căng thẳng có thể gia tăng và tiềm ẩn nguy cơ xung đột nhỏ trên Biển Đông khi Tòa Trọng Tài Thường Trực ra phán quyết về vụ kiện “đường lưỡi bò”.
Tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA) ở The Hague dự kiến sắp ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền Trung Quốc đơn phương đưa ra ở Biển Đông. Nhiều chuyên gia dự đoán rằng phán quyết của tòa sẽ có lợi cho Manila.
Tuan N. Pham, đại tá Mỹ có kinh nghiệm hoạt động ở châu Á – Thái Bình Dương, viết trên Diplomat rằng Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ phớt lờ phán quyết như họ đã nhiều lần tuyên bố. Nếu vậy, Tòa Trọng Tài cũng không thể làm được gì nhiều để thực thi phán quyết. Tuy nhiên, tòa sẽ hạ uy tín của nước không tuân thủ phán quyết khi nước này muốn nhờ cậy đến luật pháp quốc tế trong tương lai.
Trong trường hợp của Trung Quốc, việc phớt lờ phán quyết của tòa có thể gây ảnh hưởng lớn về danh tiếng khi nước này đang muốn vươn lên thành cường quốc thế giới, đặc biệt là khi quan hệ thân thiện với láng giềng, và uy tín quốc tế là những yếu tố rất cần thiết.
Ông Pham nêu ra hai khả năng về phản ứng của Trung Quốc sau khi tòa ra phán quyết. Khả năng thứ nhất là Bắc Kinh sẽ tăng tốc quân sự hóa tại Biển Đông, để tạo ra sự đã rồi trên hiện trạng bao gồm việc thành lập Vùng Nhận Dạng Phòng Không (ADIZ) khi họ có đầy đủ phương tiện để thực hiện điều đó.
Phan Duy Hảo, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore, viết trên Strait Times rằng nếu Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các hành động đơn phương và khiêu khích không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS) ở Biển Đông, các cường quốc bên ngoài sẽ thực hiện thêm các biện pháp ngoại giao, chính trị hoặc phương pháp khác cứng rắn hơn. Trung Quốc sẽ càng hiện lên là một cường quốc đang lên nhưng lại thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế và các quy định trong luật biển.
Theo ông Pham, Bắc Kinh cũng có thể sẽ “án binh bất động” để đợi thời cơ, ít nhất là cho đến sau Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc vào tháng 9. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đã tính toán rằng họ đã đạt được đủ lợi ích và chỉ cần thực hiện sự kiên nhẫn chiến lược để củng cố những lợi ích đó tại thời điểm hiện giờ. Ông Pham cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ không thực hiện thêm các hành vi “đi quá xa”, có thể kích thích các động thái cứng rắn từ Washington cùng các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực, hay những hành động tập thể của các bên tranh chấp Biển Đông khác.
Thực tế, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi tháng 4 nói rằng Bắc Kinh muốn Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới tập trung vào vấn đề kinh tế chứ không phải tranh chấp chủ quyền. Các chuyên gia coi đây là cảnh báo của Trung Quốc đến cộng đồng quốc tế rằng không đưa vấn đề Biển Đông vào hội nghị cấp cao này.
Thay đổi
Theo LA Times, dù Trung Quốc từ chối tuân thủ phán quyết thì phán quyết vẫn sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến quan hệ khu vực và quốc tế.
Nếu Manila chiếm ưu thế, họ có thể khuyến khích các quốc gia khác theo đuổi những vụ kiện tương tự hoặc sử dụng các phán quyết như một cơ sở để thách thức mạnh mẽ hơn nữa hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông.
Nếu tòa đưa ra một phán quyết không rõ ràng, tòa có thể khiến các nước giảm niềm tin vào cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế như tòa trọng tài và các thỏa thuận quốc tế. Điều đó có thể khiến các nước trong khu vực hay Mỹ thúc đẩy các cuộc diễn tập tự do hàng hải và các hoạt động khác như đánh cá hay khoan dầu ở khu vực.
Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể thay đổi giọng điệu nếu tòa trọng tài ra phán quyết mạnh mẽ chống lại họ.
“Lịch sử cho thấy chính sách đối ngoại của Trung Quốc và lập trường pháp lý của họ không phải lúc nào cũng nhất quán. Nếu những quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc cố gắng thúc đẩy mạnh mẽ giải quyết khác biệt thông qua ngoại giao, trong đó bao gồm cả phương án nhờ đến các thể chế pháp lý quốc tế, thì rồi những nỗ lực này cũng có thể mang đến hiệu quả”, giáo sư luật Đại học New York Jerome A. Cohen, nói.
Nếu tất cả các quốc gia có liên quan ở biển Hoa Đông và Biển Đông “oanh tạc” Bắc Kinh bằng cách đưa tranh chấp chủ quyền của họ với Trung Quốc ra thể chế pháp lý quốc tế, chứ không dựa hoàn toàn vào những cuộc đàm phán song phương vô tận, không có kết quả và không công bằng hoặc các động thái quân sự của Mỹ, thì chúng ta có thể hy vọng sẽ có một sự thay đổi toàn diện, ông nhận định.
Nguy cơ xung đột
Theo SCMP, một số nhà phân tích thậm chí bày tỏ mối lo ngại rằng phán quyết của tòa có thể làm trầm trọng hơn căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng châu Á và đẩy họ đến nguy cơ trạm chán, mặc dù họ có quan hệ thương mại chặt chẽ với nhau. Điều còn đáng lo ngại hơn là nguy cơ xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ, khi hai bên liên tục cáo buộc lẫn nhau có hành động khiêu khích và gây căng thẳng.
Biển Đông hiện là một vấn đề tranh cãi lớn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, giáo sư Kerry Brown, một chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại King’s College ở London, nhận xét.
“Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể tiếp tục thúc đẩy các hành động của mình xa đến đâu mà vẫn tránh được nguy cơ leo thang”, ông nói. “Điều đó phụ thuộc vào cách họ nhìn nhận cam kết của Mỹ trong khu vực và xác định vấn đề tột cùng là gì. Họ có thể dễ dàng đánh giá sai điều đó”.
Tuy khó có thể xảy ra các cuộc xung đột lớn, vì cả Trung Quốc và Mỹ đều không muốn để xảy ra xung đột trực tiếp, các nhà phân tích nói rằng nguy cơ xảy ra sự cố và tai nạn nhỏ, đặc biệt là liên quan đến tàu cá, không thể bị loại trừ.
“Ví dụ, nếu PCA ra phán quyết cho rằng người dân Philippines có quyền đánh cá gần bãi cạn Scarborough và chính phủ Philippines điều tàu hải quân để thực thi phán quyết, điều đó có thể kích động phản ứng từ Trung Quốc. Một cuộc chạm trán có thể xảy ra”, tiến sĩ Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington, nói.
Jay Batongbacal, một chuyên gia luật hàng hải tại Đại học Philippines, cho rằng kịch bản xấu nhất giữa Philippines và Trung Quốc sẽ là sự cố trên biển có nguy cơ leo thang, khi xét đến tham vọng hàng hải và hành vi quyết đoán của Trung Quốc trong việc cải tạo thực thể và đẩy mạnh tuần tra quân sự.
Tuy nhiên, Đới Bỉnh Quốc, cựu ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, cho biết trong một bài phát biểu hồi tháng ba rằng ông tin việc đối đầu giữa một cường quốc đang lên và cường quốc truyền thống là điều không chắc chắn phải xảy ra. Ông cho rằng Trung Quốc và Mỹ có thể đảm bảo rằng sẽ không có xung đột giữa họ. “Chúng ta không thể để xảy ra một cuộc chiến tranh lạnh, chưa nói gì đến chiến tranh nóng”, ông nói.
Zhu Zhiqun, thuộc Đại học Bucknell ở Pennsylvania, cũng cho rằng căng thẳng khó có khả năng leo thang hơn nữa vì cả Trung Quốc và Mỹ đều không muốn đối đầu ở Biển Đông.
“Tôi nghĩ rằng cả Mỹ và Trung Quốc đã làm đủ để làm hài lòng các đồng minh của họ và người trong nước”, ông nói. “Cả hai đều sẽ muốn hạ nhiệt thông qua các biện pháp song phương và đa phương”.
Giáo sư Huang Jin, chuyên nghiên cứu quan hệ Mỹ – Trung tại Đại học Quốc gia Singapore, nói rằng căng thẳng sẽ không thể nào sớm kết thúc và vẫn tồn tại nguy cơ xảy ra xung đột nhỏ. Do đó, tình hình Biển Đông trong tương lai vẫn phải dựa vào khả năng liệu Trung Quốc và Mỹ có thể gạt sang một bên những khác biệt của họ và chung tay trong việc kiểm soát tình hình hay không.
“Quản lý khủng hoảng không nhất thiết có nghĩa là ngăn chặn một cuộc khủng hoảng”, ông nói. “Thay vào đó, nó nghiêng nhiều hơn về khả năng giảm thiểu nguy cơ leo thang nếu khủng hoảng xảy ra”.
Phương Vũ
Leave a Comment