HÀ NỘI (CTM Media) – Ngày 19 Tháng 6, 2016 dư luận xôn xao về dự án Luật Công an xã được Bộ Tư Pháp mới đây đem ra thẩm định. Lý do là vì trong đó có phần cho phép công an xã “huy động” tài sản của dân trong trường hợp cấp bách.
Một nội dung đáng chú ý của dự luật là, công an xã được “huy động” phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác, người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách như để cấp cứu người bị nạn; cứu nạn, cứu hộ; truy bắt người phạm tội quả tang, người gây tai nạn bỏ chạy, người có quyết định truy nã, truy tìm. Công an xã phải trả lại ngay phương tiện được huy động khi tình huống cấp bách đó chấm dứt và báo cáo ngay với chủ tịch UBND cùng cấp. Trường hợp tài sản huy động bị thiệt hại thì bồi thường theo quy định của pháp luật…
Việc “huy động” tài sản của công an xã có thể xâm phạm đến quyền về tài sản của người dân được pháp luật bảo hộ. Dự luật cần được làm rõ một số vấn đề để tránh trường hợp tùy tiện, lạm quyền của công an xã như:
– Chủ tài sản, người quản lý tài sản có quyền từ chối cho công an xã “huy động” tài sản hay không?
– Nếu tài sản “huy động” bị thiệt hại thì cơ quan nào bồi thường cho chủ tài sản, trình tự, thủ tục, thời hạn bồi thường ra sao?
– Theo dự luật này thì người bị “huy động” tài sản không được quan tâm. Tài sản bị huy động có thể phương tiện sinh nhai kiếm sống hằng ngày của họ. Thế thì những thiệt hại về kinh tế của họ có được bồi thường?
– Ngoài ra tình huống cấp bách để có thẩm quyền “huy động” tài sản của dân lúc nào thì chấm dứt và ai là người thẩm định việc này?
Dự luật này còn bất cập và nguy hiểm ở chỗ trình độ công an xã chỉ ở bậc tiểu học thì kiến thức pháp luật có nhiều hạn chế. Đây có thể là nguyên nhân phát sinh nạn lạm dụng quyền hành.
Nếu dự luật này được thông qua thì cuộc sống người dân ở từng thôn xóm sẽ ra sao? Họ sẽ phải hằng ngày sống trong nỗi lo âu, tài sản của họ có thể bị công an từ cấp lớn đến nhỏ “huy động” bất cứ lúc nào vì luật pháp không đứng về phía họ.
Leave a Comment