Quảng Cáo

Lại đúng quy trình và rút kinh nghiệm !

Quảng Cáo

Sự cố vỡ hồ chứa chất thải do khai thác titan ở Bình Thuận đã kết nối với hiện tượng cá chết hàng loạt ven biển miền Trung thành một chuỗi thảm họa môi trường đốt nóng công luận những ngày qua.

Theo thông tin của báo Người lao động từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã xảy ra ít nhất 3 vụ vỡ hồ chứa nước và chất thải từ khai thác titan. Vụ việc mới nhất xảy ra vào rạng sáng 16-6 tại khu khai thác titan của Công ty TNHH Tân Quang Cường (thôn Thuận Thành, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận), một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về mức độ an toàn của các điểm khai thác titan.

Có thể khẳng định vỡ hồ chứa chất thải do khai thác titan, thành phần chất thải không độc hại nghiêm trọng như là bùn đỏ (bô xít). Ở Bình Thuận người ta khai thác quặng titan, sau khi tuyển tại chỗ chứa khoảng 60 – 65% ilmenite nguyên khai, ilmenite này chứa 95 % khoáng vật có ích và sẽ được tiếp tục tuyển tinh tại các nhà máy, bằng phương pháp tuyển từ, tuyển điện để thu hồi quặng ilmenite tinh (trên 52% TiO2) và một số loại quặng phụ khác (zircol, rutil, monazite…).

Trước đây, ở Bình Thuận người ta sử dụng nước ngầm để tuyển ilmenite. Tôi không rõ hồ đây là hồ nhân tạo chứa nước để phục vụ khai thác, nhưng làm sao lại chứa cả bùn từ quá trình tuyển quặng? Lẽ ra nước thải tuyển hay nước quặng đuôi phải tập trung vào hồ quặng đuôi.

Bùn đỏ trong nước thải từ quá trình tuyển khoáng ilmenite chủ yếu là bùn sét, chứa một số độc tố và kim loại nặng có sẵn trong quặng nguyên khai. Khi bùn sét này chảy tràn thì sẽ tác động mạnh đến môi trường sinh thái khu vực. Khổng dễ làm sạch bùn này hoặc thu gom bùn, nước bùn đỏ này và nếu rửa trôi thì sẽ làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước, ao hồ và sông suối. Nước huyền phù này tràn vào ao hồ, sông ngòi thì cá tôm sẽ chết và cây cỏ cũng chết. Bùn đỏ từ tuyển khoáng thường chứa nhiều độc tố và kim loại cũng sẽ gây tổn hại đến sức khỏe con người. Ngoài ra, phải kể khai thác quặng titan này cũng sẽ gây ô nhiễm mặn. Rồi quặng titan này có khi còn chứa phóng xạ như quặng ilmenite ở Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Hồ chứa khai thác titan bị vỡ có sức chứa khoảng 180.000 m3 nhưng bờ hồ chỉ đắp bằng đất cát, không kiên cố. Lượng cát khổng lồ từ trên cao đổ xuống vùi lấp một đoạn đường dài khoảng 300 m, dày đến nửa mét gây tắc đường và làm hư hại vườn lan và cuốn sạch cả ao cá cùng một số vật dụng  của chủ dự án resort Hiếu Nam ra biển. Lượng cát đỏ bị cuốn chảy tràn ra biển Thuận Quý và nhuộm đỏ nước biển ven bờ khoảng 2 km. Lượng cát nói trên nằm trong dự án khai thác khoáng sản titan với diện tích 507 ha của Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường.

Các dự án khai thác tài nguyên như titan đều phải có giấy phép của Tổng cục địa chất khoáng sản và báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Tổng cục môi trường. Vỡ hồ nước khai thác titan nhiều lần chắc chắn do “lỗ hồng” quy trình giám sát việc gia cố bờ hồ chứa nước để khai thác titan ở Bình Thuận vẫn còn nhiều bất cập.

Cơ quan giám sát trực tiếp là chính quyền địa phương. Có vẻ như câu nói cửa miệng của họ khi sự cố môi trường sảy ra và được coi là tấm khiên chống đỡ búa rìu của dư luận là “tất cả đều đúng quy trình và sẽ rút kinh nghiệm”. Cái tệ hại nhất của Việt Nam xưa nay là người ta chỉ biết đào bới lấy tài nguyên, phá hoại môi trường đem bán để ăn trước mắt, để lại hậu quả cho các thế hệ tương lại. Nhiều người có trách nhiệm quản lý điều hành không có nhận thức đầy đủ về sự chuyển hướng của kinh tế thế giới đã nói từ lâu sẽ chuyển sang “kinh tế trí thức” nhưng ta vẫn cứ nhăm nhăm vào khai thác tài nguyên để đem bán.

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà tại buổi họp báo chiều tối 16/6

Trước sự cố vỡ bờ bao hồ chứa chất thải khai thác titan, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo tạm dừng ngay mọi hoạt động sản xuất của Công ty Tân Quang Cường, Tổng cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam phải trực tiếp vào ngay hiện trường trong ngày 17/6 để xử lý vụ việc. Ngay sau khi kiểm tra, nếu phát hiện có vi phạm nghiêm trọng hoặc có sự buông lỏng trong quản lý cần đình chỉ hoạt động, đề nghị xem xét việc thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định. Nếu vi phạm ở mức độ nặng hơn có thể xem xét trách nhiệm theo các quy định của pháp luật. Người dân tự vấn, giá như thảm họa cá chết ở miền Trung cũng được xử lý nhanh chóng, kịp thời, chủ động như vụ vỡ bờ bao hồ chứa chất thải do khai thác titan?

Có thể nói chưa có bao giờ ô nhiễm môi trường do sản xuất và khai thác khoáng sản ở nước ta lại trầm trọng như bây giờ. Những cái chết được báo trước ấy càng làm cho cuộc sống của người dân lao động thêm khốn khổ. Bùn boxit đỏ, thủy triều đỏ và bây giờ là nước titan đỏ… Đỏ như máu rỉ ra từ cơ thể đất nước đang bị tàn phá và rỉ ra từ hàng ngàn hàng vạn con người đang vật lộn vì miếng cơm, manh áo.

Nhưng nó không hề chảy ra từ con tim những kẻ tay thì vơ vét làm giàu, miệng thì phân bua ” đúng quy trình, xin rút kinh nghiệm”!

Quảng Cáo
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux