Lời tác giả : Thưa các Anh-Chị
Nhân ngày nhà báo, Như Phong khuyên các nhà báo “phải như con CHÓ”. Lý thuyết làm đày tớ (làm Chó) ấy của NNP có gốc gác từ vụ Quy tội Phản quốc cho anh em Đà Lạt chúng tôi. Câu chuyện khá bổ ích và lý thú.
Xin gửi quý BBT một bài viết nhân ngày Nhà báo.
Kính thư
Hà Sĩ Phu
————
Bài viết của nhà báo Đại tá Công an Nguyễn Như Phong nhân ngày Nhà báo, với tựa “Nghề phóng viên phải như con chó ấy!” xuất hiện trên Petro Times đã được bình luận nhiều về nhân cách nhà báo. Tôi xin hiến bạn đọc một bài viết cách đây 14 năm để hiểu thêm nguồn gốc bài viết của NNP nói trên và từ đó suy ngẫm về một điều khác, là số mệnh con người.
Tôi không duy tâm nên xưa nay vẫn không tin có số mệnh tiền định nào hết. Nhưng câu chuyện nhà báo Như Phong khiến tôi cứ buồn cười rằng hóa ra con người ta thế mà có số thật. Xem đấy, cái “mệnh” của nhà báo NNP không hiểu sao cứ dính chặt với danh xưng loài Khuyển mặc dù rất muốn thoát ra. Bài vừa rồi, tuyên bố thẳng thừng rằng NNP phải học theo con Chó (1), vì Chó không xấu, Chó đẹp lắm, vì Chó có những “phẩm chất cao quý” là ý đồ muốn thanh toán cái ám ảnh nhục nhã bấy lâu nay. Nhưng càng muốn thoát khỏi lại càng gắn chặt vào. Bạn đọc xem bài viết “Năm Mã nói chuyện Khuyển” kèm dưới đây sẽ rõ nguồn cơn.
Lúc ấy nhà báo Nguyễn Như Phong tiếp tay cho Công an điều tra vẫn cứ tiếp tục vu khống và phỉ báng chúng tôi trên báo An ninh Thế giới mà ông NNP lúc đó là Phó tổng biên tập. Bài báo của chính NNP đã khởi lên câu chuyện CHÓ, mượn ca dao tục ngữ để miệt thị chúng tôi: Chó (còn) không chê chủ nghèo! (mà sao HSP lại nỡ lòng phê phán Chế độ). Tất nhiên tôi phải thẳng thắn tiếp lời NNP về đề tài “khuyển mã” ấy dù vẫn đang bị thêm 2 năm quản thúc tại gia. Bài viết ấy của tôi chắc chắn khiến cho những kẻ cam tâm làm Chó phải động lòng.
Tôi cứ tưởng mình viết về NNP như vậy là hơi nặng, chắc nhà báo này thế nào cũng thấy ngượng hoặc thấy nhục một chút, và từ đó kiêng nói đến chuyện CHÓ, như người ta phải kiêng một “tên húy” vậy. Chẳng ngờ 14 năm sau chính NNP lại ngang nhiên vỗ ngực tự hào “Nghề phóng viên phải NHƯ con chó ấy” thì khác nào vỗ ngực Chí Phèo mà xưng chính ta là Chó đây, Chó với đầy đủ lý luận chính danh và tự mãn, chứ không thèm chối!
NNP coi sự trung thành với chủ (người cho ăn) và năng lực đánh hơi là những “phẩm chất cao quý của con chó” và nói mình phải học theo tấm gương đạo đức và nghiệp vụ ấy. NNP nêu khẩu hiệu học tập Chó rất rành mạch “Nghề phóng viên PHẢI NHƯ con chó ấy”! Tại sao lại NHƯ và tại sao lại PHẢI?
NHƯ là giống như, NNP thấy mình giống như con Chó là phải. Này nhé, hai bên có thể cùng có quân hàm và khuyển hàm Đại tá như nhau, cùng “chỉ biết còn chủ còn mình”, không sống hai lòng, và sẵn sàng quật ngã, quật chết kẻ thù theo lệnh chủ mặc dù giữa nó với nạn nhân chẳng có thù oán gì, thế thì hai bên giống nhau quá chứ lại!.
Nhưng chữ PHẢI NHƯ cho thấy phải rất cố gắng mới “như” được, vì NNP thấy con Chó cái gì cũng ở tầm trên, “nhà báo ta” phải cố gắng lắm mới theo kịp Chó về sự đánh hơi nhanh nhạy và quên thân hoàn thành nhiệm vụ. Vậy tuy giống nhau nhưng Chó ở tầm trên, là thày để nhà báo học theo! Nghĩa là “Nghề này phải lấy Khuyển này tiên sư”! Lý thuyết làm đày tớ của NNP tóm lại là như vậy.
Nhưng xin gửi lý thuyết làm đày tớ ấy một lời bàn:
Về bản năng sinh học thì cơ thể con người có thể kém xa con vật về nhiều mặt cụ thể, thính tai thính mũi thì kém xa con chó con mèo, khả năng chạy kém xa con ngựa con báo, leo trẻo kém xa con khỉ con vượn, khả năng nhớ đường và nhớ ký ức thua xa con chó con ngựa rất nhiều…, nhưng con người vẫn là chúa tể muôn loài bởi chỉ ở con người mới có Trí tuệ, Lương tâm và Thế giới con người. Từ những ưu điểm vô song đó con người có thừa khả năng bù đắp tất cả những thiếu sót mà bản năng tự nhiên con người không có. Con người không cần học đánh hơi như con chó làm gì.
Những Đại tá Cảnh khuyển mà NNP bái phục và học theo cũng chỉ là công cụ để con người sử dụng và sai khiến. Đại tá Cảnh khuyển chỉ biết trung thành tuyệt đối với chủ, dám xông vào nguy nan cứu chủ, nhưng nhà báo chân chính còn phải biết phán xét xem người chủ vẫn cho mình ăn đó có đáng là chủ không.“Chỉ biết còn chủ là còn mình ” thì chỉ là sự trung thành của Chó! Chó biết cứu chủ nhưng nhà báo phải biết cứu nước. Nhà báo chân chính khác với Chó vì biết mỗi con người sinh ra đều chịu ơn và mắc nợ nhân dân mình và thế giới văn minh. Có hiến thân mình để đền đáp là phải đền đáp cái công ơn vĩ đại ấy.
Có thể công nhận một điều mà bọn Chó đáng được làm gương để ai đó “học tập”: Cảnh khuyển mà đã tới cấp Đại tá thì rất kén chọn thức ăn, phải ăn sạch, có khẩu phần quy định, chứ không “ăn của dân không chừa một thứ gì” như bà Phó chủ tịch Doan nhận xét đâu.
Nhưng thôi, chuyện giống nhau và khác nhau giữa “phóng viên” NNP và giới Cảnh khuyển thì còn khối điều để nói, nay chỉ mời bạn đọc xem lại bài viết 14 năm trước để thấy nhà báo NNP và chuyện Khuyển Mã dường như có duyên nợ với nhau, dứt không ra.
Cuối cùng, nhiều lúc ngẫm cái tên mà bố mẹ đặt cho có khi cũng có duyên nợ gì đó với cuộc sống con người, có khi thuận có khi nghịch. Nhà văn Hoài An rất chân thực (ông thân sinh của NNP) khi đặt tên con mình là Như Phong hẳn muốn con mình sẽ sống thanh thản và hữu ích như làn gió lành, biết đâu về sau con mình lại dũng cảm tự xưng “Như Khuyển” (phải như con Chó- lời NNP), âu cũng là cái số con người nó thế, nhưng thưa nhà văn Hoài An đã khuất, cái số là do tự con người tạo ra là chính, cha mẹ nào chẳng muốn con có số phận nên người?.
H.S.P. (16/6/2016)
(1) Trong bài những chữ Khuyển và Chó xin được viết hoa chỉ bởi vì đó là “nhân vật” chủ yếu mà bài viết đề cập.
=========================
Chuẩn bị Tết Nhâm Ngọ (2002)
Năm MÃ nói chuyện KHUYỂN
(Với Nguyễn Như Phong, tản mạn về một chữ CHÓ)
Hà Sĩ Phu
Với người Á Đông thì Khuyển và Mã là đôi tri kỷ, là cặp bài trùng nên năm Ngựa mà nhớ đến chuyện Chó tưởng cũng không có gì lạ.
Chả là trước đây đúng một năm, nhân dân ta đang chuẩn bị mua tranh gà lợn để đón Tết thì nhà “Báo” Nguyễn Như Phong vẽ ra một loạt chân dung mà nhà “Báo” gọi là “mặt thật”, trong đó có viện đến tên cúng cơm của họ nhà Khuyển như sau :
” Con không chê nhà khó, CHÓ không chê chủ nghèo”
(Ý NNP nói rằng con CHÓ còn biết trung thành với người chủ nghèo, thế mà Hà Sĩ Phu lại thừa lúc đất nước mình còn nghèo để quay lưng lại với cái sự nghèo của đất nước, để đi ôm chân nước ngoài giầu có, mà phản bội lại đất nước! Thế thì không bằng … con Chó chứ gì; cứ nói tọet ra thế để nhà “Báo” khỏi sợ rằng độc giả không hiểu hết cái thâm ý độc địa của mình ! )
CHÓ và Ngựa là hai loài vật nổi tiếng về cái đức trung thành, nên đem “Chó” ra để viết về một vụ án bị mang tên là “phản bội” (phản bội Tổ quốc) kể cũng đúng bài bản đấy, tuy bài bản kiểu này xét về mặt văn hóa đã thấy có phần hạ đẳng. Nhưng thôi, nếu cái “lòng yêu nước” của NNP đang bốc lên thật thì vô văn hóa thế cũng tạm cho qua.
Khi tôi đọc bài báo này có cả vợ tôi và vợ chồng nhà thơ Bùi Minh Quốc cùng nghe, tuy lời lẽ bài báo thật đáng giận nhưng không hiểu sao tất cả chúng tôi đều giận thì ít mà thương thì nhiều, thương cho người phải viết ra những lời “đấu tranh giai cấp” bất nhã ấy mà cứ tưởng là hay, không hiểu rằng “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”, một chữ “Khuyển” ấy đã phát ra rồi thì bốn “Mã lực” đuổi theo cũng không rút lại được nữa!
Trong một bài nghị luận đăng báo rất trang trọng, nhân danh Tổ quốc, mà phải viện đến chữ CHÓ như thế thì chắc NNP đã phải cân nhắc rất kỹ và lấy làm tâm đắc (họ hàng nhà CHÓ xưa nay chắc chưa lần nào leo lên được vị trí trang trọng ấy!), nếu không mạn đàm với nhau đôi dòng e uổng mất công người đã viết nó ra. Vả lại , việc mạn đàm, suy ngẫm rộng ra quanh chuyện “ khuyển mã” này có thể cũng đem lại những điều bổ ích chung, giữa một thời kỳ mà vấn đề NHÂN CÁCH đã phải đặt ra như một dấu hỏi khổng lồ, một quốc nạn, thách thức trước mặt mỗi con người, không thể trốn tránh : một cuộc Tổng khủng hoảng Nhân cách thực sự !. Đọc xong bài báo của NNP, trước mắt tôi cái dấu hỏi ấy lại hiện ra, sừng sững, trùm lên trên tất cả những dòng vu khống và xúc phạm. Và ở chỗ này, câu thơ “ Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa, cả một thời đểu cáng đã lên ngôi” của Bùi Minh Quốc đã khiến cho cái cảm giác cá nhân bị xúc phạm của tôi vơi đi rất nhiều, nhường chỗ cho nỗi lo chung.
*
Trước hết, phải nói ngay rằng Chó và Ngựa là những loài vật có ích và rất đáng yêu (sách có chữ ”khuyển mã chi tình” để chỉ tình cảm này) nên trước khi mạn đàm về cái ý “CHÓ” trong bài của nhà báo nọ tôi phải xin lỗi loài Chó, loài Ngựa, rằng theo ngôn ngữ loài Người chúng tôi thì chữ Chó hay Khuyển mã ở đây chỉ có nghĩa bóng là “Chó má” thôi, nên xin các vị xồm, vện, bécgiê, chó nghiệp vụ…, các chú Ô truy, Đích lư, Xích thố … chớ có chạnh lòng!
Cha ông chúng ta tinh tế lắm; cái chất đáng yêu nhất của con Chó chỉ là trung thành với chủ, nhưng các cụ không bao giờ ví “trung thành như chó” cả. Bởi sự trung thành ở người là một phẩm chất cao quý bao hàm cả lương tâm, trí tuệ và bản lĩnh , khác xa với sự “trung thành” của loài vật, vốn chỉ là quan hệ bản năng đối với người chủ cho nó ăn. Câu “Ăn cây nào, rào cây ấy” cũng chỉ là lời khuyên về sự khôn ngoan, về tính thực tế chứ không phải chuẩn mực cho sự trung thành. Người chỉ biết trung thành với kẻ cho ăn, cho hưởng lợi lộc, bất kể phải trái với dân với nước thì cũng chỉ ở tầm trung thành của Chó chứ có hơn gì?
Chỉ những tính chất phi nhân thì các cụ mới ví với Chó : “đểu như chó”, “lật mặt như chó”, “ngu như chó” … Đến câu ví “dại như chó” thì thật lạ ! Biết vẫy đuôi mừng chủ , bảo vệ chủ để được ăn thì khôn quá đi chứ, thế mà các cụ lại liệt khuyển ta vào loại “dại”!. Cũng có khi các cụ khuyên nhủ: “Chó KHÔN chớ cắn CÀN”, nhưng các cụ thừa biết đã là chó thì thưởng thức thế nào được lẽ càn khôn !
*
Trở lại với chữ CHÓ của NNP. Một anh bạn tôi, đọc bài của NNP xong, đem tờ An ninh Thế giới đến , tay cứ chỉ chỉ mãi vào chữ CHÓ ấy trong bài báo và tủm tỉm nói rằng “Tay nhà báo này đưa chữ CHÓ này vào là…dại !”. Tôi hỏi “Sao mà dại?” thì anh bạn giải thích , đại ý rằng :
“Đấy là chữ mà đáng ra nhà “Báo” NNP phải kiêng như kiêng tên húy vậy. Vì đọc đến chữ ấy tự nhiên buộc người đọc phải đặt ngay những câu hỏi :
– Nói đến Chó và Chủ, thì ở đây ai là đầy tớ, ai là chủ, ai phải làm theo lệnh? Còn ai là người một mình tự động, đơn thương độc mã, dám nói cái lẽ phải mà chưa mấy người đã dám nói ra? Ai? Người đọc sẽ tự trả lời.
– Về chuyện giầu nghèo thì NNP đã viết theo quán tính mấy chục năm về trước, chứ bây giờ ai là người giầu, ai là kẻ nghèo? Nước ta nghèo gần vào bậc nhất thế giới thì đúng rồi, thế giới đã thống kê rồi, nhưng “Tư sản đỏ” là ai, họ có nghèo không? Hà Sĩ Phu gắn với sự giầu hay Nguyễn Như Phong gắn với sự giầu? Ai? Người đọc sẽ tự trả lời.
Giữa tiếng nói Hà Sĩ Phu và tiếng nói Nguyễn Như Phong thì tiếng nói nào đứng về phía dân tộc để đau lòng về tình trạng dân ta còn nghèo hèn (chắc anh bạn tôi thừa biết đối với kẻ thù xâm phạm bờ cõi thì dân ta chưa bao giờ chịu hèn ! HSP), tiếng nói nào ru ngủ nhân dân trong tự hào, để cho đội ngũ những cường hào mới, những con “chuột bự” cứ ngày càng đông đảo mãi lên, đánh mãi mà vẫn chưa có xu hướng giảm ?
Giữa một người gắn với quyền lực , nói thì chắc chắn được khen, và một người chẳng có quyền lực gì , nói thì chắc chắn chỉ chuốc lấy nguy hiểm, thì ai là kẻ “cơ hội” đây? Thiên hạ có mắt, người đọc sẽ tự trả lời, NNP hay HSP cũng chẳng tự trả lời thay cho công luận được“…
Đúng, những câu hỏi ấy , mỗi người đọc hiểu biết đương nhiên phải đặt ra, và họ sẽ tự trả lời . Khi có độc quyền báo chí người ta có thể “đặt hàng” để có hàng trăm câu trả lời theo một chiều, một ý như nhau, nhưng nếu thế mà thành chân lý thì những kẻ có quyền nhất như Hitler – Goebbels đã chẳng có ngày diệt vong. Nhân dân và” lịch sử” được trời cho một thứ mà không một chính quyền nào chiếm được , đó là dư luận, là ngôn ngữ thành văn và bất thành văn của nhân dân , trong đó tiêu biểu nhất là tầng lớp trí thức của họ. Các sĩ phu trước đây đã gọi ngôn ngữ ấy của nhân dân là “Nhân Ngôn”, và bảo cho những kẻ tham quan nhũng lại và cánh bồi bút tùy tòng , tức những kẻ ăn phải miếng bả công danh phú quý rằng :
“Coi chừng nhá phải miếng…Nhân Ngôn” !
Nhân ngôn là Nhân dân nói. Nhân ngôn cũng là chất độc để làm bả chuột, bả chó thật! (nhân ngôn tức thạch tín, chữ tín 信 là chữ Nhân đứng亻bên chữ Ngôn言) . Cứ trộn thịt cá thơm lừng vào (và đưa vào tận mõm) là chẳng anh chó anh chuột nào thoát khỏi được miếng Nhân ngôn !
*
Sau khi đọc bài báo của NNP, một độc giả đã viết một bài rất ngắn ví NNP như kẻ muốn đái vào một hình tượng vượt quá tầm của mình nên càng phun ra bao nhiêu thì mặt mình lại lãnh đủ bấy nhiêu . Có lẽ cái dại là ở chỗ này chăng?
Đọc bài báo của NNP tướng Trần Độ viết đại ý rằng: Định vẽ “mặt thật” của người ta cho thật ghê tởm , nhưng “mặt thật” ấy chẳng ai thấy đâu, lại thành chân dung tự họa , để lộ cái mặt thật mà mình đã mất bao công phu che đậy bấy nay.
Định vẽ xấu mặt người ta cho thành khuyển mã , mà khi người xem đối chiếu, đối chiếu tỉ mỉ đến từng chi tiết, lại nhận ra đấy là ông họa sĩ NNP tự vẽ mình ! (Thế thì … dại thật, mà cũng khôi hài thật, có thể họa sĩ này chẳng mấy khi soi gương nên quên cả mặt mình, tưởng đấy là mặt kẻ địch nên cứ ra sức bôi lem mãi vào ! ).
Có mấy bài viết khác cũng gợi ý rằng báo An ninh Thế giới và các cấp trên phải phạt NNP vì anh này đã làm xấu chung cả những cơ quan ấy. Từ nay muốn tìm một ví dụ điển hình về báo chí truy chụp thô bạo kiểu “Công an trị” hay kiểu đấu tố CCRĐ đã một thời tác oai tác quái thì người ta phải lục tìm ngay mấy bài báo đó của NNP, còn ví dụ nào điển hình hơn nữa ?. Bài của NNP đã gây công phẫn cho nhiều trí thức, cựu chiến binh, làm xuất hiện hàng chục bài bút chiến, kéo dài mấy tháng, nên báo An ninh thế giới lại bị mang tiếng là làm mất “An ninh” trong nước! Định lập công mà lóng ngóng thế nào lại thành lập tội , bê bối, đáng ghi vào Guinness cho muôn đời . Có lẽ …thế thì dại thật!
Tôi có được xem một chỉ thị nội bộ, trong đó “Lãnh đạo” yêu cầu khi phê phán những quan điểm sai trái (so với quan điểm chính thống) thì báo chí phải tránh nêu tên cụ thể, vậy mà chẳng hiểu do “ súng cướp cò” hay do thế nào mà NNP lại bắn ra một loạt tên rất cụ thể. Thế là nhiều người trước đây chưa biết HSP, chưa biết Tiến sĩ Thanh Giang nay lại phải tìm các tác phẩm của HSP , của Thanh Giang ..vân vân…mà đọc.
Một họa sĩ từ t/p HCM vì đọc bài của NNP nên mới biết HSP, nhân dịp đem tranh lên mở triển lãm ở Đà lạt anh đã đến tận nhà thăm tôi và tặng tôi một bức tranh (tôi không đi xem triển lãm được vì đang bị quản chế, muốn đi xem thì phải làm đơn , mà đơn thì tôi ngán lắm rồi). Tôi cảm ơn NNP đã làm tôi có thêm nhiều bè bạn! Nếu không có NNP thì các ông tổng thống Tiệp khắc , tổng thống New Zealand, và nhiều tổ chức , bạn bè quốc tế có lẽ cũng chưa biết chúng tôi rõ ràng đến thế đâu .Bài báo của NNP thành ra “lỗ vốn”. Có lẽ cái dại là ở chỗ này chăng?
Giá tôi là một Phó tổng Biên tập, là người cầm bút mà viết một bài quy kết đầy tính mật vụ, vu khống, tâm lý chiến một cách thất nhân tâm như thế thì chắc tôi chẳng còn dám vác mặt thật đi đâu nữa, thế là không ai quản chế mà bỗng dưng như bị quản chế. Bị cái thế thái nhân tình , cái dư luận của những người hiểu biết nó bao vây, nó quản chế mình suốt đời, cũng là một thứ quản chế không văn bản, chẳng dám vác mặt đi đâu, có đi cũng chỉ đi lại trong …phường với nhau thôi, thế thì …có lẽ dại thật !.
*
Nhìn vào bức tranh vừa được tặng, thấy ở góc có tấm ê-ti-két đề tên tác giả, tên bức tranh, kích thước, chất liệu , và giá tiền : 200 USD, tôi biết bức tranh này được mang trực tiếp từ phòng triển lãm về. Xem những bài giới thiệu của báo chí về họa sĩ Lê Kiệt này, tôi mới yên tâm rằng đây là họa sĩ đã nhiều báo chí biết tới, nếu không thì cái chữ 200 USD biết đâu lại chẳng thành cái cớ cho những kẻ hành nghề vu khống, rằng đây là tiền viện trợ của địch ?.
Nhiều bài báo nói họa sĩ Lê Kiệt là hoạ sĩ trừu tượng, chuyên vẽ mặt người, nhưng chẳng là mặt thật của một ai cả, đó là mặt thật của những nỗi niềm, những suy tư, những tưởng tượng, những cảnh đời, những hạng người, những đúc kết.
Tôi là người làng tranh Đông Hồ, lớn lên từ những phiên chợ tết đầy tranh gà lợn quê tôi. Khi thấy người họa sĩ chuyên vẽ mặt người này nói đã đọc bài của NNP viết về tôi , tôi thoáng có ý nghĩ định hỏi sao anh chỉ vẽ mặt người mà không vẽ chân dung các con vật cho thêm rộng đường biểu hiện, như gà lợn, trâu ngựa, chó dê gì chẳng hạn. Nhưng tôi kịp nhận ra ngay là mình đã ngớ ngẩn, vì cứ khảo sát hết các loại mặt người thì còn mặt con gì mà chẳng hiện ra trong đó !
Để kết thúc câu chuyện vẽ chân dung , vẽ mặt người , chân dung lợn gà, khuyển mã, tôi xin mượn hai tác phẩm cũng vẽ chân dung nhưng vẽ bằng thơ.
Thứ nhất là tác phẩm của nhà thơ Việt Phương tặng ông Lê Hồng Hà khi bị khai trừ:
Đã biết những vinh quang đầy ô trọc
Lại biết thêm nỗi nhục đáng tự hào.
Đã biết những trung thành đầy phản phúc
Biết thêm điều mang tội, rất thanh cao.
Bốn câu thơ đã tạc nên những chân dung đầy nghịch lý của sự Trung thành và Phản bội, của Niềm vinh và Nỗi nhục mà ông đã chứng kiến trong suốt cuộc đời theo cách mạng của mình.
Thứ hai là tác phẩm của nhà thơ trẻ quá cố Tường Vân ở Hải Phòng , vẽ đúng chân dung anh Khuyển:
Bảo ra đường
Ra đường
Bảo nằm gầm giường
Nằm gầm giường
Bảo sủa
Sủa
Bảo im
Im
Và cứ thế triền miên
Một đời CON CHÓ!
Ai chẳng bảo Tường Vân vẽ anh Khuyển theo trường phái hiện thực tả chân, thực trăm phần trăm như cuộc đời của Khuyển, nhưng tôi nghĩ Tường Vân đã vẽ tranh trừu tượng đấy. Giống như Lê Kiệt, Tường Vân đã vẽ mặt người.
Ngày xuân, gọi là có mấy chữ góp vui cùng bè bạn.
Tháng giêng năm 2002 (Chuẩn bị Tết Nhâm Ngọ)
H.S.P.
(Viết từ nơi quản chế: 4E Bùi thị Xuân, P2, Đà lạt – 2002)
Leave a Comment