Quảng Cáo

Ai ra lệnh cho báo đài phát động học tập “tư tưởng triết học Mao sáng ngời”?

Quảng Cáo

Báo QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN và đài  truyền hình quốc gia VTV phải chăng đang phát động cuộc học tập làm theo “tư tưởng Mao Trạch Đông”?

Sự kiện VTV truyền hình trực tiếp cuộc trao giải thưởng thi viết về “Những tấm gương bình dị và cao quí” do báo QĐND tổ chức ngày 11/6 gây chấn động dư luận nước ta. Nhiều người an ủi che đỡ hai cơ quan trên và nói rằng là “sai sót, nhầm lẫn”.

Bốn ngày đã trôi qua sau khi mạng FB và 4 tờ báo nhà nước đã nêu ra nhưng VTV và báo QĐND vẫn im lặng khó hiểu, án binh bất động (?!).

Im lặng là đồng ý, như thế là, hai cơ quan thông tấn này khẳng định họ làm đúng. Làm đúng thì việc gì phải thanh minh hay nhận lỗi.

MC Thảo Vân tuyên bố trong phần khai mạc lễ trao giải “nhân đây chúng ta cùng nhau khẳng định đi theo con đường của Bác”.

MC này không nói rõ Bác nào (Bác Hồ hay Bác Mao). Tuy nhiên bức tranh trên phông nền in hình nhân vật công nhân giơ lên cuốn sách “Mao ngữ tuyển”, thế thì rõ ràng là học tập “bác Mao”rồi.

Dù bức tranh không có hàng chữ Hán (cắt gọt rồi) nhưng nó xuất hiện như một điển cố, điển tích. “Điển cố điển tích” là dấu hiệu đơn giản gợi ý đến một câu chuyện cổ, danh ngôn cổ, tư tưởng cổ, một chân lý mặc định coi như công chúng đã biết nội dung đầy đủ từ trước rồi. Ví như Truyện Kiều chỉ cần để cô Kiều nói “Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay/ Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi, Trương” (cố nhiên người đọc phải biết điển cố về chàng Trương Quân Thụy và nàng Thôi Oanh Oanh yêu nhau tự do trong truyện tình Tây sương ký của Vương Thực Phủ).

Bức tranh TQ của báo QĐND và VTV đưa lên nhắc nhở khán giả Việt Nam cái điển cố về trước tác của họ Mao.

Dưới bức tranh gốc có hàng chữ đỏ rực:
大學大用毛主席光輝哲學思想: “Đại học đại dụng Mao chủ tịch quang huy triết học tư tưởng” – “Học tập và vận dụng rộng rãi tư tưởng triết học rạng ngời của chủ tịch Mao”.

Tư tưởng triết học Mao là cái gì?

Mao đã viết nhiều tác phẩm về triết học, quân sự, chính trị nhằm phục vụ “cách mạng” và xây dựng nước Trung Hoa mới. Các tác phẩm chính “Bàn về mâu thuẫn”, “Bàn về thực tiễn”, “Vấn đề chiến lược của chiến tranh cách mạng Trung Quốc”, “Bàn về đánh lâu dài”, “Bàn về chủ nghĩa dân chủ mới”… Các bài nói “Vấn đề giải quyết đúng đắn những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân”, “Hội nghị toạ đàm về văn nghệ tại Diên An”,…

Công- nông- binh có thì giờ đâu mà đọc trước tác, vậy nên họ chỉ cần nghe những danh ngôn của Mao được lưu truyền dân gian hóa ngắn gọn như “Súng đẻ ra chính quyền”, “Trí thức là cục phân” thế là xong.

Hai trong số các sách trên, chỉ có “Bàn về mâu thuẫn”, “Bàn về thực tiễn” thuộc phạm trù “tư tưởng triết học”.

Bài viết “Bàn về mâu thuẫn” dựng lên bức tranh khái quát về sự phát triển của triết học Mác ở Trung Quốc. Trong đó, tác giả tập trung vào một số nội dung chính: 1/ Phân tích tiến trình truyền bá triết học Mác ở Trung Quốc; 2/ Phân tích sự vận dụng triết học Mác ở Trung Quốc qua các giai đoạn lịch sử, chỉ ra một số thiếu sót trong quá trình đó; 3/ Luận giải sự biến đổi hình thái tồn tại của triết học Mác; 4/ Đề cập đến triển vọng phát triển của triết học Mác ở Trung Quốc trên các khía cạnh: đối với bản thân triết học Mác, quan hệ giữa triết học Mác với các trào lưu triết học khác và khả năng của  nó trong việc giải quyết các vấn đề lý luận, thực tiễn mới nảy sinh.

Từ “mâu thuẫn” nguyên tiếng Trung nghĩa là nói năng tự trái ngược nhau. Đã có truyện ngụ ngôn dân gian về mâu thuẫn (một anh thợ rèn đi bán cái mâu(ngọn giáo). Anh ta rao mâu này có thể đâm thủng mọi cái “thuẫn”(mộc,khiên che đỡ). Hôm sau đi bán“thuẫn” anh ta lại rao “cái thuẫn này ngăn cản được mọi cái “mâu”. Khi khách hàng hỏi vặn “cái mâu của ông có đâm thủng cái thuẫn của ông không? – anh bán hàng thẹn quá, xách “mâu” và “thuẫn” bỏ đi mất. Triết học dân gian Trung Hoa đã phản biện “qui luật của Marx và Mao” giản dị như thế thôi.

Cuốn sách “Bàn về mâu thuẫn” của Mao Trạch Đông nguyên văn là “Mâu thuẫn luận” (矛盾论).

Thực chất “tư tưởng triết học Mao” là gì?

Tư tưởng triết học Mao là gì mà VTV ca ngợi?

Ông Mao đọc Karl Marx qua bản dịch (nghe nói ông Mao không bao giờ biết ngoại ngữ).

Marx có ba qui luật: 1. Quy luật mâu thuẫn chỉ ra nguồn gốc của sự phát triển / 2.Quy luật lượng – chất chỉ ra cách thức, hình thức của sự phát triển/ 3. Quy luật phủ định chỉ ra khuynh hướng của sự phát triển, Bên cạnh đó Marx còn phân ra 6 cặp phạm trù bao trùm thế giới.

Mao tâm đắc nhất qui luật 1 là “Mâu thuẫn”. Giải quyết “mâu thuẫn”, theo ông ta, là “bạo lực, chuyên chính vô sản”.

Tuy nhiên Mao tìm cách bôi son trát phấn mang màu sắc Trung Quốc, mông má xong dán nhãn Tư tưởng Mao lên trên. Một trong các “màu sắc” đó là “tư tưởng Lão Tử” một nhà triết học cổ đại sớm nhất của TQ viết nên cuốn “Đạo đức kinh”. Triết lý âm dương được vận dụng triệt để trong Lão Tử chính là qui luật mâu thuẫn và qui luật lượng đổi chất đổi, với các qui luật dơn giản “cùng tắc biến, cùng tắc phản”. Tuy nhiên Lão Tử khuyên cứ mặc cho thế giới vận động tự nhiên, thì Mao phát triển thành “ý chí con người có thể thay đổi mâu thuẫn”. Chỗ này Mao tâm đắc với Marx, đây là sai lầm chết người của họ. Từ sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, giới nghiên cứu gọi đó là căn bệnh “Duy ý chí”.

Ai từng học qua đại học ở Việt Nam hoặc lớp trung cấp chính trị trở lên hẳn đều biết “Qui luật mâu thuẫn” của Marx.

Các GS, TS của Viện Triết học thuộc Viện HLKHXH Việt Nam tâng bốc thế này:“Sự truyền bá triết học Mác ở Trung Quốc hầu như diễn ra trong suốt thế kỷ XX. Đây là một quá trình lịch sử lâu dài của “trăm sông dồn về một biển”, của tinh hoa văn hoá được truyền bá rộng khắp cho quảng đại quần chúng. Trong quá trình lịch sử này, khởi đầu của sự truyền bá, nội dung và phương thức truyền bá, phạm vi và đối tượng truyền bá đều có sự đặc sắc”.

Viện Triết học Việt Nam lại viết:

“Hai tác phẩm của Mao Trạch Đông: Bàn về thực tiễn và Bàn về mâu thuẫn có thể coi là tiêu biểu cho quá trình Trung Quốc hoá sự truyền bá triết học Mác ở Trung Quốc. Lúc này, nội dung của triết học Mác đã gắn chặt với công cuộc tổng kết kinh nghiệm cách mạng cũng như dung hoà với tinh hoa văn hoá truyền thống Trung Quốc”.

Đặng Tiểu Bình điên tiết tung ra thuyết “Bạch miêu, hắc miêu ” (Mèo trắng mèo đen) ngắn gọn, thực dụng, người dân TQ khoan khoái tiếp thu và truyền bá, vì cái này đúng bản tính dân tộc 5 ngàn năm.

Xong! Thế là mặc kệ cái viện Triết học hàn lâm TQ đã vô tích sự lại còn nhiễu sự. Ông Bình còn đưa ra cụm từ “xây dựng CNXH mang màu sắc Trung Quốc” thế là gọn, khỏi cãi nhau Mác với Lê Nin và Mao. Cái “màu sắc” ấy nó biến đổi như màu da con tắc kè hoa hay con kỳ nhông trong tay kẻ thống trị đại Hán.

Kết

Xin hỏi, báo QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN và đài  truyền hình quốc gia VTV phải chăng đang phát động cuộc học tập làm theo “tư tưởng Mao Trạch Đông”? Nếu quả vậy thì phải triển khai cho đảng viên học trước, quần chúng sẽ theo sau chứ. Sao lại ỡm ờ đưa cái hình công nhân- trí thức giơ cao “Trước tác của Mao” mà lại cắt xén hết các chữ Hán trên hình. Thế là thế nào? Quí vị định phi tang nguồn gốc hay là “đố vui khán giả” ?

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux