Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi Trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu…
Bài thơ của cô giáoTrần Thị Lam xuất hiện đúng lúc với đề tài mang tính thời sự đang còn nóng bỏng, kỹ thuật thơ vững vàng lại viết bằng tấm lòng chân thật, ngập tràn những cảm xúc nên mau chóng được bạn đọc yêu thơ cùng người đọc khắp nơi nồng nhiệt đón chào. Một bài thơ dạng nghiệp dư nhưng lại hoàn toàn chuyên nghiệp bởi cách xử lý ngôn từ, dàn dựng dẫn dắt toàn bài thơ theo một phong cách cổ điển, với những câu hỏi đau đáu của một nội tâm không an toàn trước sự không an toàn của thế giới chung quanh.
Văn chương, thơ ca luôn và mãi là một thứ vũ khí sắc bén dành cho đối lập, phản biện, cho đấu tranh chống cường quyền. Một bài thơ chưa hẳn là hay nhưng phải giàu cảm xúc, ngùn ngụt tính phổ cập thời sự, mang hơi hướng mãnh liệt của một cuộc sống nổi sôi, dấn thân thì thường dễ đi vào lòng người, dễ rung động lòng người và ở lại lòng người. Những con người đồng cảm với bài thơ về mặt nào đó và được bài thơ dẫn dắt cảm xúc, và ru người đọc trong điệu ca thăng giáng trầm bổng của thi ca. Đây là một bài thơ không phải thơ tình mà là thơ lãng mạn cách mạng, hay hiện thực xã hội, như người ta thường nói. Nhưng trong nó là chan chứa tình yêu, hoài niệm, nuối tiếc..
Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa…
Bài thơ được viết theo thể thơ lung tung, chẳng có Niệm Luật, mà dường như để cho cảm xúc nơi tác giả dẫn dắt xuất thành lời thơ. Với những câu chữ lộn xộn 8, 9 thậm chí đến 10 chữ trong một câu, nhưng ta sẽ dễ dàng nhận biết được bài thơ được viết trên nền của thể thơ tự do, 8 chữ. Thể thơ tự do, 8 chữ là thể thơ mới, phóng khoáng với không có nhiều qui luật gò bó nên có thể bay bổng thanh thoát từng câu chữ, chứ không gò bó, không Niêm Luật, Đối…như thể thơ 7 chữ, hoặc 7 chữ trong luật (Thất Ngôn Bát Cú). Có thể nói bài thơ của cô giáo Lam là một bài thơ tự do, 8 chữ phá cách. Và là bài thơ một mạch nguồn cảm xúc, đi suốt từ đầu đến cuối nên những phá cách không gây hại đáng kể. Thật sự nếu cô giáo Lam sửa thành bài thơ 8 chữ thì tuyệt vời hơn cho một bài thơ tuyệt vời.
Hãy thử đọc một vài câu thơ 8 chữ của Vũ Hoàng Chương, ông Hoàng của thể thơ này để thấy cái hay nhé :
….
Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ,
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ,
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị,
Thuyền ơi thuyền…Xin ghé bến hoang sơ.
Men đã ngấm bọn ta chờ nắng tắt,
Treo buồm cao cùng cao tiếng hò khoan.
Gió đã nổi nhịp trăng chiều hiu hắt,
Thuyền ơi thuyền… Theo gió hãy cho ngoan…
Bài thơ của cô giáo Lam cũng vậy. Chỉ là nỗi ưu tư, lo lắng cho số phận đất nước con người, nỗi lo thuộc về người phụ nữ, của một người phụ nữ nên nó bình thường, đằm thắm cũng như pha chút con trẻ, dại khờ…
Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi…
Và những câu hỏi bay bổng trong bài thơ luôn không có câu trả lời, nên nó vẫn cứ mãi lửng lơ, im lìm và không siêu thoát…
Leave a Comment