Chiến lược kín đáo của Trung Quốc để thống trị Biển Đông

Aaron Pilozzi, Lincohn Davidson - National Interest

Tàu tuần duyên Trung Quốc. Ảnh: Reuters
- Quảng Cáo -

Các quốc gia tranh chấp tại Biển Đông đang chờ phán quyết của Tòa Trọng Tài Luật Biển trong vụ Phi Luật Tân kiện Trung Quốc. Tuy nhiên bất kể kết quả của phán quyết ra sao, cuộc tranh chấp tại Biển Đông khó mà tan biến một sớm một chiều. Các hoạt động quân sự trong vùng được mở rộng, làm tăng xác suất rủi ro đưa đến chiến tranh. Tuy Hải Quân Hoa Kỳ đã đi đầu trong việc phản ứng lại các hoạt động quân sự trong vùng, chúng tôi cho rằng các hoạt động tuần duyên có thể giảm rủi ro xung đột, trong khi vẫn trấn an các đối tác trong vùng về cam kết của Hoa Kỳ.

Quân đội Hoa Kỳ đã tăng sự hiện diện rõ rệt của các máy bay và chiến hạm của hải quân để trấn an các đối tác trong vùng là Hoa Kỳ giữ lời bảo vệ an ninh. Tuy nhiên gần đây sự bành trướng của các tàu tuần duyên Trung Quốc đánh dấu một bước ngoặt trước tư thế của Hoa Kỳ. Tàu tuần duyên Trung Quốc – mặc dầu vũ trang không đủ để thách thức trực tiếp chiến hạm Hải Quân Hoa Kỳ trong cuộc chiến – có đủ sức để tác động đáng kể đến tình thế tại Biển Đông. Người ta đã tốn khá nhiều bút mực để viết về chuyện bồi đắp biển đảo “làm thay đổi thực tế trên mặt đất”, nhưng các hoạt động của tàu tuần duyên Trung Quốc cũng có tác dụng tương tự vào thực tế tại Biển Đông. Khi mà tàu tuần duyên hăm dọa hoặc dùng vũ lực để buộc tuân hành luật Trung Quốc trên vùng biển họ tuyên nhận chủ quyền, thì các tàu tuần duyên này đang thực thi việc kiểm soát vùng biển.

Các đá, đảo đang được tranh chấp tại Biển Đông tự chúng không có bao nhiêu giá trị – giá trị của chúng nằm trong việc khẳng định chủ quyền có hiệu lực và kiểm soát vùng biển bao quanh. Với khoảng 5 nghìn tỉ đô la hàng hóa giao thương chuyển vận ngang vùng biển hàng năm, khoảng 11 tỉ thùng dầu thô và hơn 5 nghìn tỉ thước khối khí đốt dưới đáy biển, và gần 10 triệu tấn cá đánh bắt hàng năm, thì việc nắm quyền kiểm soát vùng biển này cực kỳ quan trọng cho các nền kinh tế trong vùng.

Tàu tuần duyên có khả năng buộc tuân hành luật lệ và khẳng định chủ quyền tuyên nhận mà không cần sự có mặt lộ liễu của tàu chiến. Khả năng duy trì kiểm soát, mà không sợ bị tấn công trước mắt, là một chiến thuật khác hẳn với việc dùng tàu chiến. Tàu tuần duyên với lính tuần có thể kiểm soát các tàu buôn một cách hữu hiệu trong phạm vi quyền hạn.

Hải quân Indonesia theo dõi tàu đánh cá Trung Quốc.
Hải quân Indonesia theo dõi tàu đánh cá Trung Quốc. Ảnh: AFP
- Quảng Cáo -

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất tại Biển Đông bành trướng các hoạt động tuần duyên. Vào tháng Ba, một tàu tuần duyên Indonesia bắt giữ một tàu đánh cá Trung Quốc đánh bắt lậu trong vùng biển của Indonesia. Tàu tuần duyên Trung Quốc phản ứng lại bằng cách đâm vào tàu đánh cá để tàu này bỏ chạy thoát. Mã Lai, Việt Nam, Phi Luật Tân và Indonesia đều bành trướng đội tàu tuần duyên của họ trong những năm gần đây, và Hoa Kỳ cam kết bán thêm tàu tuần duyên cho các đối tác trong vùng.

Nếu tiếp tục chiến thuật hiện thời của Hoa Kỳ là đưa tàu tuần duyên vào trong vùng sẽ là một sai lầm.

Khi tiến hành các hoạt động thi hành luật tại một số địa bàn ở Biển Đông thay mặt cho các đồng minh và đối tác dùng có nghĩa là mặc nhiên công nhận chủ quyền của các quốc gia đó, một điều mà chính quyền Hoa Kỳ không muốn làm. Và trong khi các tương tác giữa hải quân Trung Quốc và Hoa Kỳ có căng thẳng, chúng vẫn theo đúng các quy luật rõ ràng được đặt ra cho các lực lượng hải quân khi gặp nhau trên biển.

Trong khi đó tương tác giữa tàu chiến và tàu dân sự vốn dĩ bất thường, vì tàu dân sự không được huấn luyện kỹ lưỡng như tàu chiến – và các tàu này cũng không theo các quy định, thủ tục nghiêm nhặt. Khó có xác suất cho một tương tác giữa hai tàu chiến gây ra xung đột tại Biển Đông. Trong khi đó với tàu dân sự là một chuyện khác. Nếu tàu tuần duyên Hoa Kỳ có hành động gì với thuyền dân sự Trung Quốc thì sẽ là thắng lợi tuyên truyền cho chính quyền Trung Quốc, xác nhận các cáo buộc Hoa Kỳ là kẻ gây hấn, hung hãn.

Trong khi đó nếu Hoa Kỳ huấn luyện và trang bị tàu tuần duyên cho các đối tác thì sẽ giúp họ chống lại việc kiểm soát giao thương của đội tàu tuần duyên Trung Quốc. Hoa Kỳ đã từng thực tập chung với các đối tác Thái Bình Dương trong quá khứ, kể cả huấn luyện tuần dương với Phi Luật Tân năm 2015, diễn tập Balikatan năm 2016, huấn luyện Lực Lượng Tự Vệ Đường Bộ Nhật Bản cho chiến tranh viễn chinh. Trong lúc viếng thăm Việt Nam trong tháng vừa qua, Tổng thống Obama công nhận tầm quan trọng của Tuần Duyên Việt Nam, tuyên bố là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục huấn luyện việc thi hành luật biển cho Việt Nam.

Khi tiếp tục huấn luyện, đào tạo và hỗ trợ cho đội tuần duyên của các quốc gia đối tác vùng, Hoa Kỳ đóng góp vào việc chống trả lại tuyên nhận chủ quyền của Trung Quốc, cùng lúc đó trấn an đồng minh và đối tác về nỗ lực mà Hoa Kỳ đã cam kết – mà lại giảm thiểu xác suất xung đột giữa hải quân Hoa Kỳ và tàu chiến cũng như thuyền bè dân sự Trung Quốc.

Aaron Pilozzi, Lincohn Davidson
10/6/2016

Hoàng Thuyên lược dịch

- Quảng Cáo -

4 CÁC GÓP Ý

  1. Thực sự tôi thấy chúng ta đã thua cay đắng trên mặt trận ảo. Hằng ngày không biết là bao nhiêu thông tin do lũ rận cả trong nước lẫn nước ngoài xuyên tạc trắng trợn, thổi phồng sự thật chống phá nhà nước, các bạn trẻ nghé và cả các bác già trâu thì đầu như để trồng cây vậy, đọc không biết phân biệt phải trái đúng sai chỉ được cái ăn theo với share cuồng nhiệt mà chả biết mình đang làm cái củ cải gì. Rồi lắm thành phần to mồm cào phím hơi tí đòi đánh nước này nước kia đến khi gọi nhập ngủ thì tìm đủ mọi cách tránh né, chỉ giỏi võ mồm. Rồi thì sao không mang tàu chiến máy bay ra chiếm lại đảo bla bla…. đùa chứ t mệt mỏi lắm với những thành phần như thế này rồi.
    VN đã và đang đòi chủ quyền bằng những bằng chứng pháp lý và dựa trên luật pháp quốc tế. Nếu chúng ta nổ súng trước là đi ngược lại với những gì chúng ta đã làm và mọi công sức coi như công cốc. Hải Quân của ta chưa đủ mạnh về mọi mặt, lực lượng chưa đủ đông nhưng sức mạnh thì không ngừng được tăng lên. Nếu xảy ra chiến tranh bây giờ thì cả 2 bên sẽ đều thiệt hại nặng, xác định là sẽ chơi khô máu, ta còn nghèo khi đấy thì lấy tàu đâu mà canh đảo nữa. Lúc đấy thì coi như mất trắng mọi thứ kể cả mấy hòn đảo, hết kêu không đánh. Vì vậy mà Hải Quân không ngừng được hiện đại hóa cả về chất lượng và số lượng để có thể đương đầu với mọi kẻ thù. Không phải chúng ta không lấy lại đảo, mà là thời cơ chưa tới. Chiến tranh qua đi, nhưng máu của các chiến sĩ thì vẫn đổ, vậy mà các thanh niên ngồi nhà cào phím thì vẫn luôn khao khát chiến tranh, chả hiểu nổi…. chắc chưa nhìn thấy cảnh đầu kìa khỏi cổ nên chưa kinh

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here