Quảng Cáo

Tập Cận Bình đấu dịu

Ông Tập Cận Bình

Quảng Cáo

Tổng thống Mỹ Barack Obama mới qua Việt Nam và được hàng trăm ngàn dân Việt chờ đợi bên đường hoan nghênh nhiệt liệt. Chính quyền cộng sản cố tiếp đón ông Obama theo cách hờ hững, kém long trọng hơn cuộc tiếp rước Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mấy tháng trước.

Biểu tình phản đối Formosa ở Hà Nội (01/05/2016)

Sau đó, khi dân Việt Nam đi biểu tình đòi bảo vệ môi trường sống, đả đảo công ty Formosa và các nhà thầu Trung Cộng, họ còn bị đàn áp mạnh mẽ. Việt Cộng cố bày tỏ lòng trung thành với các đồng chí anh em, nhưng Trung Cộng có hung hăng hơn đối với Mỹ để răn đe đàn em bốn tốt và 16 chữ vàng hay không? Nhiều dấu hiệu cho thấy họ đã đấu dịu.

Ngày Thứ Hai, 6 Tháng Sáu, 2016, tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình mới công khai bày tỏ ý kiến về mối bang giao Trung Quốc với Mỹ: “Điều cơ bản là hai nước phải giữ vững các nguyên tắc, là không xung đột hay đối đầu với nhau; kính trọng lẫn nhau, và hợp tác để cả hai cùng thắng lợi.” Tập Cận Bình tỏ ý muốn hai chính phủ phải tiếp tục đối thoại để nuôi dưỡng lòng tin tưởng và cộng tác với nhau.

Lời tuyên bố trên được đưa ra trong ngày khai mạc cuộc họp “Đối Thoại Chiến Lược Và Kinh Tế Mỹ-Trung” (US-China Strategic and Economic Dialogue, SED) lần thứ tám. Cuộc họp định kỳ này được Chủ Tịch Trung Cộng Hồ Cẩm Đào và tổng thống Obama khởi đầu từ năm 2009. Năm nay, trong số hàng trăm viên chức cấp bộ trưởng tham dự, phía Trung Cộng có Ủy Viên Quốc Vụ Viện Dương Thiết Trì, Phó Thủ Tướng Vương Dương, và Chủ Tịch Ngân Hàng Trung Ương Chu Tiểu Xuyên và Tạ Chấn Hoa (Xi Zhenhua, 谢振华), phụ trách vấn đề khí hậu thay đổi; với các bộ trưởng hoặc thứ trưởng tài chánh, thương mại, giáo dục, canh nông, khoa học kỹ thuật, và văn hóa. Phía Mỹ có Ngoại Trưởng John Kerry và Bộ Trưởng Tài Chánh Jacob Lew. Trong hai ngày họp mặt, các bài thuyết trình tập trung vào các vấn đề kinh tế, thương mại, hợp tác khoa học và vấn đề khí hậu biến đổi, vân vân.

Nhưng trong cuộc gặp gỡ bàn những vấn đề kinh tế và chiến lược này, các mối bất đồng được nêu ra đều nhỏ. Mỹ muốn Trung Cộng giảm bớt việc sản xuất thép và nhôm vì các doanh nghiệp nhà nước dù lỗ vốn vẫn tiếp tục xuất cảng hàng dưới giá thành tràn ngập thị trường thế giới. Trung Cộng muốn cuộc thảo luận về Hiệp Ước Đầu Tư Song Phương tiến nhanh hơn, và Ngân Hàng Trung Ương Mỹ thông báo trước các quyết định về lãi suất vì nếu lãi suất ở Mỹ tăng lên thì đồng nhân dân tệ sẽ mất giá. Bên cạnh các đề tài trên, chủ đề gay go nhất, dù không được ghi trong ghị trình, vẫn là quan điểm xung khắc giữa Mỹ và Trung Cộng trong vùng Biển Đông nước ta.

Chính phủ Mỹ đã yêu cầu Trung Cộng phải tuân theo bản quyết định mà Tòa Trọng Tài Thường Trực Thế Giới sắp công bố, theo đơn kiện của chính phủ Philippines; mà Bắc Kinh đã báo trước sẽ không công nhận. Đồng thời Mỹ lên tiếng chỉ trích Trung Cộng đang gây thêm căng thẳng tại Biển Đông với các hành động biến các tảng đá ngầm thành căn cứ quân sự trong vùng biển đang còn tranh chấp. Đáp lại, Trung Cộng tố ngược rằng chính nước Mỹ đang gia tăng các hoạt động quân sự trong vùng!

Đối với các xung đột hiển nhiên đó, ông Tập Cận Bình đã nói rõ Trung Cộng không muốn đối đầu với Mỹ. Ngôn ngữ ông ta dùng rất ôn hòa, coi tình trạng “bất đồng ý kiến trên các vấn đề nhạy cảm” là hiện tượng dĩ nhiên phải diễn ra vì lịch sử, văn hóa hai nước khác nhau. Ông ta không nói gì về những lần phi cơ Mỹ và Trung Cộng nghênh nhau trên trời cũng như tàu chiến hai nước bám nhau ngoài biển! Ngược lại, ông giảng giải, “Không có lý do nào phải sợ các quan điểm bất đồng, điều quan trọng nhất là chúng ta không giữ một thái độ kình chống trên các điểm bất đồng đó.”

Ô Tập Cận Bình

Tập Cận Bình giải thích thêm: “Nhiều điểm bất đồng có thể được giải quyết với những nỗ lực của hai bên khi cả hai đều cố gắng giải quyết.” Hơn nữa, “Những vấn đề chưa thể giải quyết được bây giờ thì hai bên nên nhìn nhận vị thế thực tế của nhau và giải quyết theo hướng xây dựng.” Tập Cận Bình dùng những hình ảnh hoa mỹ hơn, đề nghị Vùng Á Châu-Thái Bình Dương phải là một “đia bàn lớn bao dung lẫn nhau để hợp tác” (inclusive big ­platform for cooperation) chứ không phải là “một vùng cho các quốc gia thi thố đối đầu” (“arena for countries to leverage”)!

Mọi người có thể hiểu rằng Cộng Sản Trung Quốc không muốn đối đầu với Mỹ, vì quân lực của họ chưa sẵn sàng. Nhưng lý do quan trọng nhất là nền kinh tế Trung Quốc sẽ sụp đổ nếu xung đột vũ lực xẩy ra khiến hàng hóa không thể xuất cảng và tuyệt đường tiếp tế nguyên liệu và nhiên liệu. Khi hàng trăm triệu công nhân Trung Hoa theo nhau mất việc làm thì chỉ một năm hay nửa năm sau dân lục địa sẽ nổi loạn. Một hành động đấu dịu hiển nhiên là từ ba tuần qua các tàu hải giám của Trung Cộng đã ngưng không quấy nhiễu, để cho các thuyến đánh cá Phi Luật Tân được tự do hoạt động trong vùng biển hai bên đang tranh chấp.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry

Trước thái độ hòa hoãn của Tập Cận Bình, Ngoại Trưởng John Kerry đã khẳng định: “Lập trường của chúng tôi là các phe không được giải quyết những bất đồng (trong vùng Biển Đông) bằng những hành động đơn phương. Phải giải quyết bằng luật pháp, qua ngoại giao và thương thảo. Nước Mỹ kêu gọi các quốc gia hãy đi tìm các giải pháp ngoại giao, đặt nền tảng trên tiêu chuẩn quốc tế về tinh thần tôn trọng luật pháp.” Lời tuyên bố đó nhấn mạnh thêm ý kiến yêu cầu Trung Cộng phải tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Thế giới; và lên án việc Trung Cộng xây cất các phi trường và căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Ashton Carter

Trước đó một ngày, trong cuộc hội họp Shangri-La tại Singapore, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter đã cảnh cáo Trung Cộng đang dựng lên một “Trường Thành Cô Lập” bằng các hành động quân sự hóa vùng Biển Đông. Để đáp lại, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Cộng, tướng Tôn Kiến Quốc (Sun Jianguo, 孙建国) chỉ phản ứng bằng một lời đe dọa ngầm chứa mối lo sợ bị các nước tẩy chay, khi ông ta nói rằng mọi âm mưu cô lập hóa Trung Quốc sẽ thất bại.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Pháp Jean- Yves Le Drian tại Đối thoại Shangri-La (05/06/2016)

Ngay tại hội nghị Shangri-La, người ta đã thấy dấu hiệu Trung Cộng đang bị cô lập hơn, khi nước Pháp bắt đầu bầy tỏ thái độ về các xung đột tại Biển Đông. Chủ Nhật vừa qua, Bộ Trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã nhắc tới và nhấn mạnh một luận điểm mà chính phủ Mỹ vẫn dùng làm căn bản chính sách của họ. Ông Le Drian kêu gọi hải quân các nước Châu Âu hãy thực hiện các cuộc hải hành “thường xuyên và biểu lộ rõ ràng” (regulier et visible) để chứng tỏ họ hiện diện trong vùng này. Mục đích của hành động đó là chứng tỏ các nước Châu Âu tuân thủ, tôn trọng luật pháp về biển và quyền tự do hàng hải. Ông Le Drian nêu những ý kiến cụ thể: “Nếu hôm nay mà luật biển không được tôn trọng tại vùng Nam Hải, thì ngày mai sẽ đến lượt các vùng biển Bắc Cực và Địa Trung Hải cũng như các nơi khác bị đe dọa.” Hai vùng biển được nêu tên trong câu này rõ ràng ám chỉ các hành động quân sự của chính phủ Nga tại biển Baltic và bờ biển Syria.

Ông Le Drian cảnh báo, “Nếu chúng ta muốn ngăn ngừa mối nguy hiểm khi xung đột xảy ra, chúng ta phải bảo vệ quyền tự do hàng hải này, và chính chúng ta phải đứng ra bảo vệ,” ngầm nói rằng các nước Châu Âu không thể để cho một mình nước Mỹ đóng vai trò cảnh sát trên mặt biển!

Khi chính phủ Pháp nhập trận vào vùng biển Đông Nam Á, họ cũng chứng tỏ các nước khác ở Châu Âu không còn thờ ơ trước các hành động hung hãn của Trung Cộng. Một ngày sau khi ông Le Drian nói mạnh, chúng ta đã thấy phản ứng của Tập Cận Bình là đấu dịu.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux