TOKYO (CTM Media)- Cuối năm 2015, Hiệp Hội Quốc Tế Hóa Cơ Bản và Ứng Dụng (IUPAC) đã công nhận 4 nguyên tố mới được phát hiện để đưa vào bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học (Mendeleev). Bốn nguyên tố này lần lượt có trị số nguyên tử là 113, 115, 117 và 118.
Nguyên tố mới 113 do một nhóm khoa học gia Nhật Bản thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học ứng dụng Riken (Nhật) bắt đầu nghiên cứu từ giữa thập niên 80 đến năm 2004 mới phát hiện được để trình làng.
Sau khi được IUPAC công nhận, ngày 18 Tháng Ba, 2016, nhóm khoa học gia Nhật đã đề xuất tên gọi của nguyên tố mới này là Nihonium và ký hiệu của nó là Nh (nihon nghĩa của nó là Nhật Bản).
Đề xuất này đã được IUPAC chấp nhận vào ngày hôm qua, 08 Tháng Sáu, 2016. Kể từ đây trong ngành hóa học có thêm một nguyên tố mới Nihonium (Nh). Lẽ đương nhiên 3 nguyên tố mới khác có trị số nguyên tử 115, 117 và 118 sẽ có tên gọi và ký hiệu trong thời gian tới.
Để nghiên cứu công trình này, nhóm khoa học gia Nhật đã sử dụng máy gia tốc thẳng để tăng tốc các hạt nhân kẽm (Zn với Z=30) lên vận tốc lớn cỡ 10% vận tốc ánh sáng và cho bắn vào các hạt nhân bia Bismuth (Bi với Z=83). Phản ứng tổng hợp xảy ra: hạt “đạn” và hạt nhân “bia” hợp nhất với nhau để tạo thành hạt nhân siêu nặng mới với Z=30+83=113.
Tóm lại, qua quá trình tạo phản ứng tổng hợp trên máy gia tốc, theo dõi chuỗi phân rã alpha liên tiếp và xác định sự tồn tại của các hạt nhân sản phẩm cuối cùng Mendelevium-254, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu RIKEN đã chứng minh sự tổng hợp thành công nguyên tố mới 113 chưa hề biết đến trước đó.
‘’Những cống hiến mới này cho khoa học thế nào rồi cũng được giải Nobel’’, đó là bình luận của các khoa học gia thế giới.
Leave a Comment