Quảng Cáo

Cá nhiễm độc tại Việt Nam làm ngành đánh cá thất nghiệp và thách thức nhà nước

Đi bộ qua đám cá chết trôi dạt vào bờ biển tỉnh Quảng Bình, tháng 4/2016. Chất độc thải ra từ công ty thép gần đó bị tình nghi là thủ phạm, và biểu tình nổ ra khắp nơi đang là thách đố cho nhà nước. Ảnh: AFP - Getty Images

Quảng Cáo

Kể từ khi vụ cá chết hàng loạt gây họa cho vùng bờ biển dài 200km tại miền Trung Việt Nam, hàng trăm người bị nghi là ngã bệnh vì ăn cá nhiễm độc. Tại làng chài Nhân Trạch, tỉnh Quảng Bình, loài mực nuôi sống cả làng hầu như biến mất. Và lệnh cấm đánh cá đã để lại hàng trăm cái bẫy không dùng đến và hàng chục tàu đánh cá rỗi nghề.

Bà Phạm Thị Phi, 65 tuổi, có tàu đánh cá ở Nhân Trạch cùng với chồng và ba người con trai lớn, cho biết, “Chúng tôi rất tức giận. Nếu biết ai thải chất độc ra biển, chúng tôi muốn giết họ. Chúng tôi rất cần câu trả lời của nhà nước là biển có sạch hoàn toàn không và cá ăn có được không.”

Tuy nguyên nhân trước mắt dường như là chất thải độc hại từ nhà máy sản xuất thép gần đó, sự giận dữ về vụ này đã bùng nổ lên thành vấn đề của cả nước, đưa đến một thách đố lớn nhất cho chính quyền chuyên chính kể từ sau vụ bạo loạn chống Trung Quốc năm 2014.

Người biểu tình đòi nhà nước phải có biện pháp đã xuống đường tại các thành phố lớn và các thành phố ven biển trong sáu tuần vừa qua, làm leo thang một vấn đề môi trường trong vùng thành vấn đề trách nhiệm và minh bạch của nhà nước.

Nhưng sau hai tháng từ khi cá chết hàng loạt trôi dạt vào bờ, nhà nước vẫn chưa tuyên bố nguyên nhân của thảm họa này hoặc nhận diện chất độc nào đã sát hại sinh vật trong biển và làm cư dân ven biển ngộ độc.

Sự thất bại của phản ứng nhà nước và việc hậu thuẫn trước đó cho nhà máy thép của Đài Loan làm chủ đã làm lan rộng sự nghi ngờ nhà nước tham ô, giấu giếm và ảnh hưởng đằng sau của thế lực nước ngoài bất kể đến đời sống của người Việt. Đây là một rắc rối nguy hiểm thách thức sự cai trị chính danh của đảng Cộng Sản.

Theo nhà hoạt động Nguyễn Thị Bích Nga tại Tp.HCM, “Nói đơn giản là tại Việt Nam, mạng sống con người rẻ hơn đời chính trị của nhà nước và các cơ chế. Cách này mới giải thích được những sự việc bất thường tại đây.”

Nhà nước đã không lên tiếng gì nhiều về vụ cá chết hàng loạt trong khi ra tay đàn áp người biểu tình, được kêu gọi mỗi chủ nhật từ hồi 1 tháng Năm, khi hàng ngàn người xuống đường tại Hà Nội, Tp.HCM và năm thành phố khác. Hơn 500 người đã bị bắt giữ và người biểu tình bị công an đánh đập.

Ông Hồ Hữu Sia, 67 tuổi, làm nghề cá khô tại làng Nhân Trạch, Quảng Bình, với vợ là Nguyễn Thị Tâm. Con gái ông ngã bệnh sau khi ăn cá nhiễm độc. Cuộc sống của gia đình mong manh khi không còn cá. Ảnh: Richard C. Paddock/ The New York Times

Theo ông Carlyle Thayer, một phân tích gia thời sự Việt Nam tại Học Viện Quân Đội Úc, “phản ứng của chính quyền là một phản ứng bất tài.” Vụ cá chết là vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất cho nhà nước trong nhiều năm và tạo hình ảnh xấu cho chính quyền của tân Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, vừa nắm quyền vào tháng Tư.

Văn Phòng Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền lên tiếng trong tháng vừa qua kêu gọi nhà nước đừng dùng vũ lực đối với người biểu tình.

Nhưng người ta vẫn tiếp tục biểu tình.

Vào Chủ Nhật, hơn 1.000 người xuống đường tại Nghệ An, phía bắc của nhà máy thép. Nhiều người mặc áo thun có hình xương cá. Một số mang biểu ngữ “Cá cần nước sạch, dân cần minh bạch.”

Linh mục Công Giáo Anthony Nam, một trong những người lãnh đạo cuộc biểu tình, trả lời qua điện thoại, “Dường như nhà nước tìm cách che giấu thủ phạm. Chúng tôi sẽ biểu tình cho đến khi nào nhà nước cho biết nguyên nhân.”

Tại làng Nhân Trạch, hơn 60km phía nam của hãng thép, cá chết xuất hiện đầu tiên vào đầu tháng Tư, trôi nổi và dạt vào bờ. Thoạt đầu, có vẻ là điều may mắn bất ngờ, và nhiều người nhặt lấy ăn và đem bán. Cá tiếp tục chết và trôi dạt vào bờ cả tấn, ngày này qua ngày nọ hơn một tháng trời.

Ông Hồ Hữu Sia, 67 tuổi, làm nghề cá khô cho biết, “Một số cá chết, một số thì đang ngắt ngư. Chúng tôi ăn cá nào còn sống. Ăn được khoảng hai tuần.”

Con gái ông, bà Hồ Thị Đào, 32 tuổi, ngã bệnh sau đó, ói mữa, tiêu chảy, nhức đầu và choáng váng. Bà đi bệnh xá để được truyền nước biển. Bà nói là gặp những người khác bị ngộ độc tương tự. “Tôi ăn cá và bị ngộ độc. Nhiều người khác bị giống như tôi.”

Sau đó nhà nước ra thông cáo muộn màng là sinh vật biển đã bị nhiễm độc dọc theo bốn tỉnh ven biển. Chính quyền cảnh báo người dân không ăn cá và ra lệnh ngưng đánh bắt cá.

Để đền bù, giới chức phân phối gạo và đưa các ngư dân 50 nghìn đồng, hay khoảng $2.2 đô la.

Bà Phi, đánh cá cả đời ở làng Nhân Trạch, kể lại, “Chúng tôi ngồi đó ràn rụa nước mắt nhìn ra biển. Làm được gì với 50 nghìn đồng đây?”

Cư dân ven biển và ký giả nhanh chóng nhận diện thủ phạm là công ty Thép Formosa Hà Tĩnh, đi vào hoạt động từ tháng Mười Hai năm ngoái.

Theo tin tức thì cá chết xảy ra sau khi công ty thải các hoá chất rửa ống qua đường ống thải ra biển. Phát ngôn nhân của công ty dường như xác nhận điều nghi ngờ này vào tháng Tư khi ông ta nói là không có gì ngạc nhiên nếu nước thải gây hại cho sinh vật biển. Ông Châu Xuân Phàm nói với báo giới, “Quý vị không thể nào có tất cả. Quý vị phải chọn: cá hay là thép. Nếu quý vị muốn cả hai, tôi nói cho quý vị biết đó là điều không thể. Cho dù quý vị có là thủ tướng đi chăng nữa”.

Lời phát biểu này tạo ra hàng loạt chỉ trích trên mạng xã hội và đẻ ra một hashtag phổ thông, #ichoosefish, và trở thành khẩu hiệu phản đối.

Công ty Formosa sau đó khẳng định là họ đáp ứng đúng tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam và Châu Xuân Phàm đã bị đuổi việc. Viên chức công ty đã không trả lời cho báo New York Times khi được hỏi.

Một dàn bẫy bắt mực trên bãi biển Nhân Trạch, Quảng Bình, tháng 5/2016. Khi bầy mực bị giết gần hết thì bẫy mực vô dụng. Ảnh: Richard C. Paddock/ The New York Times

Nhà nước Việt Nam cũng dè dặt tương tự.

Lúc đầu, chính quyền gợi ý có thể thủy triều đỏ là nguyên nhân. Vào giữa tháng Năm, Thứ Trưởng Khoa Học và Công Nghệ, Phạm Công Tạc, tuyên bố với báo giới Việt Nam là bộ đã có “cơ sở khoa học thuyết phục” để giải thích vụ cá chết, nhưng không tiết lộ đó là gì.

Tuần rồi, ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ, tuyên bố là đã tìm ra nguyên nhân nhưng chưa công bố được vì vẫn còn đang điều tra. Ông nói với ký giả, “Nguyên nhân cá chết còn liên quan đến thủ phạm gây ra nguyên nhân đó. Việc xác định thủ phạm không chỉ bằng những bằng chứng khoa học mà còn phải điều tra đầy đủ các bằng chứng vi phạm pháp luật, nhất là pháp luật về môi trường.”

Việc thiếu thông tin chỉ thêm dầu vào lửa cho sự tức giận của người biểu tình.

Dân làng cho biết là chính quyền lấy mẫu nước thử nghiệm ngay sau khi vụ việc xảy ra, và chuyên gia ngoại quốc cho biết là kết quả có thể được biết vài ngày sau đó.

Giáo sư đại học Nguyễn Hoàng Anh tại Hà Nội nói rằng nhà nước lẽ ra phải tiết lộ ngay tên chất độc, nhất là đối với các nạn nhân ngộ độc và bác sĩ của họ. Bà nói rằng, “Điều này không đúng, vô đạo đức. Là một tội lỗi.” Bà ví sự che giấu này như là một vụ Chernobyl của Việt Nam, vụ thảm họa hạt nhật của Liên Sô.

Các phân tích gia nhận định đó là điều nhà nước sợ nhất, và đó là tại sao nhà nước nhanh chóng đàn áp thô bạo người biểu tình trước khi lan ra thành một cuộc nổi dậy của quần chúng.

Nhưng giới chỉ trích cho rằng chính quyền có động cơ thầm kín để ém nhẹm sự việc.

Chính quyền đã hỗ trợ cho nhà máy thép, cho công ty này một mối lợi béo bở, bao gồm giảm thuế, giá đất rất hời để xây nhà máy cạnh ven biển.

Công ty này là công ty con của tổ hợp Formosa Plastics Groups, trả có 4.3 triệu đô la để thuê 70 năm hơn 8 nghìn mẫu đất ven biển. Chạy ra có $530 đô la một mẫu.

Để lấy đất xây công ty, chính quyền dời chín ngôi làng với hơn 14 nghìn người. Năm 2012, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc bấy giờ, đến dự lễ vỡ đất.

Theo ông Huỳnh Ngọc Chênh, từng là biên tập của báo Thanh Niên và là một blogger nổi tiếng, trả lời phỏng vấn qua mạng, “Một số quan chức lớn nhà nước ăn hối lộ để ký thỏa thuận cho xây nhà máy ở đó, và do đó phần nào chịu trách nhiệm về vụ thải chất độc. Thành ra họ không thể dễ dàng đổ thừa Formosa hoặc nhận lấy trách nhiệm. Vì thế mà họ không nói năng gì hết và xoay qua đàn áp người biểu tình.”

Cách đây hai năm, trong lúc hãng đang được xây cất thì trở thành đối tượng của cuộc nổi loạn vì Trung Quốc kéo giàn khoan dầu Hải Dương vào vùng biển Việt Nam. Hơn 200 công ty của Trung Quốc và nước ngoài làm chủ bị đập phá, hôi của, bị đốt.

Nhưng vụ dấy loạn tệ hại nhất xảy ra tại Formosa, với bốn người bị thiệt mạng. Công ty Formosa có gốc tại Đài Loan, nhưng hàng ngàn công nhân Trung Quốc được đưa qua để xây cất. Người biểu tình chận xe buýt, lôi hành khách Trung Quốc xuống đánh.

Chính quyền cẩn thận không để cho việc biểu tình hiện thời đi quá đà. Nhưng ngay cả nếu dẹp được biểu tình, thì giá kinh tế phải trả tiếp tục dâng cao.

Vào một buổi sáng gần đây, hơn chục người buôn bán cá tụ họp ở một quán nước gần bờ biển. Vài người đánh cờ, chơi bài. Chẳng có gì để làm ngoài chuyện giết thì giờ.

Gần đó, Phan Đình Sơn, 49 tuổi, ngồi chờ trong tiệm vắng lặng. Ông thường bán hàng trăm khối nước đá mỗi ngày. Bây giờ thì bán được có 20 mỗi ngày. Ông có một dịch vụ khác buôn bán tôm cua, sò hến thì cũng đành ngưng vì chẳng ai dám ăn hải sản địa phương.

Ông thổ lộ, “Chợ cá vắng tanh. Tôi mong đảng và nhà nước sớm có giải pháp và cho câu trả lời rõ ràng để chúng tôi làm ăn.”

Richard C. Paddock
8/6/2016

Hoàng Thuyên lược dịch

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux