Có một bình luận trên VOA ở bài viết kỳ trước khiến tôi suy nghĩ khi người đọc bị bất ngờ trước một câu viết của tôi rằng “Thật khó để Việt Nam trở thành một đất nước dân chủ.” Thật ra tôi cũng rất đắn đo khi có suy nghĩ như vậy, nhưng bởi bản thân tôi cũng giật mình trước thái độ của dân chúng đối với sự có mặt của Tổng thống Obama tại đất nước mình trong những ngày vừa qua.
Tôi rất muốn đặt một câu hỏi thẳng thắn rằng: “Sẽ có sự thay đổi lớn nào xảy ra tại chính đất nước mình, sau khi Obama rời khỏi Việt Nam?”. Hay tất cả chúng ta rồi sẽ quay lại cuộc sống bình thường như vừa đón đưa xong một ban nhạc thần tượng Hàn Quốc? Liệu có ai để ý xem báo chí quốc tế nhận định gì về cuộc viếng thăm của tổng thống Mỹ hay chỉ đơn giản lướt qua vài cái tít tâng bốc của truyền thông trong nước? Dân Việt hồ hởi bởi sự có mặt của tổng thống Mỹ vì lẽ gì? Vì nước Mỹ giàu có? Vì nước Mỹ thân thiện? Sự thịnh vượng lên xuống theo thời. Nếu nói về phát triển kinh tế, chính Hoa Kỳ đang cực kỳ e ngại cường quốc Trung Hoa. Sự thân thiện? Đó là một chiêu bài PR không hơn không kém. Chưa kể nếu các bạn muốn tìm hiểu về chính trị Mỹ, họ luôn muốn hướng tới hình ảnh của một đất nước thích khoa trương về sức mạnh. Chính vì vậy, sự thân thiện của Obama trở thành một hiện tượng và không ít người Mỹ tỏ ra bất đồng với sự nhún nhường quá mức của ông.
Dân chúng Việt niềm nở với Obama, chứ không phải Bush hay Clinton, bởi ông là người quyết định bãi bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam trong khi không làm như vậy với Trung Quốc. Vậy là đa số chúng ta hả hê nghĩ rằng không còn phải sợ tay Tập Cận Bình dòm ngó đến biển đông nữa bởi Việt Nam giờ đã có Obama làm bạn, đã có Obama hỗ trợ, đã có vũ khí từ đất nước hùng cường bậc nhất thế giời. Chúng ta hồ hởi với Mỹ để xù lông hung hãn với nước láng giềng. Nên nhớ, nước Mỹ luôn luôn là đất nước hai mặt. Nếu trong số các bạn có đọc về thể chế tư bản, thì Hoa Kỳ là một quốc gia đầy cơ hội. Chính nước Mỹ quay lưng lại với đồng minh Anh Quốc trong cuộc tranh chấp kênh đào Suez giữa Anh và Ai Cập năm 1956 để dễ dàng tiếp cận với lượng dầu khổng lồ tại Saudi Arabia.
Báo The New York Times ngày 24 tháng 5 có đăng bài với tựa đề “As Obama Presses Vietnam on Rights, Activists Are Barred From Meeting”. Trong bài báo đưa rất rõ ràng cụ thể về 3 nhà hoạt động nhân quyền có tiếng nói tại Việt Nam mà tôi cũng đã đề cập đến trong một bài viết trước bao gồm ông Nguyễn Quang A, blogger Phạm Đoan Trang, và luật sư Hà Huy Sơn. Ông John Sifton của Human Right Watch nhận định rằng sự cấm đoán hay ngăn cản các nhà hoạt động xã hội đến gặp với Tổng thống Obama không chỉ là hành động xúc phạm đến ông mà còn là xâm phạm đến quyền con người khi tước đoạt quyền tự do thể hiện ý kiến cá nhân. Bài báo không chỉ đơn giản là đưa thông tin, 2 tác giả Gardiner Harris và Jane Perlez tỏ rõ thái độ và quan điểm qua từng câu chữ. Họ tường trình về 2.300 thính giả ăn mặc đẹp đẽ, ngồi ghế nhung đỏ và chắc chắn hầu hết đã được chính phủ sàng lọc, reo hò mừng rỡ khi Obama xuất hiện. Họ reo lên một lần nữa khi ông nói: “Việt Nam là một đất nước độc lập tự chủ, và không một đất nước nào có thể thay đổi điều đó,” như một ám chỉ liên quan đến Trung Quốc, đã từng tự tuyên bố chủ quyền biển Đông. Tuy nhiên, cả khán phòng im bặt khi ông đề cập các chủ đề về thực thi chủ quyền.
Hoàng Giang/(Blog VOA)
Leave a Comment