Mình đang tự hỏi, phải chăng mình vẫn còn hơi nhỏ nhen, phải chăng thói ghen ăn tức ở vẫn còn len lỏi trong con người mình? Bấy lâu nay, mình vẫn thường cổ vũ cho việc tránh xa Trung Quốc, xích lại gần với Mỹ, nhưng hôm nay, Tổng thống Mỹ Obama qua thăm Việt Nam, mình lại cảm thấy không hồ hởi gì mấy, thậm chí hơi buồn lo, vẩn vơ một điều gì đó chưa thật ổn : như một cuộc mua vui, đánh lừa, ru ngủ một dân tộc chưa dám bừng tỉnh ?
Mình phải thật lòng nói thẳng chính kiến của mình rằng : thêm một chiến thắng của đảng cộng sản Việt Nam là thêm một sự bất hạnh cho dân tộc Việt Nam.
Người cộng sản hầu như không có khả năng nhân nhượng, ngay cả khi nhân nhượng với chính nhân dân của mình. Chỉ khi nào họ gặp phải khó khăn chồng chất, bị dồn vào chân tường họ mới tìm lối thoát. Vậy là, họ đang đi tìm lối thoát cho đảng cộng sản hay họ mong muốn tìm giải pháp cho dân tộc Việt Nam ?
Từ khi Mỹ đồng ý đón ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, một tiền lệ chưa từng có, thì người ta đã có thể dễ dàng nhìn thấy, đây là mối quan hệ giữa Mỹ và đảng cộng sản Việt Nam. Mỹ đã công khai tuyên bố tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam.
Trong điều chỉnh chiến lược chuyển hướng sang Châu Á-Thái Bình Dương, người Mỹ đang rất cần Việt Nam, dù ở đó đảng cộng sản đang độc tài. Mỹ vẫn sẵn sàng chiều chuộng đánh đổi uy tín, tiền bạc, miễn làm sao đừng để Việt Nam co cụm vào với Trung Quốc. Đây, vũ khí của Mỹ đây, anh sử dụng đi, đánh ai cũng được. Người Mỹ đang biết sử dụng « tâm lý chống Trung Quốc của người Việt Nam ». Trong chuyến đi, mọi người có thể dễ dàng nhận thấy, bao trùm lên trên tất cả là vấn đề : vũ khí.
Ta không nghi ngờ lòng tốt của người Mỹ, nhưng ta hoàn toàn có lý khi lo ngại tính thực dụng của người Mỹ gặp phải thói giả dối của đảng cộng sản Việt Nam. Điều đó sẻ chỉ gây bất lợi cho nhân dân Việt Nam.
Cho nên, trong chừng mực nào đó chuyến đi vô tình đã tạo thêm uy tín của đảng cộng sản Việt Nam, làm xì bớt tình trạng căng thẳng của cuộc khủng hoảng về môi trường hiện đang rất nhức nhối tại Việt Nam.
Món quà ông Obama mang lại cho người dân thường Việt Nam ít hơn nhiều so với những gì ông mang đến cho chính quyền, một chính quyền vẫn đang đàn áp, o bế người dân ngay cả khi chuyến đi của ông đang diễn ra. Nhân danh Tổng thống nước Mỹ, ông Obama hoàn toàn có thể cương quyết hơn để chính quyền phải cho ông gặp được những nhà bất đồng chính kiến : Nguyễn Quang A, Phạm Đoan Trang … như dự kiến của ông trong chuyến đi. Việc những người này không đến được cuộc gặp, không gặp được ông, có thể với ông không quan trọng lắm, nhưng đối với người dân, đối với phong trào đòi dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam của chúng tôi thì nó lại hết sức quan trọng và bức thiết. Chúng tôi mong đợi ở ông những điểm nhỏ như vậy thôi. Đành rằng, chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với ông rằng : dân chủ và nhân quyền trên đất nước chúng tôi là phải do chính chúng tôi gây dựng nên.
Tình cảm ông nhận được từ người dân trong chuyến đi vừa là sự trân trọng, nể phục đối với cá nhân ông, nhưng vừa nói lên người dân chúng tôi mong đợi ở nước Mỹ đến ngần nào.
Dẫu sao, đây vẫn là bước tiến quan trọng trong quan hệ Việt-Mỹ.
Bước tiến này có dấu ấn rất rõ của Bộ Ngoại giao, nơi tôi đã có 30 năm gắn bó, còn nhiều kỷ niệm. Điều đó cho thấy Bộ Ngoại giao đã dần cải thiện được tiếng nói của mình trong nội bộ.
Những ai làm ở Bộ Ngoại giao đều biết rất rõ rằng tầm thế của Bộ Ngoại giao xuống rất thấp sau Thành Đô. Khi Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch không kìm được đã phải nói với Thứ trưởng Trần Quang Cơ rằng : anh là thứ trưởng ngoại giao, anh làm việc theo lệnh của bộ trưởng quốc phòng hay theo lệnh của bộ trưởng ngoại giao ?.
Cho dù những tính toán của đảng cộng sản làm sao đi chăng nữa, mà theo họ là rất « khôn ngoan, mềm dẻo », thì những bước tiến mới đây trong quan hệ với Mỹ có công rất lớn của Bộ Ngoại giao. Những ai hiểu nội tình Việt Nam đều biết rằng để thông qua được một đề án nâng tầm quan hệ với « cựu thù » Mỹ, qua được những cái đầu thủ cựu, rặt tính « bạn thù » của bộ chính trị quả là một việc vô cùng khó khăn. Chỉ mới gần đây thôi, giữa Bộ ngoại giao và Bộ quốc phòng cũng còn tranh cãi nhau nhiều về vấn đề vũ khí Mỹ.
Tuy vậy, đây cũng mới chỉ là những dấu hiệu đáng mừng đầu tiên. Tôi biết các bạn ở Bộ Ngoại giao không hẳn là dễ chịu khi phải đi giải quyết hậu quả của những vụ việc vi phạm nhân quyền do Bộ Công an gây ra. Gần đây, việc đánh đập, đe dọa và bắt bớ ngày càng nhiều, thậm chí cả với những người dân bình thường bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường. Các bạn chắc không hẳn thoải mái cho lắm khi phải đứng ra thanh minh cho các hành động của Bộ Công an. Thí dụ ta có thể hình dung đại sứ Nguyễn Trung Thành, tại Genève phải miễn cưỡng làm theo lệnh ra sao khi đứng ra để phản đối người phát ngôn của Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, khi họ lên tiếng về các vụ Việt Nam bắt bớ, đàn áp biểu tình về môi trường biển miền Trung gần đây.
Một vài tâm tư chia sẻ cùng bạn đọc nhân chuyến đi của Tổng thống Mỹ Obama đến thăm Việt Nam.
Đặng Xương Hùng
Genève, 24/5/2016
Leave a Comment