* TS. Nguyễn Xuân Diện đã phỏng vấn nóng TS. Đinh Hoàng Thắng về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama, từ 23—25/5. Dưới đây là nội dung câu hỏi—trả lời:
-Thưa Tiến sĩ, ông nhìn nhận thế nào về chuyến thăm?
– Muốn tổng quan, nên đọc lại bài báo trên New York Times đăng đúng ngày 23/5 do ba nhân vật cộm cán đứng liên danh: ngoại trưởng Kerry, TNS McCain, cựu TNS Bob Kerry. Ba ông ấy nhìn nhận, lợi ích hỗ tương là sức mạnh lớn nhất sẽ thúc đẩy “quan hệ đối tác” giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Nhưng sức mạnh hỗ tương là gì? Ba ông giải thích: bao gồm những tình cảm tự nhiên như một sức hút, một ái lực—affinitives, giữa 2 xã hội Việt Nam và Mỹ. Tại đó, quan hệ gia đình, khát vọng về độc lập và tự do và sự hiểu rõ giá trị của hòa bình bao giờ cũng tốt đẹp hơn chiến tranh được coi là xu hướng lạc quan[2].
Chuyến thăm Việt Nam của Obama rõ ràng đã tạo ra một cú hích lớn cho “quan hệ đối tác” ấy trên nhiều phương diện.
– Những phương diện nào ông cho là nổi bật nhất?
– Có ba phương diện: i) Bỏ cấm vận vũ khí. Điều này là hệ trọng trong bối cảnh hiện nay. Việt Nam có thể tiếp cận thiết bị cần mua sắm để tự vệ. Quan hệ quốc phòng giữa Mỹ với Việt Nam và với khu vực được bình thường hóa hoàn toàn. ii) Hai bên thành lập Nhóm CHAMSI (Sáng kiến dự trữ thiết bị y tế và nhân đạo). Tôi cho đây là tiền đề để Việt—Mỹ tăng cường quan hệ phòng thủ, tạo thế “hợp tung liên hoành” sau này. iii) Hai bên cam kết tăng cường “đối tác toàn diện” theo hướng thực chất, sâu sắc, hiệu quả hơn. Tôi cho đây chính là nội dung quan trọng của “đối tác chiến lược” giai đoạn tới.
Xin nói thêm là có nhiều cách nhìn nhận. Tuyên bố chung giữa hai nước đúc kết 7 lĩnh vực, từ chính trị—ngoại giao, kinh tế—thương mại, an ninh—quốc phòng đến nhân quyền và hợp tác trong khu vực, là cách đánh giá có thể nói bao quát và đầy đủ.
– Ấn tượng nhất trong chuyến thăm?
– Hiển nhiên là cái phát biểu trước các sinh viên, trí thức, doanh nghiệp của Tổng thống. Nó ấn tượng ở chỗ, loại diễn văn như thế thường được viết/đọc lại bằng một thứ ngôn ngữ “gỗ”, khô không khốc. Nghe xong cứ như nước đổ đầu vịt. Không nhớ cái gì cả. Thi thoảng có chỗ nào “lên gân” thì biết ngay là rởm (không phải hàng thật). Khác với đây là loại hàng hiệu, hàng xách tay.
– Ông có thể giải thích rõ hơn?
– Một tuyên ngôn minh triết được thiết kế trên nền tảng văn hóa và lịch sử của sở tại. Nói những điều dân Việt nghe sướng tai, đồng thời cũng đã chỉ ra được trách nhiệm và sứ mệnh của người nghe. Vận mệnh nước anh bị “thằng lớn” nó can thiệp, ăn hiếp. OK, tôi sẽ giúp, nhưng anh phải có bản lĩnh, giống như tiền nhân của anh vậy! Anh phải tự lo là chính! Văn hóa anh kỳ vỹ, lịch sử huy hoàng, phụ nữ các anh mạnh mẽ, tự cường. Các anh có thơ “thần” Lý Thường Kiệt, Kiều Nguyễn Du, triết cụ Phan, nhạc họ Trịnh, toán Ngô Bảo Châu. Dân anh trẻ, năng động, sáng tạo, ham hiểu biết… Đất nước tràn đầy năng lượng. Vậy tại sao các anh cứ tụt hậu hoài, lạc lõng mãi…
Nghe Obama xong, anh bạn cạnh tôi thở dài, “rằng hay thì thật là hay…”. Tôi an ủi, dầu sao, Obama cũng chỉ ra được nguồn lực “sức mạnh mềm” của Việt Nam. Đừng bi quan, hãy học tập theo gương của nàng Scarlett: Ngày mai sẽ là một ngày mới! (Tomorrow is another day!)
– Anh bạn ông nói gì sau lời an ủi ấy?
– Anh ấy vẫn thấy tiếc nuối một cái gì đấy… Phía chủ nhà thiếu vắng những nụ cười, thiếu vắng sự thân thiện. Lạnh quá!… (May mà có người dân bù lại). So với thái độ khi anh sang thăm người ta, người ta thấy lúc ấy anh vẫn biết cười mà! Truyền thông chính thức thì được chỉ thị đưa sơ sài. Bản tin thời sự giờ vàng của truyền hình quốc gia cố đưa sự kiện nóng chậm lại 10 phút so với lúc đón Thủ tướng Lào, Thủ tướng CPC. Mà khổ quá, đưa như vậy là hạ thấp ngay chính cả Nguyên thủ, cả Tổng bí thư của anh, chứ có gì “lập trường” đâu.
– Vâng, nói đến người dân, ông thấy Hà Nội và Sài Gòn có gì khác nhau trong cách chào mừng Obama hay không?
– Sài Gòn có vẻ đông đúc và đậm đặc, háo hức và xúc động hơn, là tôi nói người dân, chứ không nói mấy tay lao vào xé cái poster mang hình Obama. An ninh có dặn trước, người dân chỉ đứng yên hai bên đường, không được hô khẩu hiệu, không được vung tay… Làm dân nước Nam kể cũng “sướng” thật! Từ thế kỷ trước đã vậy, nay bước sang thế kỷ 21 rồi mà mọi cung bậc vui buồn, cười khóc cũng có người lo trước cho!
– Nghe nói ông có phàn nàn về chất lượng dịch đuổi trên vô tuyến?
– Đâu có, nghề ấy nặng nhọc hơn phu thợ mỏ nhiều, vất vả lắm. Đúng như Lê Đạt từng nói, làm “phu chữ” mà! Có điều hơi tiếc cho câu lẩy Kiều cuối cùng bị bỏ qua. Ý của ông Obama (tức là của giới hoạch định chính sách ở Mỹ) là muốn trao cho Việt Nam một lời hẹn ước, giống như khi Kim Trọng trao kỷ vật cho người tình để làm tin, một cách chân thật, tình cảm, lại còn rất đằm thắm nữa… Nhưng cuộc tình nay mai có thành hay không, đâu chỉ phụ thuộc vào một mình Kim Trọng. Chỉ lo mối tình mình thề thốt, vì lẽ gì đấy, rồi lại dang dở! Ngẫm cho kỹ, có thể rơi nước mắt về cách ví von của cánh trợ lý cho Tổng thống. Thâm diệu đến thế là cùng.
– Vâng, ông có thể cho một khái quát lạc quan hơn một chút trước khi kết thúc phỏng vấn?
– Cũng khó khái quát, vì tất cả còn mới toanh. Nhưng tôi nghĩ, cho dù Tổng thống Obama đã sang Nhật họp, sau đó ông sẽ trở về Mỹ, mấy tháng nữa thì về hưu, nhưng dư âm của chuyến thăm lịch sử này sẽ còn vang vọng dài dài.
– Cảm ơn Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng!
————
[1] Scarlett là nhân vật trong tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió” (Gone with the Wind) năm 1936 của nhà văn Mĩ Margaret Mitchell, nói về cuộc nội chiến Nam-Bắc Mỹ. Nàng là một hoa khôi có cá tính mạnh mẽ, khác đời. Nàng là hiện thân của tư duy năng động rất Mỹ, mất hết tài sản, mất cả người tình, nàng quyết làm lại tất cả từ đầu, với câu nói nổi tiếng “Ngày mai sẽ là một ngày mới!”
[1] http://www.nytimes.com/2016/05/24/opinion/moving-on-in-vietnam-but-remembering-its-lessons.html?_r=0 “Looking to the future, we know that mutual interests, above all else, will drive our partnership with Vietnam. But it is strengthened, as well, by the natural affinities between our societies. These include family ties, a tendency toward optimism, a fierce desire for freedom and independence and a hard-earned appreciation that peace is far, far preferable to war”.
Leave a Comment