Linh Mục Tadeo Nguyễn Văn Lý được trả tự do trước ngày tổng thống Mỹ qua Hà Nội. Người dân Việt nhìn thấy một thú nhận nhục nhã trong hành động của chính quyền Cộng Sản.
Hành động này không khác gì một bọn ăn cướp đang bị bao vây phải chấp nhận thả một con tin để được tiếp tế nước uống, cơm ăn. Bọn lãnh đạo Cộng Sản không lo thiếu cơm thiếu nước nhưng cần củng cố quyền hành, kéo dài được ngày nào hay ngày đó. Dân đang lo nước biển tràn vào sông Cửu Long sẽ giết chết vựa lúa miền Nam. Dân đang uất ức trước cảnh cá chết từ Vũng Áng vào đến Kinh Nhiêu Lộc. Không ai dám ăn cá, ăn tôm, cả nước chạy đi mua vét nước mắm trước khi quá trễ. Tất cả chỉ vì bọn tham quan ăn tiền của các chủ nhân ngoại quốc, không cần biết đến môi trường bị hủy hoại. Cộng Sản mua vũ khí sát thương không phải để lo chống ngoại xâm mà còn dùng để đàn áp cả khối dân đang nổi giận chưa biết lúc nào sẽ vùng lên; vì con giun xéo lắm cũng quằn. Hơn nữa, mỗi một vụ mua bán làm giầu cho các nhà sản xuất vũ khí Raytheon, Lockheed Martin, Boeing, đều tạo cơ hội cho quan tham bỏ thêm tiền vào các trương mục ở ngoại quốc! Các công ty Mỹ đều bị luật pháp cấm hối lộ quan chức ngoại quốc, nhưng bọn đầu sỏ cộng sản không thiếu cách dựng lên những mạng lưới trung gian để ăn hoa hồng. Hãy nhớ lại vụ in tiền Polymer ở Úc!
Nhưng ai cũng thấy việc trả tự do cho Linh Mục Nguyễn Văn Lý trước khi tiếp ông Obama là một hành động trẻ con. Nhân viên sứ quán Mỹ ở Hà Nội sẽ vỗ vai các quan chức ngoại giao Cộng Sản khen ngợi hành động cấp thời này. Nhưng hành động đó có làm thay đổi được chính sách của chính quyền Obama khay không?
Một người làm tổng thống Mỹ không phải một đứa trẻ được ăn kẹo thì cười hớn hở, nói gì cũng nghe. Chính quyền Mỹ bao giờ quyết định các vấn đề ngọai giao theo hứng. Họ tính toán, chuẩn bị kế sách lâu dài.
Cuộc thăm viếng đài tưởng niệm ở Hiroshima của ông Obama đã được chuẩn bị từ nhiều năm trước. Năm 2010, hơn 70 năm sau khi Mỹ thả bom nguyên tử, một Ðại Sứ Mỹ ở Tokyo, lần đầu tiên, đã tới dự lễ tưởng niệm ở Hiroshima. Tháng trước, ngoại trưởng Mỹ bất ngờ tới viếng đài kỷ niệm 140,000 nạn nhân, báo đài khắp thế giới loan tin, coi là một biến cố lớn, cũng lần đầu tiên trong lịch sử.
Chính quyền Mỹ cũng biết tính đường dài chứ không… đến đâu hay đó. Phải nói rõ như vậy để tránh ảo tưởng rằng họ sẽ bị những thủ đoạn ranh ma nhất thời lay chuyển. Nước Mỹ có những quyền lợi của họ ở Châu Á, trong vùng Ðông Nam Á, vùng Biển Ðông nước ta. Những chiến lược do các chuyên gia thảo luận ngày này sang năm khác rồi đề nghị công khai. Chính phủ Mỹ có thể thay đổi nhưng quyền lợi nước Mỹ không thay đổi.
Nước Mỹ có thể ảnh hưởng trên tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam qua nhiều cách; cách công khai là đòi hỏi cộng sản tôn trọng nhân quyền. Nhưng sức mạnh của 300 triệu dân Mỹ nằm trên mặt kinh tế. Người Mỹ tin tưởng, một cách hồn nhiên, rằng nếu loài người đều sống như họ thì sẽ tiến bộ hơn. Cho nên TPP không chỉ là một thỏa ước kinh tế. Ðối với người Mỹ thì việc thi hành thỏa ước này là một vận động cho dân chủ tự do.
Ðại diện thương mại Hoa Kỳ Mike Froman đã báo cáo về các cuộc thảo luận với chính quyền Cộng Sản Việt Nam về thỏa ước này. Một lãnh vực được ông nêu ra là vấn đề quyền lợi người lao động. Ông Froman nói rằng Cộng Sản Việt Nam đã “đồng ý cho phép các công đoàn độc lập có thể quyền bầu người lãnh đạo riêng, điều hành tài chính riêng, tổ chức đình công. Họ được liên kết với các công đoàn khác theo ý muốn, nhận sự trợ giúp của các tổ chức lao động ngoại quốc. Họ đã đồng ý với những nguyên tắc cơ bản của ILO (Tổ chức Lao Ðộng quốc tế) trong đó có quyền lập hội, quyền thương lượng tập thể, thương lượng các điều kiện làm việc hợp lý – mức lương tối thiểu, luật lệ về giờ làm việc, điều kiện nơi làm việc an toàn, cấm lao động trẻ em và lao động cưỡng bách, cấm kỳ thị trong việc tuyển dụng.” Ông Froman nhấn mạnh rằng việc thực thi đầy đủ TPP “được gắn liền với việc cộng sản Việt Nam tuân thủ các điều khoản này.” Tất nhiên khi quyền lao động được tôn trọng, ảnh hưởng sẽ lan ra tới các quyền công dân khác.
Ðến Hà Nội, ông Obama có thể nói thẳng với tất cả mọi người Việt Nam, qua bài diễn văn đọc ở Mỹ Ðình, rằng mục tiêu của nước Mỹ ở Châu Á và ở Việt Nam từ một thế kỷ qua không thay đổi. Họ muốn dân tộc Việt Nam phát triển kinh tế và sống tự do dân chủ. Họ muốn ngăn không cho đế quốc Trung Hoa bành trướng nuốt chửng các quốc gia Ðông Nam Á. Người Việt Nam nào mà không mong ước những điều đó?
Leave a Comment