Chuyện dài cá chết tại Việt Nam là thử thách đầu tiên cho chính quyền kể từ sau Đại hội đảng vào tháng Giêng. Với chuyến viếng thăm của Tổng thống Hoa Kỳ sắp tới đây, các vụ biểu tình nổ ra vào thời điểm khó xử và chưa có kết quả gì cụ thể.
Khá là bất thường khi tổng thống Hoa Kỳ viếng thăm Việt Nam vào lúc mà báo chí nhà nước lên tiếng về các âm mưu khủng bố. Nhất là đây là một quốc gia độc đảng và báo chí dưới sự kiểm soát của nhà nước. Những ngày tháng trước khi có vị Tổng thống Hoa Kỳ viếng thăm kể từ chuyến thăm lần chót của Tổng thống George Bush vào năm 2006 đã là một thời gian bất thường và đảng cố gắng tìm cách kiểm soát.
Như những chuyện dài hấp dẫn, chuyện lần này dai dẳng và càng ngày càng phức tạp. Từ trung tuần tháng Tư, cá chết hàng loạt trôi dạt vào bờ, đầu tiên ở Hà Tĩnh, rồi của ba tỉnh tiếp đó. Tổng số cá chết có thể hơn 100 tấn, và kế sinh nhai của ngư dân bị ảnh hưởng nặng nề. Công ty sản xuất thép Formosa của Đài Loan bị mọi người, trừ có chính quyền, cho là thủ phạm.
Sau khi một phát ngôn nhân của Formosa lên tiếng tuyên bố là người dân chọn công ty sắt (quan trọng cho phát triển kinh tế) hoặc chọn cá, mạng xã hội nhốn nháo lên và phần lớn cư dân mạng chọn cá. Biểu tình diễn ra tại các thành phố lớn và tại một số thành phố tỉnh lẻ như Hải Phòng. Tới tuần lễ thứ nhì của tháng Năm, không gì ngạc nhiên khi sự việc trở nên đẫm máu và người biểu tình bị bắt giữ, chở đi mất và điện thoại của họ bị tẩy xóa. Vào ngày 15 tháng Năm, vô số cảnh sát sắc phục và thường phục tuần tra trên đường phố.
Tuy Facebook chưa bị tường lửa chặn hoàn toàn, nhưng có nỗ lực kiểm duyệt một số từ khóa như Hà Tĩnh, Formosa, cá chết khi gửi tin nhắn SMS.
Đi tìm “khủng bố”
Chính quyền lên tiếng vu cáo Đảng Việt Tân đứng sau những cuộc biểu tình hàng ngàn người. Báo Tuổi Trẻ phiên bản tiếng Anh viết là, “Công an Tp.HCM cho biết là một tổ chức chống chính phủ đứng sau những cuộc tụ họp gần đây của quần chúng để gây mất an ninh trật tự công cộng vào ngày 1 và 8 Tháng Năm.” Tờ báo viết thêm là tổ chức này gây rối và “lợi dụng” vụ cá chết “mà nguyên nhân vẫn chưa được xác định”.
Đảng Việt Tân chính yếu có trụ sở ở Hoa Kỳ nhưng có chi nhánh ở khắp mọi nơi khác. Tuy một số hoạt động vào thập niên 80 của họ có thể nhằm lật đổ chính quyền, giới lãnh đạo hiện nay hoàn toàn khác. Họ chú tâm vào vấn đề tự do ngôn luận, tự do internet và các vấn đề tương tự. Tuy họ có lên tiếng mạnh mẽ trong những cuộc biểu tình, nhưng không thể nào có thể dán nhãn khủng bố cho họ được. Chính quyền thì không muốn nhắc nhiều đến Việt Tân trừ khi đem thành viên Việt Tân ra xét xử, vì vậy cáo buộc lần này càng giả tạo.
Chính quyền ngơ ngác
Tuy nhiên, khi đổ thừa cho Việt Tân đứng sau các cuộc biểu tình đủ để nói lên một điều: Chính quyền với các viên chức có học vấn nước ngoài, thông minh, biết quản trị dường như ngơ ngơ ngác ngác không biết làm gì. Các vụ xì căng đan về môi trường không phải là hiếm hoi gì (tuy ít khi nào ở tầm cỡ này), tuy rằng giơ cao đánh khẽ có lẽ cũng đủ. Thay vào đó là cả một sự rối loạn, thoái thác, quanh co của chính quyền khiến cho người dân càng thêm bất mãn.
Động thái tảng lờ “chuyện không có gì ầm ỉ” có thể dùng được vào năm 2010 khi kho pháo hoa phát nổ bốn ngày trước khi kỷ niệm Ngàn Năm Thăng Long. Lúc đó báo chí nhà nước được lệnh không đưa tin, và lý do các vụ đốt pháo hoa giảm xuống còn bốn buổi là để tiết kiệm tiền cứu trợ nạn nhân bão lụt không phải là không có lý. Tuy nhiên lần này 100 tấn cá chết thúi hoắc không dễ để thổi tan đi.
Trong lúc đó thì Tổng thống Obama sẽ đến tối Chủ nhật. Đã 10 năm từ khi có vị Tổng thống Mỹ đến thăm lần cuối, tuy các Bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao đã đến Hà Nội nhiều lần. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đến thăm Washington lần đầu hồi năm ngoái. Tín hiệu đưa ra lúc đó có vẻ là quan hệ đang nồng ấm hơn, nhờ vào các động thái ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông.
Câu hỏi chính là: liệu Hoa Kỳ có gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam? Nhân quyền lúc nào cũng là vấn đề. Hình ảnh người biểu tình bị đánh đổ máu không phải là điềm tốt ở lúc này, mặc dầu Washington vẫn luôn có chuyện để nói về nhân quyền. Đối với Trung Quốc, quan hệ Mỹ-Việt gần gũi hơn và bán vũ khí cũng không phải là điềm tốt lành.
Bắc Kinh và Hà Nội quan sát quần chúng của đôi bên để xem những loại biểu tình và ý tưởng nào có thể lây lan. Đây là lần hiếm hoi mà Trung Quốc có thể hoan nghênh 2.000 người biểu tình tại Việt Nam trong lúc Tổng thống Mỹ trên đường đến.
Helen Clark – Asia Sentinel
18/05/2016
Hoàng Thuyên lược dịch
Leave a Comment