WASHINGTON (CTM Media) – Trong lúc Tổng Thống Obama chuẩn bị cho chuyến thăm viếng Á Châu vào cuối tuần này, thì Tiến Sĩ Patrick Cronin, Giám Đốc Chương Trình An Ninh Châu Á Thái Bình Dương (Asia Pacific Security Program) thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu về Nền An Ninh Mới của Hoa Kỳ (Center for a New American Security – CNAS) đã công bố một đề nghị gồm 5 điểm mà vị Tân Tổng Thống Hoa Kỳ sẽ nhậm chức vào hạ tuần Tháng Giêng Năm 2017 nên theo đuổi hầu duy trì ưu thế của Mỹ trong vùng Đông Nam Á. Bản đề nghị tựa đề “Duy Trì sự Cân Bằng trong Khu Vực Đông Nam Á: Thách Thức và Cơ Hội đối với Chính Phủ Kế Tiếp”, là một phần bản đề nghị của CNAS cho vị tân tổng thống, trong đó đề xuất những vấn đề trọng điểm mà vị tân tổng thống Hoa Kỳ phải sớm thực hiện.
Bản báo cáo và các khuyến nghị này là một phần trong Chính Sách Đông Nam Á Derwin Pereira của CNA. Đây là một trung tâm bao gồm một nhóm các viên chức cao cấp thuộc cả hai đảng trong chính phủ Hoa Kỳ hiện nay và các chính phủ tiền nhiệm, cùng các chuyên gia khu vực, thảo luận về các biện pháp an ninh, ngoại giao và kinh tế trong chính sách đối với Đông Nam Á cho chính phủ kế tiếp của Hoa Kỳ.
Theo bản đề nghị này thì tân chính phủ Hoa Kỳ phải ngay lập tức cho thấy những tín hiệu về ý định của mình trong những cam kết sâu xa đối với vùng Đông Nam Á, đồng thời cho thấy một cách rõ ràng những gì mà Hoa Kỳ sẽ thực hiện để thể hiện sức mạnh và sự cam kết lâu dài của mình. Bản đề nghị nhấn mạnh 5 điểm mà vị tân Tổng Thống Hoa Kỳ cần thực hiện trong vòng 100 ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình:
1/ Đọc một bài diễn văn nhấn mạnh về tầm quan trọng của châu Á.
2/ Ra lệnh cho các cố vấn an ninh quốc gia phối hợp một chiến lược liên ngành đối với các khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trong đó sự liên hệ với khu vực Đông Nam Á phù hợp với tầm quan trọng mỗi ngày một gia tăng của khu vực này.
3/ Đưa ra một thời biểu mới để xây dựng hình ảnh về những gia tăng trong các hoạt động bình thường trong vùng Biển Đông và xuang quanh.
4/ Công bố một bản đánh giá về Hiệp Ước Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) của một uỷ ban liên bộ để xác định những biện pháp thực hiện và mở rộng hiệp ước này, trong khi đó thì giải quyết những mối quan ngại chính đáng ở trong nước đối với những hậu quả ngoài ý muốn của tự do giao thương trên toàn cầu.
5/ Trao nhiệm vụ cho Bộ Ngoại Giao, Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ, Cơ Quan Phát Triển Thiên Niên Kỷ, và các bộ phận liên ngành khác để xây dựng một sáng kiến mới nhằm phát triển vốn nhân lực để giải quyết những thách thức của thế kỷ 21.
Để tìm hiểu thêm bản đề nghị này xin đọc thêm ở: http://www.cnas.org/sustaining-rebalance-in-southeast-asia
Leave a Comment