Làm sao có thể vô tình trước lời kêu gọi « trong nước bị đàn áp. Hải ngoại xuống đường tố cáo ». Phải qua hai lần đổi metro, tôi mới bắt được đường số 9, trạm Exelmans để đến điểm hẹn.
Exelmans thuộc quận 16 Paris, là tên gọi của một đại lộ thênh thang, có cả đường hầm cho xe chạy bên dưới và đương nhiên lúc nào cũng nườm nượp xe cộ. Một khu phố nổi tiếng vì có nhiều nhân vật danh tiếng đã sống và chết nơi này. Trong số đó, cái tên dễ nhớ nhất là tên của cố ca sĩ Claude François. Tên của ông cũng được đặt cho một công trường gần đấy.
Đa số người Việt sống ở Pháp có lẽ con đường này cũng rất quen thuộc đối với họ. Bởi vì đường có một ngã quẹo, xeo xéo. Bước vào khoảng vài trăm mét sẽ gặp ngay Boileau. Con đường nhỏ, yên tĩnh, nơi có căn biệt thự với rào cổng màu xám nhạt thường khép kín. Căn nhà mang một vẽ ngoài im lìm, bí ẩn. Nếu không có lá cờ đỏ sao vàng, và cờ Asian treo trên nóc thì không ai biết đây là trụ sở Lãnh Sự Quán VN tại Paris. Hiện nay, toà lãnh sự đã dời ra quận 8, đường Miromesnil. Nhưng hình như họ vẫn giữ căn nhà, dành cho các nhân viên của sứ quán cư trú.
Trụ sở ở đường Boileau này là nơi có đầy đủ hỷ, nộ, ái, ố. Có thể nói là như vậy. Bởi vì khi đến để xin visa ai cũng đều hồi hộp không biết chuyện gì xảy ra, tuỳ theo tâm trạng vui buồn của các « ngài » trong ban tiếp dân. Vì không muốn mất thì giờ nên bà con thường tìm đơn xin nhập cảnh có sẵn tại các dịch vụ bán vé máy bay và điền trước tại nhà. Đơn được viết bằng tiếng Việt, nhưng không phải câu hỏi nào cũng dễ hiểu. Nên có người điền sai, hoặc người kỹ càng hơn thì bỏ trống chờ đến tận nơi hỏi cho chắc và điền tại chỗ. Gặp lúc các ông bà vui thì chỉ bảo tận tường, không vui thì quát tháo. Buồn nhiều hơn vui. Những khuôn mặt sau khung kiến của quầy nhận đơn, thu tiền, cấp visa lúc nào cũng khó đăm đăm. Đặc biệt là có trang bị cả micro. Có lẽ giọng Bắc nặng nề của họ ít người nghe được thông suốt nên phải phải dùng micro cho to, cho rõ chăng ? Tuy nhiên đó chỉ là cách cư xử của nhà nước đối với khúc ruột ngàn dặm thôi. Với người ngoại quốc dĩ nhiên là khác. Dù cho có bất bình, giận dữ với thái độ trịch thượng của họ, nhưng mọi người đều phải « nín thở qua sông » chờ lấy cho được chiếu khán. Thương quê, nhớ nhà thì phải chịu cay, chịu đắng. Tuy nhiên, vào đến đây rồi lạ cũng thành quen. Bà con thường ngồi tụm lại với nhau thầm thì to nhỏ, cười hỉ hả khoái chí mỗi khi nghe các vị đỉnh cao trí tuệ nói tiếng Pháp, hoặc gọi tên một ông Tây bà Đầm nào đó ra nhận giấy tờ. Việt Kiều khi về VN, ăn uống mua sắm gì cũng bị chặt chém. Toà lãnh sự VN nơi đây cũng không phải là ngoại lệ. Đi hết cả nước Pháp, vào những khu thương mại, bưu điện, sở thuế, các cơ quan hành chính v.v… Tất cả các máy photocopie giá cao nhất là 20 xu cho một trang A4, nhưng ở đây bạn phải trả 50 xu. Có lẽ chỉ có Việt kiều sử dụng. Và giá cho Việt Kiều thì bao giờ cũng đắt gấp đôi. Đó là những năm về trước. Bây giờ toạ lạc ở quận 8, không biết các nhân viên trong bộ ngoại giao có tiến bộ hơn và máy photocopie của họ có tăng giá theo nhịp sống hay không ?
Viết bài này, tôi không có ý bôi xấu ngành ngoại giao của Việt Nam. Nhưng thực sự khi đến đây, nhìn toà nhà làm tôi nhớ lại lần vào làm giấy tờ, chứng kiến những gì đã xảy ra bên trong.
Bên kia đường trước quán ăn Nhật Sakura là dàn chào của các nhân viên cảnh sát Pháp được bố trí đến giữ an ninh. Tuy không còn là trụ sở chính của lãnh sự quán VN. Nhưng các nhân viên công lực đã kín đáo dàn một khoảng cách để đoàn biểu tình đừng lấn về phía toà nhà.
Tôi nhớ lần biểu tình kỳ trước, chúng tôi được đứng ngay chỗ họ đang đứng. Nơi, đối diện với toà nhà mà tôi thấy trong khi chúng tôi hô hào khẩu hiệu, thì có những cái đầu ló ra, thụt vào từ các cửa sổ của căn nhà nhìn trộm.
Giữa mùa xuân, những hàng cây Platane hai bên đường lá xanh ngan ngát. Những trái nâu, đầy gai chưa rụng, vẫn còn lơ lững trên cành. Mưa chợt rơi nhẹ và ngưng nhanh. Những chiếc dù vừa bung lên lại xếp vào. Mọi người thở phào nhẹ nhỏm vì trời hết mưa. Nhưng rất nhiều người, ngay cả tôi bị hắt hơi và ho sặc sụa. Khoảng đường này không trồng hoa, lấy đâu ra phấn để mà dị ứng ? Thủ phạm chắc là những trái platane đang đong đưa trong gió chăng ? Gì thì cũng mặc. Phải đè bẹp cơn ho, chận tiếng hắt hơi, sụt xịt. Phải cần la thật to, lập lại ba lần những từ ngắn ngủi như đã đảo, cút xéo, hoan hô theo sau những khẩu hiệu có nội dung như cá cần nước sạch, dân cần minh bạch. Formosa cút khỏi VN. Hoan hô tinh thần tranh đấu của người dân VN…
Anh Thành, người mà khi cầm micro thì tiếng nói vang như sấm rền, vì chất giọng oang oang mạnh mẽ. Anh đã đại diện cho ban tổ chức đọc diễn văn khai mạc. Đại khái rằng nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh đã thải các chất độc ra biển làm ô nhiễm nặng nề. Một người thợ lặn đã khám phá ra ống xã thải của nhà máy dưới lòng biển, nhưng nhà cầm quyền Cộng sản VN đã không có những biện pháp cụ thể để giúp đỡ đời sống của ngư dân. Không đưa ra được nguyên nhân của hàng trăm ngàn tấn cá chết mà còn bao che cho nhà máy Formosa. Những thiệt hại trên không chỉ riêng cho ngành hải sản mà còn kéo theo các ngành nghề khác… Nền kinh tế VN vốn đã èo uột, cộng thêm thảm cảnh xảy ra tại các tỉnh miền Trung, chắc chắn sẽ đưa nền kinh tế VN đi vào chỗ bế tắc.
Những tiếng đã đảo, bồi thường và từ chức lại vang to, mà tôi nghĩ những nhân viên sứ quán trong ngôi nhà kia cách chi cũng nghe thấy.
Tội nghiệp chị Nghi, nghe đâu đã từng giữ trách nhiệm một hội đoàn trẻ ở Paris, nên chị điều khiển chương trình rất hay. Chỉ tiếc là khi chị đọc bài diễn văn được dịch qua phần Pháp ngữ thì chị lại bị dị ứng mạnh, ho sặc sụa. Có lúc chị phải nhường micro cho một anh bạn trẻ khác.
Từ hơn hai tuần nay, hình ảnh các cuộc xuống đường đòi hỏi bảo vệ môi trường mà các biểu tình viên bị công an dân phòng đàn áp, đánh đập dã man đã được đăng tải tràn lan trên facebook mà cả một bộ phận báo chí VN, không một tờ báo nào đưa tin. Tuy nhiên tin tức đã nhanh chóng loan tải trên các cơ quan truyền thông Pháp như FRANCE TVINFO, M6 INFO, LIBERATION. FR…
Có vài người Pháp dừng lại trò chuyện với chúng tôi. Cho biết là họ đã đọc tin trên những trang tin đó. Họ nói, không thể ngờ một đất nước mà quân đội lại đối xử với người dân như thế. Đó là những người ngoại quốc nhìn về đất nước VN. Họ chỉ bất bình, ngao ngán. Nhưng họ không có nỗi đau cắt ruột như chúng tôi. Họ không rơi nước mắt, đau nỗi đau đồng loại, nỗi đau cho dân tộc mình đang bị áp bức và có nguy cơ bị tận diệt.
Phải, chúng tôi, không ít người đã khóc khi nhìn hình ảnh một thiếu niên bị ba bốn tên Thanh Niên Xung Phong hèn hạ đê tiện. Chúng hùa nhau, kẻ kẹp cổ, người trói tay chân cho người khác mặc tình đấm đá. Một cô gái bị đá liên tục vào bụng, nằm lịm trên hè, khuôn mặt đau đớn, đầy nước mắt. Nghe nói những biểu tình viên vây quanh cô phải hét lên rằng cô đang mang thai. Vì vậy, những cú đá đập tàn bạo ấy mới chịu dừng. Người được đưa hình ảnh tràn ngập trên mạng với ghi chú Việt Nam Today là người mẹ trẻ Hoàng Mỹ Uyên. Một gương mặt đầy thương tích, bầm dập nhưng vẫn cố che chở ôm lấy đứa con nhỏ của mình. Đứa bé nép đầu trong ngực mẹ tìm chỗ ẩn trú. Nét mặt hoảng hốt, sợ hãi của em, có lẽ còn bi thảm hơn những gương mặt trẻ thơ sống trong bom đạn, trên đường chạy loạn chiến tranh hơn bốn mươi năm trước.
Trong lúc đoàn biểu tình lo thu dọn máy móc, cờ quạt chuẩn bị ra về. Thì có người lính đến trò chuyện, thăm hỏi và chụp hình với một vài người trong nhóm. Khi chia tay, anh lính còn ngoái lại hẹn lần tới. Chỉ là một cách nói lịch sự của người Pháp. Tôi lại nghĩ tới công an của xứ mình, sao buồn quá !
Tôi xin được quá giang anh chị KT về một trạm metro gần nhà nhất vì khi đi thì hăng hái, nhưng nghĩ đến ba chuyến xe và leo lên leo xuống những bậc thang trong hầm tàu, sao thấy uể oải lười. Chị T nói, không vội thì đi theo chị vì chị cần giải quyết vài việc. Thế là tôi theo chị. Anh cứ lái, lách qua lách lại giữa một phố chiều đông nghẹt người và xe. Chị cứ thản nhiên trò chuyện so sánh về người Tây, người Ta. Tôi thật sự không hiểu họ đi đâu làm gì trong những khu phố sang trọng này ? Tôi linh cảm một điều gì đó quan trọng lắm, vì trong lúc anh lái xe. Điện thoại anh reo không ngừng… Nhưng tôi không dám hỏi. Dù sao, tôi cũng chỉ là một người bạn. Tôi biết đâu là giới hạn của một tình bạn.
Chiều thứ sáu cuối tuần. Paris đầy nắng sau một ngày âm u. Thiên hạ xuống phố đông như trẫy hội. Xe qua công trường Concorde, Nhà hát thành phố, xa tít nơi kia là ngọn tháp Eiffel. Con đường chúng tôi về dọc theo bờ Seine. Bốn mùa sông Seine đều có vẻ đẹp riêng của nó. Chúng tôi bảo nhau, nhờ có đi biểu tình mới có dịp ngắm phố, ngắm sông…. Nói xong, chợt nhớ ra lâu rồi, hình như không ai còn nghĩ đến những thú vui nhàn nhã trong kinh đô ánh sáng này. Mà lòng chỉ đau đáu ngóng về quê cũ. Không tình yêu nào thiêng liêng bằng tình yêu tổ quốc, dân tộc.
Lòng ái quốc, lương tâm và trách nhiệm của một người dân. Chúng tôi không thể khoanh tay đứng nhìn quê hương bị huỷ hoại, tàn phá. Phải đứng lên !
Paris 15/5/2016
Leave a Comment