K hẩu ngữ “Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân…” một lần nữa được lặp lại vào ngày 9/5/2016, khi ứng cử viên đại biểu quốc hội – chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp xúc với cử tri quận 1, Sài Gòn.
Trước đó nửa tháng, vào ngày 22/4/2016, khẩu ngữ trên đã lần đầu tiên được giới quan chức cao cấp của chế độ sử dụng. Nhân vật phát ra khẩu ngữ này – “Báo chí phải phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân…” – lại là ủy viên trẻ nhất trong Bộ chính trị – Trưởng ban tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng, trong ngữ cảnh một hội nghị tổng kết của Hội Nhà báo Việt Nam.
Chi tiết đáng quan tâm là từ “phụng sự” là rất mới mẻ trong hệ thống danh – động tự chính trị của chính thể một đảng ở Việt Nam. Nhưng từ ngữ này lại được sử dụng thường xuyên trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa và trong “phụng sự Thiên Chúa”.
Còn đáng quan tâm hơn, cụm từ “Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân…” được cả hai ông Võ Văn Thưởng và Trần Đại Quang phát ra đều không kèm thêm bổ từ “đảng” hay “chế độ”, cũng không nhắc tới cụm danh từ “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” như cách nói hoặc viết truyền thống trong phát biểu hoặc đảng văn trước đây.
Như vậy, “Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân…” đã trở thành một khẩu ngữ được lặp lại và mang tính hệ thống. Thậm chí, có thể hiểu đây là một “chủ trương” mới của đảng cầm quyền ở Việt Nam nhằm làm tan bớt thất vọng của người dân và trí thức về “không biết đến cuối thế kỷ này có được chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay không”, cũng như giảm bớt liều lượng của các từ “đảng” và “chế độ” để “khách quan” hơn.
Có ý kiến cho rằng hiện tượng hai nhân vật cao cấp chủ tịch nước và trưởng ban tuyên giáo trung ương phát ngôn về “Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân…” có thể phản ánh một xu hướng ngày càng nhiều cán bộ chính trị cao cấp dần âm thầm thoát khỏi ý thức hệ giáo điều trong đảng Cộng sản.
Cũng có ý kiến cho rằng sau đại hội 12 vào đầu năm 2016, hiện thời trong nội bộ đảng đang khởi phát vài dấu hiệu cải cách theo tinh thần “thay đổi hay là chết!”. Tất nhiên nhiều nhân vật cao cấp thừa hiểu sẽ không thể lái đoàn tàu kinh tế việt Nam tránh khỏi quỹ đạo lao xuống vực thẳm, không thể làm dịu tâm trạng phẫn nộ chực chờ bùng nổ của người dân nếu không “cải cách thể chế”, mà thực chất là phải thay đổi một số giáo điều chính trị.
Tuy nhiên, tất cả đã trở nên quá muộn với đảng. Quá nhiều hứa hẹn trong “đổi mới” lần đầu vào năm 1986, “đổi mới” trong những kỳ đại hội đảng sau đó đã chẳng đi đến đâu, đang khiến hứa hẹn mới nhất về “đổi mới lần hai” hoàn toàn mang ý nghĩa bánh vẽ.
Trong bối cảnh đó, rất thường là những cải cách không thể từ chối sẽ được bắt đầu một cách đầy khiên cưỡng, hay nói cách khác là mang màu sắc “cải cách thời thượng”. Một số quan chức bắt đầu nói về những từ ngữ lạ tai và thậm chí có vẻ “phản nghịch” như một cách khiến người dân và báo chí tiếp tục được ru ngủ. Vấn đề là sau những lời lẽ hoa mỹ đó, chế độ có làm gì tiếp và việc làm của họ có mang tính thực chất hay không.
Bởi nếu không thực chất, cho dù có phải nhờ vả đến đức tin “phụng sự” của Ki tô giáo, chế độ cầm quyền ở Việt Nam vẫn không thể thoát khỏi chủ đích mị dân và hậu quả hộc rỗng.
Leave a Comment