Quảng Cáo

Vụ cá chết hàng loạt tại Việt Nam không đơn thuần là một thảm họa về môi trường

Thảm hoạ môi trường VN. Hình: EPA

Quảng Cáo

Trong vụ cá chết hàng loạt tại bờ biển miền Trung, chính quyền Việt Nam chẳng những đối diện với một tai hoạ về môi trường khốc liệt nhất từ trước đến nay  mà còn phải đương đầu với những bất ổn xã hội lan rộng.

Từ đầu tháng Tư vừa qua, hàng triệu cá chết trôi dạt vào bờ suốt dọc 200 km của bốn tỉnh trung phần. Theo con số của một viên chức đưa ra vào ngày 5 Tháng 5  thì thảm họa này đã giết ít nhất 100 tấn cá. Con số này dựa vào báo cáo từ bốn tỉnh bị thiệt hại là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên Huế; chưa tính đến cá chết nằm trong lòng biển.

Những loại tôm cá, sò nuôi trong vùng miền Trung cũng chết hàng loạt. Cuộc sống của các gia đình ngư dân và người nuôi cá vốn đã khó khăn nay càng điêu đứng thêm sau thảm họa này.

Trước tình hình nghiêm trọng của sự việc, Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi Trường, Trần Hồng Hà, vào ngày 28 Tháng Tư, gọi vụ cá chết hàng loạt một “thảm họa môi trường nghiêm trọng khổng lồ”. Trong một tuyên bố khác cùng ngày, chính quyền nhìn nhận vụ cá chết gây thiệt hại về môi trường và kinh tế, công nghiệp cá, và gây hoang mang trong dân chúng. Trong cuộc gặp mặt với các bộ và bốn tỉnh gặp nạn vào ngày 1 Tháng 5 tại Hà Tĩnh, tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lặp lại tầm nghiêm trọng của vụ cá chết và ra lệnh cho các cơ quan liên hệ điều tra và giải quyết vụ này.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Hình: Dân Trí

Mặc dầu đây là một thảm họa nghiêm trọng với tác động lớn lao về môi trường, xã hội, kinh tế và chính trị, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam phản ứng rất lề mề. Họ chỉ bắt đầu đối phó ba tuần lễ sau khi thông tin về cá chết hàng loạt được loan tải rộng rãi và quần chúng nhao lên phản đối trên mạng xã hội.

Bất ổn xã hội lan rộng

Tầm nghiêm trọng của thảm họa và đặc biệt là phản ứng chậm chạp, thiếu hiệu quả của chính quyền đã không chỉ làm người dân hoang mang. Điều này, hơn thế nữa, đã gây phẫn nộ mạnh mẽ và lan rộng trong quần chúng.

Sự phẫn uất của người dân được bồi thêm bởi những chuyện khác cạnh đó.

Một trong những chuyện đó là lời phát biểu của Chu Xuân Phàm, Giám đốc quan hệ công chúng của công ty thép Formosa Hà Tĩnh vào ngày 25 tháng Tư, là Việt Nam phải chọn giữa việc bắt cá và xây một công nghệ sắt thép hiện đại với hàm ý không thể được cả hai.

Formosa Hà Tĩnh là một công ty sản xuất thép trị giá hàng tỉ đô la, với công ty mẹ là Formosa Plastics của Đài Loan, vốn có hồ sơ vi phạm môi trường rất tệ hại trên thế giới. Mặc dầu ông Chu bị sa thải và công ty lên tiếng xin lỗi, lời phát biểu của ông Chu đã tạo một làn sóng giận dữ trong quần chúng Việt Nam.

Nhiều người cho là công ty thép Formosa có một ống nước thải dài 1.5km chảy ra biển, chính là nguyên ủy của thảm họa mặc dầu chính quyền cho đến nay bảo là không có mối liên hệ trực tiếp giữa nước thải và cá chết.

Một chuyện khác là chính quyền đã không tìm ra điều gì hay ai đã gây ra thảm họa này. Đối với nhiều người, kể cả nhiều chuyên gia, chính quyền đã biết nguyên nhân và thủ phạm của thảm họa này nhưng không muốn cho người dân biết.

Tất cả những yếu tố này làm quần chúng phẫn nộ. Trong một quốc gia mà truyền thông nhà nước bị kiểm soát chặt chẽ và biểu tình công cộng bị cấm đoán, người dân đã dùng mạng xã hội, nhất là Facebook, để bày tỏ sự tức giận và sửng sờ trước phản ứng chậm chạp, thiếu hiệu quả cũng như sự vô cảm, bất lực, thiếu minh bạch và vô trách nhiệm.

Người dần Hà Nội biểu tình trước Nhà Hát Lớn sáng ngày 1-5-2016. Hình: Internet

Vào ngày 1 và 8 Tháng Năm tại Hà Nội, Tp.HCM và một số nơi khác, tuy biết sẽ bị ngăn cản, hàng ngàn người ở nhiều lứa tuổi và thành phần khác nhau xuống đường để phản đối Formosa, đòi hỏi môi trường sạch và chính quyền minh bạch.

Khác với những cuộc biểu tình trước đó, lần này có đông người hơn. Một số người tham dự là ký giả và cựu ký giả báo nhà nước. Báo nhà nước không được phép đưa tin về các cuộc biểu tình này. Một trong những người này là bà Phan Thị Châu từng làm việc cho báo Phụ Nữ và chồng bà từng là phó biên tập báo Tuổi Trẻ.

Bà Châu là một trong những người biểu tình bị công an bắt giữ tại Sài Gòn vào ngày 8 Tháng Năm. Trong một bài đăng trên trang Facebook sau đó, bà viết là mặc dầu bị bắt giữ bà rất vui vì nhờ vậy mà bà chứng kiến mọi chuyện để thấy đau cùng nỗi đau của mọi người. Bài viết với tựa đề “Ơn trời, tôi đã bị bắt” có 23 ngàn LIKE và 10 ngàn share trong vòng hai ngày sau khi đăng.

Xét theo cơn thịnh nộ đang được bày tỏ trên mạng xã hội và tại các cuộc biểu tình, nhiều người Việt Nam trở nên băn khoăn và không hài lòng chẳng những với cách đối phó của chính quyền về vụ cá chết hàng loạt mà còn về các chính sách xã hội, kinh tế, chính trị của chế độ độc đảng.

Trong cơn khủng hoảng cá chết, một cô giáo ở Hà Tĩnh làm một bài thơ mô tả những điều lạ, buồn bã đang xảy ra tại Việt Nam – trong đó có một câu “biển thì đang chết”. Bài thơ đăng trên Facebook và lan rộng khắp nơi. Có người phổ thơ thành nhạc và phổ biến trên YouTube. Lý do bài thơ này làm xúc động nhiều người Việt trong và ngoài nước là vì nó phản ảnh hiện thực của đất nước.

Một chính quyền sạch sẽ

Đối diện với sự phẫn nộ và bất bình lan rộng của quần chúng, tuy có chậm, chính quyền Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ một số nỗ lực và cam kết để đối phó với thảm  họa. Họ hứa hẹn sẽ tìm ra nguyên nhân, thủ phạm và sẽ không bao che cho bất ai gây ra ô nhiễm.

Tuy thế vẫn còn dấu hỏi về việc thủ phạm thật sự sẽ được nêu danh và trừng phạt không bởi vì hệ thống độc đảng của Việt Nam rất thiếu minh bạch và trách nhiệm.

Hơn thế nữa, nguyên nhân thật sự của thảm họa có nhiều và khó lường. Tuy vụ cá chết hàng loạt tại bốn tỉnh miền Trung là một hiện tượng chưa từng có, các vụ cá chết hàng loạt đã xảy ra ở các nơi khác tại Việt Nam. Chẳng hạn như hàng tấn cá nuôi tại sông Lạch Bạng và sông Bưởi chết sạch trong những ngày gần đây. Nguyên nhân đến từ nước thải chưa được xử lý của các nhà máy đã làm ô nhiễm nặng nề giòng sông.

Các hộ nuôi cá lồng ở cửa biển Lạch Bạng bỗng chết hàng loạt những ngày qua. Hình: Thanh Hóa Plus

Để đối phó với các thảm họa môi trường, chính quyền Việt Nam phải rà xét lại chính sách phát triển. Việt Nam không thể công nghệ hóa bằng mọi giá vì đất nước sẽ phải trả giả đắt đỏ về môi trường cho việc công nghệ hóa tắc trách và bất cẩn.

Hơn thế nữa, cũng tợ như biển và sông ngòi, môi trường chính trị của Việt Nam ô nhiễm và mục nát nặng nề.

Tình trạng môi trường ngày càng xuống cấp nặng nề không thể giải quyết có hiệu quả trừ phi hệ thống chính trị được gột rửa sạch. Điều này chỉ xảy ra nếu đảng CSVN cầm quyền chịu cải tổ chính trị rốt ráo, để cho 90 triệu dân có thêm tiếng nói và vai trò trong các chính sách và vấn đề trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống, xã hội và đất nước.

Nếu xét theo phản ứng của người dân thì rõ ràng là nhiều người Việt Nam hiện nay đòi hỏi một chính quyền sạch, mở rộng, minh bạch, dân chủ và có trách nhiệm khi mà đất nước của họ đang đối diện với những tai ương môi trường khổng lồ.

Đoàn Xuân Lộc là nghiên cứu gia tại Global Policy Institude (Viện Chính Sách Toàn Cầu). Ông hoàn tất bằng Tiến Sĩ về Quan Hệ Quốc Tế tại Đại Học Aston, Anh Quốc năm 2013. Lãnh vực nghiên cứu và quan tâm là chính sách đối ngoại & nội địa của Việt Nam, quan hệ của ASEAN với các cường quốc, và chính trị thế giới trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương.

Hoàng Thuyên lược dịch

 

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux