Sau một cuộc xung đột kéo dài hai thập niên, ngày 30 Tháng Tư đánh dấu cuộc chiến tranh khốc liệt chấm dứt giữa hai miền Nam Bắc Việt Nam. Cũng từ đó, vấn đề hòa hợp hòa giải giữa đôi bên được đặt ra như một nhu cầu nhằm đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước.
Nhưng giống như một giấc mơ đẹp, chuyện hòa giải dân tộc được nêu lên rồi tan biến trong lòng người theo mỗi dịp 30 Tháng Tư. Năm nay sau 41 năm, mặc dù ngày 30 Tháng Tư đã trôi qua nhưng vẫn còn có người nhắc lại vấn đề này bằng những mỹ từ không kém phần hào hứng trong quan điểm của kẻ cầm quyền. Tuy nhiên, giữa ánh pháo hoa chào mừng ngày “lễ lớn” năm nay lại xen lẫn tiếng kêu khóc của ngư dân Miền Trung vì thảm họa cá chết, khiến chuyện hòa hợp dân tộc như một giọng kèn lạc điệu.
Ông Vũ Minh Giang người được giới thiệu là Giáo Sư Tiến Sĩ, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung Ương trong một bài phỏng vấn cho rằng, đã đến lúc người Việt Nam cần phải vượt qua chuyện thắng-thua trong quá khứ.
Đây có thể coi như một suy nghĩ có thiện chí của một người làm lý luận trong đảng. Nhưng rõ ràng suy nghĩ ấy sẽ không giải quyết được gì vì không biết ai là người cần phải vượt qua và vượt qua như thế nào.
Mâu thuẫn ý thức hệ giữa người Việt Nam đưa đến xung đột võ trang trên chiến trường gần như chưa bao giờ được chấp nhận chấm dứt, dù tiếng súng đã ngưng từ hơn 40 năm qua. Những lễ lạc “hoành tráng” diễn ra hàng năm tại Sài Gòn như mũi dao khoét sâu vào bốn chữ “hòa hợp dân tộc” tạo nên vết thương khó hàn gắn. Do vậy, đặt vấn đề hòa giải dân tộc vào lúc này là hoàn toàn không thích hợp, hay nói khác đi còn chưa đúng lúc.
Trong quá khứ, sau ngày 30 Tháng Tư những người cầm quyền của đảng CSVN cũng đã đưa ra vấn đề này nhiều lần, nhưng chỉ nhằm mục đích tuyên truyền lôi kéo và cuối cùng cũng phải để trôi qua. Vì từ vị thế là kẻ thắng, đứng trên chìa bàn tay ra nói những lời hay đẹp, cao thượng, người nói chẳng được mấy ai nghe.
So với thực tế, sự nghi ngờ của những thành phần còn lại của dân tộc không hề giảm bớt khi nhìn thấy chính quyền cộng sản luôn gia tăng sự kiểm soát chính trị và mọi mặt đời sống một cách ngặt nghèo.
Nay ông Vũ Minh Giang tiếp tục đặt vấn đề thắng – thua hay tìm cách vượt qua chỉ làm phức tạp thêm vấn đề vốn đã phức tạp và gây nhiều chia rẽ. Cuộc chiến tranh đã lùi vào quá khứ hơn 4 thập niên, chưa bao giờ người ta thấy những người cộng sản hòa giải được với chính người dân trong nước. Huống chi kêu gọi “vượt qua thắng-thua” để hòa giải giữa kẻ thắng người thua. Cố khêu lại vấn đề này chỉ tạo ra tranh cãi vô ích mà không đi tới một hành động cụ thể nào.
Tuy nhiên, cho đến lúc này hòa giải dân tộc vẫn được coi như một nhu cầu bức thiết để tâp trung mọi sinh lực kiến thiết quốc gia trong hòa bình. Nhất là về phía những người đang cầm quyền, nhu cầu ấy càng chứng tỏ không thể thiếu, nếu muốn được đại khối người Việt trong ngoài nước nhìn nhận bằng hành động thay vì những lời kêu gọi, những khuyên bảo đầy mỹ từ đạo lý kiểu để an ủi như câu nói của người từng đặt bút ký Nghị Định 31/CP năm 1997 “một triệu người vui có một triệu người buồn.
Trong môi trường đó, vấn đề hòa giải dân tộc sẽ tự nhiên phát sinh và dễ dàng được mọi người chấp nhận không cần kêu gọi hay nghị quyết này nghị quyết nọ. Điều này rõ ràng chưa thể xảy ra, bởi chế độ cộng sản thiên về cưỡng ép hơn thuyết phục. Hơn 40 năm cầm quyền trên cả nước, đảng cộng sản cầm quyền trước sau vẫn thi hành chính sách bạo lực để giữ chặt độc quyền chính trị, bóp nghẹt tư tưởng, từ chối tự do báo chí, coi báo chí chỉ là công cụ phục vụ đảng.
Với một chế độ sắt máu như thế, ông Vũ Minh Giang viện dẫn truyền thống nhân nghĩa của người Việt, lấy đó làm bài học cho hòa giải dân tộc người nghe cũng thấy rất hão huyền, trống rỗng. Vì ngày nào mà đảng CSVN còn chưa tôn trọng nhân dân, còn chà đạp luật pháp, còn đứng trên tất cả thì mọi chuyện hòa giải chỉ là sáo ngữ chiêu dụ lòng người. Chẳng hạn một mặt nói mở cửa đón nhân sĩ, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài muốn tham gia vào các công việc quản lý, điều hành đất nước nhưng đồng thời cũng lập tức dựng lên rào cản “phải có cơ chế sàng lọc” những người bị cho là “cơ hội, không trong sáng”.
Ngay như trong thảm họa môi trường tại Vũng Áng, Hà Tĩnh, người dân thấy rõ Formosa là tội phạm, là kẻ gây ra nước biển bị nhiễm độc làm cá chết hàng loạt, hiện nay có nguy cơ lan tràn cả nước. Thế nhưng Hà Nội lại lấy độc quyền sinh sát, tận tình bao che cho Formosa bằng đủ mọi cách, thậm chí dùng bạo lực ngăn chặn các cuộc biểu tình của người dân cả nước chống ô nhiễm môi sinh. Để mãi cho đến hôm nay, chính phủ cũng chưa dám đưa ra một kết luận rõ ràng và người dân cũng không biết ai gây ra và ai bồi thường những thiệt hại cho mình.
Trong tình trạng như vậy, thử hỏi có nên mang chuyện hòa giải dân tộc, thắng-thua ra nói lúc này không khi đất nước còn bị cai trị bởi những kẻ thiếu tài, thiếu đức nhưng lại say mê quyền lực vô hạn?
Phạm Nhật Bình
Leave a Comment