Chân Trời Mới Media phỏng vấn ông Lý Thái Hùng
Cứ đến ngày 30 tháng 4 hàng năm, các sinh hoạt liên quan đến biến cố này đã được tổ chức tùy theo góc nhìn của mỗi phía, mỗi bên. Đối với chế độ Hà Nội, những phô trương chiến thắng miền Nam vào dịp 30 tháng 4 đã mất dần ý nghĩa và trở thành một sự trơ trẽn trong lòng người dân khi đất nước ngày một thảm hại. Đối với người dân cả hai niềm Nam và Bắc, hơn bao giờ hết sự tôn vinh giá trị nhân bản của chính quyền miền Nam trong 20 năm tồn tại ngắn ngủi giờ lại trở thành một khát vọng chung hiện nay. Trong khi đó cộng đồng người Việt tỵ nạn tại hải ngoại, dù 30 tháng 4 đã trải qua 41 năm dài, nhưng ngọn lửa quốc hận vẫn tiếp tục cháy sáng trên con đường tranh đấu cho một Việt Nam thật sự tự do dân chủ.
Trong ý nghĩa đó, chúng tôi xin mời quý thính giả theo dõi phần chia xẻ của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân về biến cố ngày 30 tháng 4, trong chương trình hôm nay.
Thanh Thảo: Kính chào ông Lý Thái Hùng. Trước hết, theo ông thì biến cố ngày 30 tháng 4 mang những dấu ấn gì đặc biệt sau 41 năm nhìn lại thưa ông?
Lý Thái Hùng: Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày mở đầu một trang sử đen tối nhất của dân tộc Việt Nam, dù đảng CSVN luôn luôn huênh hoang là họ có công thống nhất hai miền Nam Bắc.
Cái giá thống nhất đó, dân tộc Việt Nam đã không chỉ trả bằng xương máu trong 20 năm chiến tranh từ năm 1954 cho đến năm 1975, cũng như 10 năm xây dựng Liên bang Đông Dương (1976-1986) của lãnh đạo Hà Nội, mà còn là sự tủi nhục trước một đất nước ngày càng tụt hậu so với thế giới chung quanh.
Đã 41 năm trôi qua, từ ngày 30 tháng 4 đen đó, những người Việt Nam còn một chút lương tri không bao giờ quên được những tội ác của lãnh đạo CSVN đã mang đến cho dân tộc. Những tội ác đó không chỉ là tàn phá đất nước, giết hại người vô tội mà quan trọng hơn là sự hủy diệt văn hóa, truyền thống dân tộc, lòng nhân bản, sự tự tế của con người để khống chế tất cả trong khuôn mẫu Mác – Lênin.
Nhưng chính CSVN cũng đã thất bại hoàn toàn trong tham vọng khống chế đó, và ngày nay họ biến thành một tập đoàn Mafia đỏ chia chác nhau quyền lực để tìm cách sinh tồn như một cái bướu hoại sinh trên thân thể còm cõi của mẹ Việt Nam.
Sự thất bại này một phần là do sự ngu dốt và ngạo mạn của lãnh đạo CSVN; nhưng phần lớn đến từ sự kiên trì đấu tranh của dân tộc Việt Nam, đã biến từ Quốc Hận 30 tháng 4 thành tinh thần Quốc Kháng để chống lại mọi áp bức của chế độ.
Do đó, 41 năm nhìn lại biến cố ngày 30 tháng 4, có 3 dấu ấn đáng chú ý.
Dấu ấn đầu tiên là chưa bao giờ lãnh đạo CSVN lo sợ sự sụp đổ như lúc này. Họ đang lo sợ sự bùng vỡ từ bên trong nội bộ khi sự đấu đá, tranh giành quyền lực đang ở vào đỉnh điểm của những xung đột.
Dấu ấn thứ hai là những nan đề xã hội bắt đầu phát tác rộng ở nhiều lãnh vực, có nguy cơ trở thành ngòi nổ đe dọa sự tồn vong của chế độ mà vụ cá chết hàng loạt xảy ra tại 4 tỉnh ven biển miền Trung là một thí dụ điển hình. Tuy chưa có hiện tượng đổ lỗi lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước, nhưng sự đồn đẩy, tránh né tìm hiểu sự thật để ngăn chặn thảm họa lan truyền, né tránh giải quyết các yêu sách của người dân…, sớm muộn gì các cơ quan nhà nước sẽ bỏ chạy đầu tiên khi phong trào khiếu kiện lan rộng trên toàn quốc.
Dấu ấn thứ ba là tinh thần Quốc Kháng ngày một lớn mạnh và lan tỏa rộng trong nhiều thành phần quần chúng, đặc biệt là giới trẻ. Vấn đề còn lại lúc nào sẽ là “giọt nước tràn ly” để mọi nỗ lực đấu tranh trong 41 năm kết tinh thành ngọn sóng thần.
Nói tóm lại, hơn lúc nào hết tôi tin tưởng là đất nước và dân tộc Việt Nam đang chuẩn bị đi vào một vận hội mới trong tương lai rất gần. Chế độ CSVN đang đi vào giai đoạn cáo chung.
Thanh Thảo: Nếu 30 tháng 4 là ngày Quốc Kháng, thì theo ông, tinh thần Quốc Kháng đó đã được thể hiện ra sao?
Lý Thái Hùng: Ngay sau ngày 30 tháng 4, nhiều người đã không chấp nhận lệnh đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh, vẫn tiếp tục chiến đấu. Tuy đứng lên đấu tranh bằng hai bàn tay trắng, không có súng đạn hay viện trợ quốc tế, nhưng những con người can đảm đó đã tin tưởng vào lẽ tất thắng của dân tộc nên mới xây dựng tiềm lực đấu tranh, trong lúc nhiều người buông xuôi bỏ chạy.
Chính những con người can đảm đó đã hun đúc tinh thần Quốc Kháng, tạo ra phong trào kháng chiến vào đầu thập niên 80. Sự ra đời của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam dẫn đến buổi lễ công bố bản Cương Lĩnh Chính Trị trong vùng biên giới Thái Lào mùa Xuân năm 1982, đã như lời hiệu triệu của tinh thần Lam Sơn quật khởi của Tổ Tiên năm xưa.
Dấu ấn rõ nhất của tinh thần Quốc Kháng này chính là sự hăng hái tham gia ủng hộ của đồng bào tỵ nạn cộng sản vào đầu thập niên 80 từ khắp nơi trên thế giới, cũng như sự hy sinh cao độ của những người hải ngoại trở về nước đấu tranh, thể hiện chí quật cường của cha ông trong bối cảnh cả nước bị bức màn tre độc tài che kín, với hàng trăm ngàn quân cán chính quân lực VNCH bị giam cầm trong các trại tập trung.
Từ tinh thần quật khởi đó, công cuộc Quốc Kháng đã diễn ra qua bốn thời kỳ đáng chú ý:
Thời kỳ thứ nhất bắt đầu từ năm 1975 đến năm 1982 là giai đoạn cam go nhất khi gọng kìm độc tài xiết chặt kiểm soát trên cả nước. Sống trong bối cảnh vừa bị trấn áp, vừa mất niềm tin, khiến cho nhiều người thụ động, không dám nghĩ đến phản kháng. Đây là thời kỳ kết nối rất cam go giữa những người có chí hướng để dựng lại thế trận.
Thời kỳ thứ hai từ năm 1983 đến năm 1990 là giai đoạn xây dựng sự liên kết giữa những người yêu nước ở trong và ngoài nước để nuôi dưỡng phong trào đấu tranh tại Việt Nam. Rất nhiều người đã hy sinh trong thời kỳ này vì những bố ráp của lực lượng công an, vì chướng khí của núi rừng. Dù vậy đây là giai đoạn khởi sắc nhất của tinh thần kháng chiến, làm bừng dậy ý chí chiến đấu của nhiều người.
Thời kỳ thứ ba từ năm 1991 đến năm 2005 là giai đoạn khai thác các chuyển biến tại Đông Âu và sự sụp đổ của phong trào Cộng sản Quốc Tế để mở rộng thế trận đấu tranh dưới hình thức của những phong trào giành tự do dân chủ cho Việt Nam. Phong trào đã mở rộng đến những người từng ở trong hàng ngũ của chế độ, nhưng bất mãn và muốn đất nước thay đổi sang thể chế tự do dân chủ đa đảng.
Thời kỳ thứ tư từ năm 2006 đến năm 2016 là giai đoạn phát triển đa dạng của công cuộc Quốc Kháng và tạo những sức ép đáng kể lên chế độ Hà Nội. Từ những đấu tranh đơn lẻ của từng cá nhân, từng nhóm của những thời kỳ trước, sự kết hợp của 113 nhà dân chủ với sự xuất hiện của Khối 8406 vào tháng 4 năm 2006 đã đánh dấu một bước ngoặc mới của phong trào dân chủ với những đấu tranh công khai trong lòng chế độ. Cùng lúc sự phát triển đa dạng của mạng xã hội đã thu hút sự tham gia của giới trẻ, với sự ra đời nhiều tổ chức xã hội dân sự. Đây là những nền tảng căn bản giúp cho phong trào dân chủ lớn mạnh mà CSVN không còn có thể trù dập hay khống chế.
Nói tóm lại, từ những giai đoạn đầu đấu tranh thiếu thốn và chịu đựng nhiều đàn áp dã man, công cuộc Quốc Kháng đã từng bước đi lên nhờ vào những hy sinh xương máu của thế hệ đi trước và tấm lòng yêu nước can đảm của đồng bào khắp nơi.
Thanh Thảo: Trong lúc công cuộc Quốc Kháng diễn ra theo như ông phân tích thì nhìn về phía chế độ Hà Nội, họ đã đối diện với những nan đề gì mà không thể đưa đất nước phát triển, lại còn ngày một thêm lụn bại thưa ông?
Lý Thái Hùng: Sau khi chiếm miền Nam Việt Nam, phải nói là CSVN có một vị trí đặc biệt và có nhiều thuận lợi để hàn gắn vết thương chiến tranh, cũng như đẩy mạnh công cuộc phục hồi sinh lực dân tộc. Nhưng lãnh đạo CSVN đã không làm như vậy, họ bất chấp trình độ tụt hậu của đất nước, đưa ra những kế hoạch hoang tưởng để “tiến nhanh tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa”.
Chính vì những tham vọng ngông cuồng nói trên, họ đã không chỉ tiếp tục phá hoại đất nước vốn bị tàn phá sau nhiều năm chiến tranh mà còn hủy hoại mọi tiềm lực của dân tộc; nên dù Hà Nội có tung ra những chính sách cải sửa dưới mỹ từ “đổi mới” trong suốt 30 năm vừa qua, đất nước Việt Nam vẫn không thể ngóc đầu lên nổi.
Điểm đáng nói là họ đã không dám sử dụng những người có khả năng để hoạch định đường lối phát triển phù hợp với thời đại, mà chỉ dùng những thành phần giỏi xu nịnh, thiếu khả năng khiến cho hầu hết các dự án phát triển đều thất bại, phung phí tài sản, tài nguyên quốc gia lên đến hàng chục tỷ Mỹ Kim.
Những trường hợp phá sản của Vinalines, Vinashin và mới đây nhất, vụ nhà máy gang thép Formosa của Đài Loan đầu tư, đã xả hàng trăm ngàn mét khối nước thải độc hại ra biển, giết chết hàng trăm tấn cá và hải sản tại 4 tỉnh ven biển miền Trung, đang tạo ra một thảm cảnh kinh hoàng chưa hề xảy ra trên đất nước Việt Nam.
Cho nên nan đề mà lãnh đạo CSVN đối diện không gì khác hơn chính là sự say mê quyền lực độc tôn nhưng lại không có khả năng điều hành quốc gia, nên đã không thể làm cho đất nước phát triển.
Họ có rất nhiều cơ hội để đưa đất nước phát triển như thời điểm chấm dứt chiến tranh vào năm 1975, thời điểm khối Cộng sản Quốc tế tan rã năm 1990, thời điểm bang giao với Hoa Kỳ và gia nhập WTO vào năm 2005, hay mới đây nhất là thời điểm sửa đổi hiến pháp 2013.
Thay vì coi đây là cơ hội để kiến tạo một xã hội công bằng và dân chủ, lãnh đạo CSVN lại càng củng cố quyền lực độc tôn, gia tăng đàn áp và khống chế những ai đứng lên kêu gọi thay đổi.
Nói tóm lại, chính não trạng sợ mất quyền lực độc tôn của lãnh đạo Hà Nội đang là nan đề chính đã ngăn cản những cơ hội phát triển của đất nước chúng ta trong 4 thập niên vừa qua.
Thanh Thảo: Viễn cảnh công cuộc Quốc Kháng trong thời gian vài ba năm trước mặt, theo ông sẽ diễn ra như thế nào?
Lý Thái Hùng: Chúng ta đang sống trong thế giới có 3 xu hướng thay đổi lớn mà người ta dự kiến sẽ kéo dài đến hết thế kỷ 21.
Thứ nhất là truyền thông mạng xã hội sẽ chi phối toàn bộ đời sống con người, phá vỡ mọi bưng bít, nâng cao giá trị con người và góp phần thiết lập một xã hội lấy nhân văn làm trọng tâm phục vụ.
Thứ hai là làn sóng dân chủ hóa đã và đang quét sạch những chế độc tài toàn trị. Độc tài quân phiệt Miến đã chấm dứt từ năm 2010 và được thay thế bởi chế độ dân chủ vào năm 2016. Sự chấm dứt chế độ toàn trị tại Việt Nam và Trung Quốc đang ở trước mặt.
Thứ ba là sự phát triển của các tổ chức xã hội dân sự toàn cầu đang mở rộng thành một thế lực mới để vừa giám sát, tạo áp lực lên chính phủ, vừa đưa ra những thay đổi phù hợp với nguyện vọng công chúng.
40 năm trước, nỗ lực Quốc Kháng của chúng ta không có những thuận lợi to lớn này. Vì thế, nhìn về tương lai, chúng ta có rất nhiều cơ hội để tin tưởng rằng công cuộc chấm dứt độc tài và xây dựng dân chủ tại Việt Nam không còn bao lâu nữa.
Sự kiện cá chết hàng loạt vì nhiễm độc tố cực mạnh, ai cũng thấy rõ thủ phạm không ai khác hơn là công ty Formosa; nhưng lãnh đạo CSVN đã đưa ra nhiều lý giải mơ hồ, cố tình che giấu tội phạm của công ty Formosa. Điều này cho thấy là do sự ngoan cố và say mê quyền lực độc tôn, lãnh đạo CSVN đang khiêu khích sự căm phẫn của người dân Việt Nam.
Lý do là việc cá bị ngộ độc không chỉ ảnh hưởng đến đời sống bà con ngư dân tại 4 tỉnh miền Trung, mà nó còn gây ra những hậu quả tai hại khôn lường đến sức khoẻ và đời sống của đồng bào cả nước vì những hải sản bị ô nhiễm này.
Hiện nay nhiều ngư dân tại Quảng Bình, Hà Tĩnh đã tự động biểu tình phản đối. Ngày chủ nhật 1 tháng 5, các cuộc biểu tình khác sẽ lần lượt nổ ra tại Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn … và chắc chắn sẽ còn lan rộng thêm nhiều tỉnh thành khác.
Chúng ta không thể tiếp tục thờ ơ và im lặng nữa. Lần này vụ cá ngộ độc đang trực tiếp đe dọa môi sinh và đời sống của chính chúng ta, nếu không tranh đấu thì nhà máy Formosa sẽ tiếp tục xả thải chất độc. Để bảo vệ đời sống của chính chúng ta và nhiều thế hệ tiếp nối, để bảo vệ hải sản và môi trường trong sạch, chúng ta phải tích cực tham gia cuộc biểu tình ngày 1 tháng 5 tới đây và những cuộc đấu tranh khác để đòi CSVN phải đóng cửa nhà máy Formosa, chấm dứt tình trạng cai trị độc tài, và tôn trọng quyền làm chủ đất nước của người dân.
Nói tóm lại, chưa bao giờ vào lúc này công cuộc Quốc Kháng đang có nhiều thuận lợi cho lực lượng dân tộc để cùng nhau đứng lên tạo sự thay đổi lịch sử nhân đánh dấu 41 năm nhìn lại biến cố 30 tháng 4.
Thanh Thảo: Xin cảm ơn ông Lý Thái Hùng.
Leave a Comment