Ngày 1-5
Người dân cả nước xuống đường biểu tình phản đối nhà cầm quyền CSVN thờ ơ trước thảm họa biển bị ô nhiễm làm cá chết hàng loạt và yêu cầu nhà cầm quyền phải có biện pháp.
Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra tại Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, Quảng Bình, Vũng Tàu. Ước tính có khoảng 5000 người tham gia biểu tình tại Hà Nội, và tại Sài Gòn có khoảng 2000 người hưởng ứng tham gia. Nhà cầm quyền huy đông rất đông lực lượng công an chìm nổi bao vây, đàn áp và đánh đập những người biểu tình. Một người dân tham gia cuộc biểu tình tại Sài Gòn bị đánh chảy máu đầu.
Cũng tại Sài Gòn, một số người đã bị công an bắt đi trước khi cuộc biểu tình diễn ra, như bà Dương Thị Tân, ông Đỗ Đức Hợp, bà Phạm Thanh Nghiên, ông Huỳnh Anh Tú, anh Nam Thiên, anh Tình. Họ bị bắt ngay tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn khi vừa xuống hầm để gửi xe.
Một số người khác bị bủa vây ngày hôm trước, nhiều người bị ngăn chặn thô bạo khi ra khỏi nhà.
Ngày 29-4
- Theo báo TTO, sáng ngày 29/4, từ bãi tắm Liên Chiểu đến Xuân Thiều phát hiện có rất nhiều loài cá như chình biển, xương xanh và mực chết dạt vào bờ biển với mật độ xác cá xuất hiện khá dày. Khu vực bờ biển bốc mùi hôi thúi do xác cá đã thối rửa. Điều đáng lo ngại là dọc bãi biển dài hàng trăm mét đầy rác rưởi và xác cá nhưng không được dọn dẹp. Chi cục trưởng Chi cục thủy sản bảo vệ môi sinh Đà Nẵng sau khi được lưu ý về sự việc cho biết sáng cùng ngày có đi kiểm tra “nhưng không thấy có gì”. Trong khi đó chiều ngày 28/4 tổ công tác báo chí của UBND Thành phố Đà Nẵng đã phổ biến thông cáo cho biết các mẫu xét nghiệm nước biển tại Đà Nẵng đều nằm trong giới hạn cho phép.
- Phó Thủ Tướng Trịnh Đình Dũng vẫn duy trì kết luận hiện tượng cá tự nhiên chết bất thường – không rõ nguyên nhân
- Tại tỉnh Quảng Bình, vào trưa ngày 29/4 bà con ngư dân thuộc xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch biểu tình phản đối Formosa. Người dân bức xúc đã ném cá đầy đường và ngồi trên quốc lộ 1A không cho giao thông qua lại. Đoàn người đứng ven đường quốc lộ hát to những bài hát như “Dậy Mà Đi” và giương cao băng rôn “Trả lại biển xanh cho chúng tôi”, “Trả lại tôm cá cho dân”, “Đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam”, “Vì sao dân khổ”…. Lực lượng công an, cảnh sát cơ động bao vây và bố ráp không cho đoàn biểu tình tiến về Vũng Áng, cách Khu Công Nghiệp Formosa 25 km. Người dân đã đồng lòng tiếp tục biểu tình ôn hòa suốt đêm 29/4 tạo nên một không khí náo nhiệt.
- Tại Huế, sáng ngày 29/4 đã diễn ra một cuộc diễu hành “đám tang cá” nhân Huế Festival đầy tính nghệ thuật nhằm nêu lên sự bức xúc của người dân về thảm họa ô nhiễm gây cá chết hàng loạt. Các nghệ sĩ đã bị bắt về đồn công an bắt đứng chụp hình như tội phạm.
Ngày 28-4:
- Trong cuộc họp Chính phủ ngày 28/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã báo cáo về kết quả xét nghiệm mẫu nước biển Vũng Áng, cho biết “bước đầu loại trừ nguyên nhân do hiện tượng dị thường của tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa mà thế giới gọi là thủy triều đỏ.” Kết luận của Bộ NN&PTNT phủ nhận lời của Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường Võ Tuấn Nhân về nguyên nhân cá chết do thủy triều đỏ gây ra, được ông công bố trong cuộc họp báo trước đó một ngày. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn cho biết các nhà khoa học đang hướng nghiên cứu vào nhóm nguyên nhân chính có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt là do độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và biển.
- Bản tin về kết quả xét nghiệm mẫu nước của Bộ NN & PTNT trên một số báo nhà nước như Dân Trí, Công An Thành Phố HCM đã bị tháo gỡ chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi đăng. Tuy nhiên dân cư mạng đã lưu lại và đòi ông Võ Tuấn Nhân từ chức vì vô trách nhiệm và xem thường dân.
- Cũng cùng ngày ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường đã trực tiếp khảo sát vùng biển Vũng Áng, lấy mẫu nước bề mặt và mẫu trầm tích dưới đáy biển. Ông Trần Hồng Hà nhìn nhận thảm hoạ môi trường rất lớn; các cơ quan mặc dù đã có những nỗ lực nhưng việc điều phối còn lúng túng và xử lý chậm. “Với tư cách là người đứng đầu Bộ, tôi xin nhận khuyết điểm về vấn đề này”, ông nói.
Ngày 27-4:
- Bệnh viện Trung Ương Huế cho biết trong 2 ngày 25-26 tháng 4, có 9 thợ lặn của Công ty CP Xây dựng và Cung ứng lao động quốc tế (Nibelc, một nhà thầu của Formosa) có chi nhánh tại tỉnh Quảng Bình đã đến khám bệnh tại bệnh viện này. Trong đó có 4 người quê ở tỉnh Khánh Hòa, 5 người quê ở Hà Tĩnh. Trong số này có một bệnh nhân có nhiều dấu hiệu khác thường, nghi bị nhiễm độc nên đã yêu cầu được các y, bác sĩ xét nghiệm nồng độ đồng và chì.
- Buổi trưa, ông Chu Xuân Phàm cho báo chí biết là ông đã bị lãnh đạo Công ty Formosa cho nghỉ việc trong lúc còn đang ở Hà Tĩnh. Ông Phàm và gia đình sẽ rời Hà Nội trở về Đài Loan trong ngày tới.
- Từ 2 giờ chiều đến 7 giờ tối, đại diện của 7 Bộ gồm: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Y tế, Công an, Quốc phòng cùng Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, lãnh đạo 4 tỉnh ven biển đã có cuộc họp kín kéo dài 5 tiếng. Hàng trăm ký giả chờ đợi bên ngoài để nghe kết luận về nguyên nhân gây ra vụ cá chết hàng loạt trên 200 cây số bờ biển. Thống kê đến ngày 25/4, bốn tỉnh ven biển phát hiện gần 70 tấn cá tự nhiên chết dạt bờ.
- Lúc 8 giờ tới, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường tổ chức cuộc họp báo, công bố độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển; và hiện tượng thủy triều đỏ là nguyên nhân cá chết hàng loạt ở dải ven biển miền Trung. Và ở thời điểm này, qua kiểm tra và thu thập chứng cứ, chưa có bằng chứng để kết luận về mối quan hệ giữa Công ty Formosa và các nhà máy liên quan đến vấn đề cá chết. Cuộc họp báo kéo dài 7 phút chấm dứt trong sự ngỡ ngàng của hàng trăm ký giả.
Ngày 26-4:
- Lãnh đạo Công ty Formosa tổ chức họp báo tại Hà Nội sau phát biểu gây sốc dư luận của ông Chu Xuân Phàm. Ông Trương Phục Ninh, Phó tổng giám đốc Công ty Formosa, cho rằng những phát ngôn của ông Chu Xuân Phàm, Phó phòng đối ngoại, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối quan hệ tốt đẹp giữa Formosa, chính quyền Hà Tĩnh và Chính phủ Việt Nam và đây chỉ là ý kiến cá nhân của ông Phàm và công ty sẽ xử phạt nghiêm khắc. Buổi họp báo diễn ra 30 phút chấm dứt.
- Một số thương lái đến thuê người vớt cá chết mang đi bán nơi khác. Vì thế nhiều ngư dân ở những xã biển như: Quảng Xuân, Quảng Thọ, Thanh Trạch, Nhân Trạch, Hải Trạch… đổ xô ra biển nhặt cá để bán. Vùng biển từ thị xã Ba Đồn trở ra, có rất nhiều thuyền cá của ngư dân Hà Tĩnh vào vớt cá chưa chết hẳn, còn đang lờ đờ trong nước. Thậm chí có thuyền còn buông lưới để vớt cá nhanh hơn, nhiều hơn. Thuyền của ngư dân Hà Tĩnh vào Quảng Bình vớt cá ngày một nhiều, có những nhóm lên đến vài ba chục thuyền. Cá còn tươi, thương lái thu mua 50.000/kg, cá ươn thối là 20.000/kg. Nhiều người dân thu nhập 1 triệu/ngày nhờ nhặt cá chết bán cho thương lái.
Ngày 25-4:
- Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của VTC14 về vụ cá chết hàng loạt, ông Chu Xuân Phàm, Phó phòng đối ngoại, phụ trách văn phòng Formosa tại Hà Nội đã nói: “Nhiều khi mình không được cả hai thì mình phải lựa chọn. Muốn bắt cá, bắt tôm hay là muốn xây một cái nhà máy thép hiện đại, người ta chỉ có thể chọn 1 trong hai mà thôi.” Phát biểu của ông Chu Xuân Phàm không chỉ tạo cú sốc cho dư luận mà còn biểu hiện một thái độ coi thường sinh mệnh của người Việt Nam.
- Bà Nguyễn Thị Ngân, giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình xác nhận bệnh viện này vừa tiếp nhận một bệnh nhân tên Lê Văn Ngẩy (46 tuổi) quê tại Khánh Hòa và khi đến bệnh viện này thì bệnh nhân Ngẩy đã tử vong. Hai ngày trước đó anh Ngẩy có tham gia lặn tại cảng Sơn Dương, Formosa (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để xây dựng đê chắn sóng cho công trình này.
Ngày 24-4:
- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã thị sát hai xã Kỳ Hà, Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh) – nơi xảy ra tình trạng cá, tôm chết hàng loạt trong thời gian qua.
- Công ty Formosa có xác nhận là họ đã thải khoảng 12 ngàn mét khối nước thải ra biển mỗi ngày trong thời gian qua, nhưng lại cho rằng mọi mẫu nước thải do họ tự kiểm nghiệm đều đạt tiểu chuẩn. Trong khi đó theo thông tin của Báo Pháp Luật thì trong ba tháng đầu năm 2016, công ty Formosa đã xả hơn 930.000 m3 nước thải ra biển.
Ngày 23-4:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo 4 tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế) đã tổ chức Hội thảo để tìm ra nguyên nhân lý giải vì sao cá chết. Kết thúc buổi hội thảo, Hội nghị kết luận rằng cá chết là do có chất độc tố cực mạnh trong nước biển; nhưng không rõ lý rõ vì sao. Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường hứa là ngày 27/4 sẽ công bố kết quả điều tra.
Ngày 22-4:
- Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng CSVN đã dẫn một phái đoàn đến Hà Tĩnh dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật cựu Tổng bí thư Hà Huy, xem mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khu dân cư mẫu nông thôn mới và tiến độ Dự án Formosa Hà Tĩnh. Nhưng ông Trọng và phái đoàn hoàn toàn không lên tiếng gì về vụ cá chết hàng loạt hay đi thăm các hộ dân cư nuôi cá, tôm bị thiệt hại nặng. Giống như khi xảy ra vụ HD 981, ông Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn im lặng.
- Đoàn công tác liên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì đã trực tiếp vào làm việc, kiểm tra, lấy mẫu nước và cá chết để phân tích nhằm tìm ra nguyên nhân đại nạn cá chết ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế.
- Trước áp lực của dư luận, hai Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng đã chỉ thị các Bộ và các Tỉnh phải khẩn trương làm rõ nguyên nhân cá chết.
- Chi Cục Hải quan Cửa khẩu Vũng Áng (Chi cục Hải Quan Hà Tĩnh) cho biết, trong thời gian qua Formosa nhập 296 tấn hóa chất vào Việt Nam để phục vụ quá trình thi công và chuẩn bị vận hành các nhà máy nhiệt điện.
Ngày 21-4:
- Báo Người Đưa Tin loan tải tin anh Nguyễn Xuân Thành, một kình ngư tại Hà Tĩnh cho biết đã phát hiện một đường ống bí mật đặt dưới đáy biển dài 1,5 cây số, đường kính rộng 1,1 mét. Một đầu của đường ống nối từ khu vực dự án Formosa, đầu còn lại nối liền với 3 đoạn đường ống nhỏ (mỗi đoạn dài khoảng 2 m, đường kính khoảng 40 cm). Từ ngày 29/3 đến 4/4 đường ống này thải ra một nguồn nước màu vàng, có mùi hôi thối nên anh Thành nghi là chất độc và đi báo cho Đồn Biên Phòng Đèo Ngang, cũng như vẽ lại sơ đồ cùng vị trí của đường ống. Sau đó về nhà cho đến nay anh Thành mất tích.
- Sau khi bản tin loan tải có đường ống bí mật thả chất độc ở Vũng Áng, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên – Môi Trường lên tiếng cho rằng đường ống xả thải sâu 17 m dưới mặt biển của Formosa được Bộ cấp phép từ năm 2014. Ông Nhân nói rằng, đây là đường ống hợp pháp, chứ không phải phía công ty làm lén lút, được Sở Tài nguyên Môi trường Hà Tĩnh theo dõi hàng ngày.
Ngày 23-4:
- Chiều ngày 23/4, trả lời về việc có nên ăn cá, tắm biển khi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt tải các tỉnh miền Trung trong thời gian qua, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết các lồng bè ở Vũng Áng nhiều loại hải sản vẫn sinh trưởng bình thường nên người dân yên tâm ăn cá. Ngoài ra người dân cũng có thể yên tâm tắm biển ở khu vực Vũng Áng. Phát biểu này của ông Sơn đã tạo nên làn sóng phẫn nộ nơi dư luận.
Ngày 20-4:
- Sau gần 2 tuần lễ cá chết hàng loạt, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Môi trường mới yêu cầu chính quyền các địa phương có cá chết “phải tổ chức tuyên truyền rộng rãi để dân không xử dụng cá làm thực phẩm cũng như thức ăn chăn nuôi.”
Ngày 19-4:
- Cục Thủy Sản đã cử các đoàn công tác đến làm việc các tỉnh có hiện tượng cá chết hàng loạt. Các đoàn công tác đã thu giữ 42 mẫu cá. Các mẫu đã gửi đi kiểm tra.
Ngày 11-4:
- Trung Tâm Quan Trắc Môi Trường và Bệnh Thủy Sản Miền Bắc thông báo kết quả quan trắc đột xuất hiện tượng cá chết bất thường tại các địa phương trong tỉnh Hà Tĩnh.
Ngày 6 đến 8-4:
- Phát hiện cá nuôi trong 18 lồng bè và 2 hồ nuôi tôm thuộc 3 xã trong Thị Xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) chết hàng loạt, thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.
Leave a Comment