Sự kiện cá bị ngộ độc ở bờ biển miền Trung đến nay đã kéo dài 3 tuần, vấn đề thực ra không phải là quá phức tạp để tìm ra nguyên nhân và thủ phạm, nhưng xem chừng như cả bộ máy công quyền và bộ máy lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam đều lúng túng trong vấn đề này một cách rất khó hiểu.
Đảng và chính quyền đã làm gì?
Khoan nói đến tác hại lâu dài, vấn đề cá chết vì nước biển ô nhiễm, ngay trước mắt đã khiến hàng trăm người phải đưa đến bệnh viện cấp cứu, hàng triệu người trong ba tỉnh bị nạn lâm vào cảnh bế tắc về sinh kế. Khối dân chúng này không chỉ là ngư dân mà cả những người buôn bán, chế biến ngư – hải sản, các cơ sở thương mại, dịch vụ du lịch (và các ngành nghề liên quan khách sạn, nhà hàng, vận chuyển).
Thế nhưng cả chính quyền địa phương lẫn trung ương đểu vẫn ngậm tăm, không thấy một lời thăm hỏi hay có một giải pháp nào ngoài việc hô hào dân chúng chôn cá chết. Một việc mà chẳng cần hô hào thì dân chúng vẫn phải tự động làm để bớt đi sự hôi thối nồng nặc. Tin tức cho biết, nhà cầm quyền không làm gì cả vì họ đang bận học tập nghị quyết xây dựng đảng.
Cá bắt đầu chết trắng biển từ ngày 6 Tháng Tư, nhưng mãi tới ngày 20 Tháng Tư, ông Võ Tuấn Nhân, thứ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi Trường, mới yêu cầu chính quyền các địa phương có cá chết trắng biển “phải tổ chức tuyên truyền rộng rãi để người dân không sử dụng cá chết làm thực phẩm cũng như làm thức ăn chăn nuôi.”
Đến ngày 23 Tháng Tư, ông Vũ Văn Tám, thứ trưởng Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, bảo rằng, cá chết vì nhiễm độc đã chôn rồi, nếu bắt được cá sống thì có thể ăn được. Khi bị báo giới chất vấn, làm sao biết được cá còn sống không bị nhiễm độc? Ông Tám bảo rằng: “Phải chờ cơ quan có chức năng xét nghiệm khẳng định” và “sắp tới mới làm!” Ông Tám còn động viên mọi người tắm biển nhưng lại không trả lời được là đã có nghiên cứu nào xác định biển đã an toàn hay chưa.
Toàn là nói chuyện huề vốn.
Tại những quốc gia dân chủ và nhân bản, chính quyền đã kêu gọi các tổ chức quần chúng, nghiệp đoàn, kể cả quân đội đến giúp người dân ven biển để gom cá và các loài hải sản bị chết hầu mang đi chôn hoặc đốt để giữ an toàn. Lý do là để lâu ngày, xác cá chết với những ruồi muỗi bu quanh rồi bay các nơi có thể gây ra những bệnh dịch nguy hiểm cho những vùng lân cận.
Những “phát hiện” của các cơ quan chức năng
Dù người dân không có trình độ chuyên môn cũng như phương tiện thử nghiệm, nhưng hầu hết đều đã có những suy nghĩ rất sớm hướng về nguyên nhân và thủ phạm là khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh thuộc Khu Kinh Tế Vũng Áng. Trong nỗ lực truy tìm nơi phát tán độc tố khiến cá biển chết hàng loạt, một số ngư dân tại vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) đã tự trang bị phương tiện, lặn tìm và phát hiện một đường ống xả thải phun ra thứ nước vàng đục hôi thối.
Việt Nam hiện đang có “lò ấp tiến sĩ” mỗi ngày “đẻ” ra một ông/bà tiến sĩ, nhưng chắc họ đang bận học tập nghị quyết đảng, nên ngư dân phải tự tìm nguyên nhân cá chết. Còn các quan cộng sản thì cứ đủng đỉnh như cố ý câu giờ để thủ phạm có thể phi tang xóa sạch dấu tích. Trong khi đó thì ai cũng biết thủ phạm có thừa thủ đoạn và trình độ để qua mặt, đấm mõm các quan đảng.
Ngoài những tuyên bố về nguyên nhân trên trời dưới đất như: “Cá chết có thể là do… sức ép của âm thanh”, có thể do động đất, v.v… (báo Nhân Dân của đảng mãi đến ngày 23 Tháng Tư mới có một bài viết về những nguyên nhân rất ’bác học’ như vừa kể); những tuyên bố khác của các quan chức đi vào trọng tâm của vụ việc cũng chẳng có gì mới hơn những gì dư luận đã đoán. Cái mới là những tuyên bố đó càng khiến người ta “lên ruột “ hơn.
Trong cuộc họp chiều 23-4 tại Hà Tĩnh, Thứ Trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi Trường Võ Tuấn Nhân nói rằng, hệ thống xả nước thải của Formosa là hợp pháp, làm đúng quy trình, phía Formosa đều phải tuân thủ các quy trình xử lý chất thải một cách chặt chẽ, v.v… Tuy vậy, ông Nhân không biết họ xả cái gì, xả như thế nào. Ông thứ trưởng còn cho biết là, các thông số về môi trường phân tích như nhiệt độ, pH, độ mặn… đều nằm trong giới hạn cho phép.
Kết luận của ông Nhân về mọi thứ trong môi trường “đều nằm trong giới hạn cho phép” khiến dư luận châm biếm chắc là cá đánh nhau, hay tự tử, hoặc chết… đuối nên mới chết hàng loạt như vậy. Không những thế, chỉ hai ngày sau, trong một cuộc thử nghiệm nước ở Vũng Áng của giới truyền thông, cá bỏ vào nước chỉ 2 phút đã chết.
Cho đến sau cuộc họp ngày 24 Tháng Tư giữa Phó Thủ Tướng Trịnh Đình Dũng với Bộ Tài Nguyên Môi Trường người ta vẫn chưa biết nguyên nhân làm cho cá chết, phải chờ đến ngày 29. Tuy nhiên kết quả cuộc họp đó cho biết Formosa có một số “vi phạm trong việc thực hiện súc rửa đường ống.”
Bên cạnh những tuyên bố loanh quanh của các quan chức Việt Nam thì có lẽ câu hỏi “Muốn bắt cá bắt tôm hay xây một nhà máy hiện đại?” của ông Chu Xuân Phàm, Giám Đốc Đối Ngoại của Formosa là rõ ràng và đi sát vấn đề nhất. Ông Chu Xuân Phàm còn nói rõ hơn: “Người dân ở đây cũng như Nhà nước sẽ phải cân nhắc và lựa chọn, vì việc xả thải chắc chắn có tác động đến môi trường. Không thể có chuyện vừa có nhà máy thép mà biển nơi đây vẫn nhiều tôm cá”?
Vấn đề của Việt Nam nhìn từ vụ chết cá do chất độc của Formosa
Trong vụ cá chết ở bờ biển miền Trung vì chất thải của Formosa có ít nhất hai vấn đề hỗ tương với nhau để đưa Việt Nam vào chỗ cùng kiệt.
a/ Vấn đề chủ quyền đất nước
Khi vụ cá chết xảy ra người ta đã nhìn ngay vào Formosa. Các ban ngành chính quyền Việt Nam đều bảo không vào đó được vì có “yếu tố nước ngoài”. Theo luật quốc tế thì chỉ các toà đại sứ hoặc lãnh sự quán được coi như lãnh thổ của những nước liên hệ, mà nước chủ nhà không có quyền xâm nhập. Ở Việt Nam, dưới chế độ công sản, lại có thêm những “tô giới” khác của người Tàu được hưởng các đặc quyền như các cơ quan ngoại giao. Formosa với “yếu tố nước ngoài” chỉ là một.
Gần 10 năm trước, trong vụ công nhân Tàu phá làng phá xóm ở huyện Nghi Sơn (Hà Tĩnh), công an không dám vào và có muốn cũng không vào được. Video về vụ phá làng phá xóm đó phải mấy năm sau mới được đài truyền hình Hà Nội chiếu cho công chúng coi. Sau này những “tô giới” người Tàu như vậy mọc lên như nấm. Những khu công nghiệp lớn như Bauxite Tây Nguyên, Formosa; nhiều khu nghỉ dưỡng, khu bãi biển của người Tàu cũng vậy. Chủ quyền đất nước ở đâu trong những trường hợp này là câu hỏi mà Đảng Cộng Sản không bao giờ dám trả lời.
b/ Huỷ diệt môi sinh trên diện rộng
Đại khu công nghiệp Formosa tồn tại 70 năm là ít. Trước mắt “tô giới” này đang là điểm nóng bị nghi ngờ là thủ phạm thải độc chất cực mạnh giết cá, giết biển của Việt Nam như cuộc họp của Phó Thủ Tướng Trịnh Đình Dũng và cuộc thử nghiệm (2 phút là cá chết) cho biết. Vấn đề là, Formosa xả chất thải gì, xả như thế nào và vào những lúc nào thì không ai biết được, như Thứ Trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi Trường Võ Tuấn Nhân đã thừa nhận.
Bây giờ chưa khánh thành, mới chạy thử mà đã như vậy. Đến lúc đi vào vận hành và được hưởng quyền “bất khả xâm phạm” vì do có yếu tố nước ngoài thì chỉ có trời mới biết được trong gần 70 năm còn lại Formosa xả nước thải như thế nào. Câu hỏi mang tính cách hăm doạ nói trên của ông Chu Xuân Phàm cho thấy một tương lai không sáng sủa gì cho tương lai môi sinh ở bờ biển miền Trung.
Thủy lưu mùa này chạy về hướng nam, sang mùa hè sẽ đổi lên hướng bắc, báo trước môi sinh trong vùng vịnh Bắc Bộ sẽ dần dần bị hủy diệt.
Nếu tính thiệt hơn, chưa chắc đại khu công nghiệp này đã có lợi hơn toàn vùng kinh tế ven biển với ngư trường hàng triệu tấn cá tôm, với thương hiệu tôm cá Việt Nam xuất khẩu, với hàng triệu con người sinh sống ven bờ, với du lịch, dịch vụ và bao nhiêu thứ khác nữa.
Môi trường biển bị hủy diệt toàn diện từ tầng đáy san hô bị xâm hại đến chỗ bị hủy diệt. Sinh vật biển như rêu, tảo, các loại nhuyễn thể… bị chết. Xác cá chết, chim biển, chim trời xà xuống rỉa thịt, lăn ra chết (đã xuất hiện chim chết khi ăn xác cá). Bên cạnh đó là mầm ung thư vì môi sinh cho con người.
Chất cực độc trong nước thải công nghiệp ngấm xuống bùn, đến đời kiếp nào mới hết gây độc hại, bao giờ mới gột rửa được?
Mới năm ngoái ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố rằng: “Thời đại Hồ Chí Minh là thời đại rực rỡ nhất lịch sử”. Phải chăng hình ảnh trên là một phần trong sự “rực rỡ” của ông Trọng.
Leave a Comment