19 tổ chức gửi thư yêu cầu TT Obama quan tâm vấn đề nhân quyền trong chuyến đi VN

Tổng Thống Obama sẽ đến Việt Nam vào Tháng 5 sắp tới.
- Quảng Cáo -

HOA KỲ (CTM Media) – Một nỗ lực phối hợp của 19 tổ chức nhân quyền quốc tế và Việt Nam, đã cùng viết thư hôm 26 Tháng Tư, 2016, gởi Tổng Thống Barack Obama nhân dịp ông viếng thăm Việt Nam vào tháng 5 tới đây.

Lá thư nhấn mạnh đến tình hình vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam với tình trạng đàn áp người dân nói chung và các nhà hoạt động ôn hòa nói riêng vẫn đang tiếp diễn một cách đáng quan ngại.

Các tổ chức này cho rằng Việt Nam cần phải được nhắc nhở về những cam kết tôn trọng nhân quyền trong cương vị là thành viên của Hiệp Ước Đối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương – TPP.

Lá thư nhắc lại trường hợp của hai nhà hoạt động ôn hòa về quyền lao động đang bị cầm tù với những bản án nặng nề, đó là ông Đoàn Huy Chương, ông Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và cựu tù nhân Đỗ Thị Minh Hạnh.

Linh Mục Nguyễn Văn Lý bị bắt giam lần chót vào ngày 18 Tháng Hai, 2007. Ông bị kết án 8 năm tù giam và 5 năm quản chế.
- Quảng Cáo -

Lá thư cũng nói đến trường hợp của Linh mục Nguyễn Văn Lý bị cầm tù 15 năm, blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy, các nhà hoạt động chống tham nhũng Đinh Tất Thắng, Nguyễn Đình Ngọc và dân oan Ngô Thị Minh Ước, Nguyễn Thị Bé Hai, Nguyễn Thị Trí.

Nhân chuyến công du này, 19 tổ chức ký tên trong lá thư yêu cầu Tổng Thống Obama hãy nhấn mạnh với Hà Nội là mối bang giao Việt-Mỹ chỉ được cải thiện trên căn bản trả tự do cho các nhà hoạt động Việt Nam, chấm dứt sách nhiễu các tổ chức xã hội dân sự và tôn trọng luật pháp quốc tế.

19 tổ chức đứng tên trong lá thư bào gồm: Advisory Committee on Religious Freedom for Vietnam, Boat People SOS, Christian Solidarity Worldwide UK, Coalition for a Free and Democratic Vietnam, Freedom House, Freedom Now, Human Rights Foundation, Human Rights Watch, Lawyers for Lawyers, Lawyers Rights Watch Canada, Montagnard Human Rights Organization, PEN American Center, PEN Centre Suisse Romand, PEN International, Rallying For Democracy, Reporters Without Borders USA, Vietnam Human Rights Network, Vietnam for Progress, Đảng Việt Tân.

Hiện trên mạng internet cũng đang có một cuộc thăm dò ý kiến của người Việt trong nước và hải ngoại xem họ muốn Tổng Thống Obama làm gì, đề cập tới vấn đề gì nhất trong chuyến viếng thăm Việt Nam lần đầu tiên này.

Nguyên văn lá thư của 19 tổ chức gởi Tổng Thống Obama:

Ngày 26 Tháng 4 năm 2016

Kính gởi:
Tổng Thống Barack Obama
The White House
1600 Pennsylvania Avenue
Washington, DC 20500

Kính thưa Tổng Thống Obama,

Chúng tôi đại diện một liên minh quốc tế bao gồm nhiều tổ chức nhân quyền, quy tụ lại vì có cùng mối quan tâm chung về việc Việt Nam liên tục đàn áp các quyền con người cơ bản của người dân. Trước chuyến công du Việt Nam sắp tới của Ông, chúng tôi viết thư này để nêu lên các vấn đề rất đáng quan ngại về sự tôn trọng những quyền cơ bản, luật pháp quốc tế, và nhân quyền của chính phủ Việt Nam.

Trong vài tháng tới, Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ xem xét việc phê chuẩn Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo đó Việt Nam sẽ được nâng lên thành một đối tác giao thương toàn diện. Việt Nam cần được lưu ý về tầm quan trọng của những việc cần phải làm ngay để xác định cam kết của họ đối với các tiêu chuẩn về nhân quyền trong Hiệp Định TPP.

Điều cần được quan tâm đặc biệt là việc bỏ tù các nhà hoạt động ôn hòa và các nhà bất đồng chính kiến khi họ thực thi những quyền cơ bản về tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, và quyền hội họp một cách ôn hòa. Ở Việt Nam, các nhà lãnh đạo tôn giáo, các nhà hoạt động về quyền lao động, các bloggers, luật sư và những người ủng hộ nhân quyền đang bị giam giữ tùy tiện và bị truy tố mà không được bảo vệ theo đúng thủ tục dành cho họ theo luật quốc tế.

Ví dụ như trường hợp của Đoàn Huy Chương và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, đã nhiều lần được nêu ra bởi cộng đồng quốc tế. Hai nhà hoạt động về quyền lao động đã bị giam giữ vào tháng 2 năm 2010 (cùng với Đỗ Thị Minh Hạnh, được thả vì lý do sức khỏe năm 2014) vì đã đoàn thể hóa một cách ôn hòa các công nhân một nhà máy giày. Sau khi bị giam giữ gần tám tháng trước khi xét xử và sau một phiên tòa đầy rẫy những vi phạm về tiêu chuẩn xét xử công bằng, hai người đã bị kết án 7 năm và 9 năm tù với tội danh mơ hồ là phá rối an ninh quốc gia. Ngày 14 Tháng 11 năm 2012, Ủy Ban Điều Tra Liên Hiệp Quốc Về Bắt Giữ Tùy Tiện (UNWGAD) đã xác nhận việc giam giữ ông Chương và ông Hùng là tùy tiện và kêu gọi phải trả tự do cho họ. Việt Nam lập luận với Ủy Ban rằng việc bắt giam họ là chính đáng vì họ là thành viên của một nhóm bất hợp pháp: công đoàn độc lập của họ. Tuy nhiên, mặc dù Việt Nam đã đồng ý là trong TPP các công đoàn độc lập sẽ được hợp pháp nhưng hơn ba năm rưỡi sau quyết định của UNWGAD kêu gọi trả tự do, hai ông này vẫn bị giam giữ một cách bất công.

Cộng đồng quốc tế cũng chỉ trích việc tiếp tục giam giữ Linh mục Nguyễn Văn Lý, một linh mục Công Giáo La Mã và là một trong những nhà ủng hộ cải cách dân chủ nổi bật nhất tại Việt Nam. Cha Lý đã mòn mỏi trong tù 13 năm trong vòng 15 năm qua. Gần đây nhất là trong năm 2007, ông bị bắt vì bị cáo buộc tội “làm tổn hại nghiêm trọng an ninh quốc gia” vì đã toan tính tổ chức tẩy chay bầu cử trong cuộc bầu cử sắp tới. Mặc dù thực tế là Cha Lý đã bị kết án 8 năm tù và mặc dù là UNWGAD, trong phán quyết vào tháng 5 năm 2010, đã kêu gọi trả tự do cho ông, chính phủ Việt Nam vẫn không chịu trả tự do cho ông.

Những vụ hành hung các nhà hoạt động nhân quyền, thường là do nhân viên an ninh mặc thường phục, cũng đã trở nên phổ biến. Ngày 6 tháng 12 năm 2015, sau một buổi nói chuyện về quyền hiến định và quyền con người cơ bản, một trong những luật sư nhân quyền nổi tiếng nhất tại Việt Nam, Nguyễn Văn Đài, đã bị khoảng 20 người tấn công đánh đập một cách dã man. Mười ngày sau, 16 tháng 12 năm 2015, ông bị bắt và ngay sau đó bị buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước”. Ông Đài hiện đã bị biệt giam hơn bốn tháng trong khi chờ phiên xử cứ liên tục bị hoãn.

Rất tiếc, ngay cả khi đã thỏa thuận khi vào TPP, việc đàn áp những tiếng nói độc lập tại Việt Nam không có dấu hiệu ngưng nghỉ. Chúng tôi đặc biệt lo âu trong tuần lễ cuối của Tháng Ba khi Việt Nam kết án 7 người gồm bloggers và các nhà hoạt động nhân quyền từ năm tháng đến năm năm tù. Những người này gồm blogger Nguyễn Hữu Vinh và người đồng nghiệp Nguyễn Thị Minh Thúy, nhà vận động chống tham nhũng Đinh Tất Thắng, blogger Nguyễn Đình Ngọc, các nhà đấu tranh cho quyền sở hữu ruộng đất Ngô Thị Minh Ước, Nguyễn Thị Bé Hai, và Nguyễn Thị Trí.

Chúng tôi đánh giá cao việc Hoa Kỳ đã công khai tuyên bố cam kết của mình trong việc đặt vấn đề nhân quyền với giới chức Việt Nam, đặc biệt là phát biểu gần đây của Ngoại Trưởng Kerry rằng Hoa Kỳ sẽ “tiếp tục yêu cầu Việt Nam cải tổ một số điều luật thường được sử dụng để giam giữ và kết án những người bày tỏ quan điểm của họ một cách ôn hòa.” Chúng tôi yêu cầu Ông, trước và trong chuyến công du, nhấn mạnh với chính phủ Việt Nam rằng việc họ từ chối không cho phép những vận động nhân quyền ôn hòa sẽ cản trở sự tiến triển trong quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam và đe dọa khả năng tham gia TPP của Việt Nam. Chúng tôi cũng đề nghị ông yêu cầu chính phủ Việt Nam bãi bỏ những điều luật và nghị định phủ nhận quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội và hội họp ôn hòa, thay vào đó hãy ban hành luật lệ để hệ thống hóa và bảo vệ các quyền con người cơ bản.

Thả các tù nhân chính trị sẽ là một bước quan trọng để chứng tỏ rằng Việt Nam coi trọng việc đạt mục tiêu nhân quyền. Vì vậy chúng tôi mạnh mẽ yêu cầu ông, nhân cơ hội công du Việt Nam, làm sáng tỏ công khai hay trong thảo luận riêng, rằng quan hệ Mỹ – Việt trên cơ bản sẽ không tiến triển nếu không có những cải thiện đáng kể về nhân quyền, bao gồm việc phóng thích các nhà hoạt động bị giam giữ, chấm dứt việc sách nhiễu các tổ chức xã hội dân sự, và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Trân trọng,

Advisory Committee on Religious Freedom for Vietnam
Boat People SOS
Christian Solidarity Worldwide, UK
Coalition for a Free and Democratic Vietnam
Freedom House
Freedom Now
Human Rights Foundation
Human Rights Watch
Lawyers for Lawyers
Lawyers Rights Watch Canada
Montagnard Human Rights Organization
PEN American Center
PEN Centre Suisse Romand
PEN International
Rallying For Democracy
Reporters Without Borders USA
Vietnam Human Rights Network
Vietnam for Progress
Viet Tan

 

- Quảng Cáo -

ĐÃ CÓ 1 GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here