Chân Trời Mới Media (Thanh Thảo): Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và Hội đồng nhân dân ba cấp sẽ bỏ phiếu vào ngày 22 Tháng 5 tới đây, đang được đảng và nhà cầm quyền CSVN quảng cáo một cách rầm rộ với kinh phí lên đến 3.600 tỷ đồng, tương đương với 165 triệu Mỹ Kim; nhưng người dân nói chung không mấy quan tâm, vì vẫn là hình thức “đảng cử dân bầu”.
Sau vòng hội nghị lấy phiếu tín nhiệm cử tri và vòng hiệp thương lần thứ 3 để chọn danh sách ứng cử viên chính thức, đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận về những thủ đoạn đấu tố thô bỉ đối với các ứng cử viên độc lập và nhất là loại bỏ những ứng cử viên được cử tri tín nhiệm cao chỉ vì lo sợ chiếm phiếu của những ứng cử viên do đảng đề cử.
Hiện đang có cuộc vận động tẩy chay cuộc bầu cử dưới nhiều hình thức. Để tìm hiểu cuộc bầu cử này, xin mời quý vị theo dõi phần nhận định sau đây của Ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân trong chương trình phát thanh hôm nay.
***
Thanh Thảo: Kính chào Ông Lý Thái Hùng. Trước hết theo sự quan sát của ông thì cuộc bầu cử kỳ thứ 14 này có gì đặc biệt và đáng quan tâm?
Lý Thái Hùng: Cuộc bầu cử năm 2016 diễn ra sau non 3 năm đảng CSVN áp dụng bản hiến pháp mới – từ đầu năm 2013, tuy nhiên trên tổng thể không có gì mới so với những lần tổ chức bầu cử trước đây. Nghĩa là đảng CSVN thông qua Ủy ban thường vụ quốc hội đã ấn định số lượng đại biểu cấp trung ương và địa phương, cũng như phân bố số đại biểu này cho các cơ quan đảng, đoàn, chính phủ, Mặt trận tổ quốc để sắp xếp người của mình tham gia.
Nói một cách khác, cuộc bầu cử quốc hội mà đảng CSVN đã chi ra 3.600 tỷ đồng để tổ chức, trong thực tế nó là sự thay thế nhau giữa những người đảng viên đảng CSVN trong bộ máy lập pháp và cái gọi là bầu cử chỉ là để hợp thức hóa cho chính danh mà thôi.
Tuy nhiên, điều mà dư luận khá quan tâm trong kỳ bầu cử này chính là sự tham gia tự ứng cử của một số nhà hoạt động xã hội tập trung tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn. Trong số 154 người ứng cử độc lập có khoảng 30 người là những nhà đấu tranh cho dân chủ, chống bá quyền Bắc Kinh một cách mạnh mẽ trong nhiều năm qua.
Chính sự tự ứng cử của những nhà đấu tranh mà chúng ta gọi là những ứng cử viên tự do đã tạo cho bầu không khí bầu cử quốc hội có những sắc thái mới. Lần đầu tiên, những ứng viên tự do đã đưa ra một số những chương trình hành động như bảo vệ chủ quyền, triệt tiêu tham nhũng, bảo vệ văn hóa, bảo vệ quyền phụ nữ vân, vân… để cam kết trước cử tri của mình.
Tôi cho đây là một tiền lệ rất tốt và buộc đảng CSVN phải thay đổi để tạo cơ hội cho những ứng viên thật sự có khả năng phục vụ, chứ không chỉ là những con bù nhìn.
Ngoài ra, tuy các ứng viên tự do đều bị loại ở vòng Hội nghị lấy ý kiến cử tri; nhưng chính những trò vu cáo, đấu tố bẩn thỉu của chính quyền đối với các ứng cử viên tự do đã bị họ tố cáo công khai trong dư luận, tạo thành áp lực buộc Hà Nội phải thay đổi hay bãi bỏ thủ đoạn này trong tương lai.
Nói tóm lại, sự kiện 30 ứng viên tự do tham gia cuộc bầu cử đại biểu quốc hội đã mở đầu cho một xu hướng mới, đó là đấu tranh chính trị trực diện nhằm tranh thủ quần chúng đứng về phía tiếng nói độc lập.
Thanh Thảo: Nhiều người cho rằng bầu cử trong chế độ độc toàn trị, kết quả có trước khi bầu cử vì thế mà việc những người tự ra ứng cử không những không thay đổi gì tình hình mà còn tạo cơ hội cho chế độ tuyên truyền. Ông nghĩ sao về điều này?
Lý Thái Hùng: Tôi không nghĩ như vậy và tôi còn nghĩ ngược lại. Đó là chính 30 người ứng cử tự do đã là cơ hội rất tốt cho chúng ta vừa tranh thủ sự quan tâm và đồng tình của dư luận thế giới về tình trạng độc tài tại Việt Nam, vừa giúp nâng cao ý thức sinh hoạt chính trị trong thành phần quần chúng tích cực vốn bị rào cản bởi những sự thờ ơ, vô cảm của số đông thầm lặng.
Tôi không thấy đảng CSVN có thể lợi dụng gì trong vụ tự ứng cử của các nhà hoạt động dân chủ mà ngược lại, chính lãnh đạo Hà Nội lo sợ và lúng túng đối phó vì nếu để lan rộng, chắc chắn sẽ tạo những áp lực chính trị lên nội bộ đảng.
Ngoài ra, nếu chúng ta cho rằng những người tự ứng cử bị loại hoàn toàn ngay vòng gửi xe là một thất bại, thì tôi nghĩ là chúng ta nhìn quá tiêu cực trong việc tạo áp lực, cũng như chưa nắm vững nguyên tắc của đấu tranh bất bạo động.
Đó là tuy số người tự ứng cử tự do chưa đông và chưa gây lên được thế liên kết với quần chúng đang bất mãn để dấy thành phong trào bất tuân dân sự. Nhưng theo tôi đây là khởi điểm đáng trân trọng.
Thanh Thảo: Trong nhiều năm qua, CSVN chú trọng nhiều vào diễn đàn quốc hội và để cho một số đại biểu có những phát ngôn đụng đến những vấn đề cấm kỵ trước đây như về biển Đông, quan hệ Trung Quốc vân, vân… Ông có nghĩ rằng Hà Nội muốn nâng cấp và để cho các đại biểu một số quyền đối trọng với chính phủ và các cơ quan nhà nước không?
Lý Thái Hùng: Trong chế độ độc tài toàn trị, đảng Cộng sản nắm toàn quyền sinh sát. Những cơ cấu như chính phủ, quốc hội, Mặt trận tổ quốc chỉ là “tay chân” và được đảng điều khiển qua nghị quyết. Do đó, mọi sinh hoạt, phát biểu đều phải nằm trong sự chỉ đạo của đảng.
Những năm gần đây, trong diễn đàn quốc hội, chính phủ và trên một số báo chí người ta thấy có những phát biểu được cho là mạnh bạo, đụng đến nhiều vấn đề cấm kỵ trước đây như phê phán rất nặng tình trạng tham nhũng của một số quan chức, thực trạng thê thảm của đất nước, phê phán sự xâm lăng của Trung Quốc, hay cổ võ cho việc đi gần với Hoa Kỳ vân, vân…
Đặc biệt là mới đây, dư luận có vẻ đồng tình với một số những lên tiếng của nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh về nhu cầu cải tổ chính trị, dân biểu Trương Trọng Nghĩa nói về nguy cơ mất nước vào tay Trung Quốc.
Những phát biểu này hoàn toàn không nằm trong sự “nâng cấp” mà đảng CSVN muốn mở rộng quyền của quốc hội hay trong bộ máy chính phủ, mà đó chỉ là phản ảnh sự ray rứt của một số người còn chút tâm huyết nhưng chán ngán trước bộ máy quan liêu của đảng.
Trong 30 năm qua, đảng CSVN hô hào đổi mới cơ chế, sửa đổi hiến pháp kể cả việc cải tổ sự vận hành quốc hội, chính phủ; nhưng tất cả những thay đổi này chỉ là làm cho lấy có vì lãnh đạo luôn luôn lo sợ mất kiểm soát.
Chính nghịch lý nói trên đã tạo ra sự giằng co ngày một gay gắt trong nội bộ đảng CSVN, và từ đó các phe nhóm đã tranh giành quyền lực với những “nhóm lợi ích” xuất hiện; song song với những phát biểu có vẻ thay đổi nhưng hoàn toàn là tùy tiện và mị dân.
Nói tóm lại, trước tình hình khó khăn kinh tế và suy thoái xã hội triền miên như hiện nay, những phát biểu mang tính chất phê bình mạnh bạo chỉ biểu hiện sự ray rứt của một số người can đảm dám lên tiếng mà thôi. Đây là lúc mà lãnh đạo CSVN rất sợ thay đổi vì họ không thể dự phóng tình hình sẽ ra sao nên tiếp tục cố thủ trong lô cốt Mác-Lênin.
Thanh Thảo: Phẫn nộ trước những đòn thô bỉ của Hà Nội đối với các Hội nghị cử tri, hiện có một dư luận kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử vì người ta đều thấy ngay kết quả đảng cử dân bầu. Theo ông thì việc tẩy chay hay tham dự bỏ phiếu sẽ có những chuyển biến gì trong tình hình hiện nay?
Lý Thái Hùng: Đúng như nhận xét chung là có đi bầu vào ngày 22 tháng 5 tới đây, người ta đã biết ngay kết quả của 500 đại biểu quốc hội khóa 14 sẽ không ra khỏi tên các ông Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân, Đinh La Thăng, Hoàng Trung Hải và hàng trăm cán bộ cao cấp của đảng.
Do đó sự kiện tẩy chay không đi bầu là tâm lý bình thường và nhiều người đã làm, thậm chí nhiều gia đình bị tổ dân phố đến “đôn đốc” cũng chỉ cử một người đại diện đi bầu – dù là bất hợp lệ.
Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn từ góc độ của sự kiện 30 ứng cử viên tự do lần này thì việc tẩy chay hay đi bầu nên có những hành động tích cực hơn.
Theo tôi, nếu tẩy chay, ta nên công khai lên tiếng để mọi người cùng biết và vận động để có nhiều người cùng tham gia không đi bầu, tạo thành một phong trào bất tuân dân sự lan rộng ở nhiều tỉnh thành. Đây là phương pháp mà những người hoạt động dân chủ tại Ba Lan, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc đã áp dụng vào những năm đầu thập niên 80 trước khi buộc chính quyền Cộng sản ở các quốc gia này phải mở rộng sự tham dự của các đại biểu độc lập.
Ngoài ra, nếu đi bầu, ta không nên có những hành động khiến cho lá phiếu mình trở thành bất hợp lệ vì tốn công đi bầu mà phiếu vẫn bị loại. Đó là không nên bỏ phiếu trắng, gạch tréo hay bầu quá số đại biểu quy định.
Tốt nhất là đừng chọn những ứng viên mà đảng chỉ định để thành đại biểu như Nguyễn Xuân Phúc, Đinh La Thăng, Nguyễn Thị Kim Ngân vân, vân… chỉ nên bỏ cho một vài ứng viên mà đảng đưa ra như “trái độn” để làm thay đổi số phần trăm kết quả bầu, biểu hiện một sự phản kháng âm thầm của người dân. Đây là phương pháp mà người dân tại Cộng hòa Serbia, Đông Đức và Á Rập đã từng áp dụng.
Nói tóm lại, tùy theo quan điểm của mỗi người chúng ta chọn hình thức tẩy chay hay đi bầu, nhưng chọn hình thức nào cũng cần biểu hiện một hành động tích cực nói lên tinh thần bất tuân dân sự.
Thanh Thảo: Từ Tháng 11, 2015 cho đến nay, tình hình chính trị tại Việt Nam không ổn định do những đấu đá quyền lực giữa các phe, liệu là sau khi Quốc hội khóa 14 bầu xong, tình hình chính trị tại Việt Nam sẽ ra sao, sẽ có những thay đổi gì sau khi đã sắp xếp xong nhân sự thưa ông?
Lý Thái Hùng: Sau khi bầu xong quốc hội khóa 14, tân quốc hội sẽ “bầu” lại các chức danh như Chủ tịch quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, các Bộ trưởng… mà họ đã bầu và hợp thức hóa vào Tháng 4 vừa qua. Sau đó, Hội nghị lần thứ 3 của Trung ương đảng sẽ nhóm họp có thể vào Tháng 10, để bàn thảo về việc ra đi của ông Nguyễn Phú Trọng và đề cử người thay thế vị trí Tổng Bí Thư.
Diễn tiến này cho thấy là từ cuối năm ngoái cho đến Tháng 10, 2016, lãnh đạo đảng CSVN tập trung vào vấn đề sắp xếp nhân sự. Tức là lo chấn chỉnh nội bộ đảng là ưu tiên.
Chính vì thế mà bên ngoài xã hội xảy ra hàng trăm vấn nạn như công an đánh dân, thức ăn nhiễm độc, cá nhiễm độc chết hàng loạt ở Vũng Áng, xăng lên giá, tăng thu phí các cổng vào xa lộ, địa phương vỡ nợ… hầu như chính quyền không mấy quan tâm.
Ngay cả tình trạng nợ công đến mức đụng trần, nợ xấu kéo dài nhiều năm không giải quyết, tình hình thiếu hụt ngân sách đe dọa đời sống công nhân viên, doanh nghiệp tư nhân bị phá sản hàng loạt… cũng không có những đối sách cụ thể.
Trong khi đó, vấn đề biển Đông ngày càng trở nên nóng bỏng khi Bắc Kinh đã quân sự hóa hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việc Trung Quốc sẽ công bố vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông chỉ còn là vấn đề thời gian, mà Hà Nội cũng không có hành động nào mạnh mẽ để phản đối hay ngăn chận.
Những diễn tiến này cho thấy là đảng CSVN đã không còn khả năng giải quyết các vấn đề lớn của đất nước và vì thế mà họ chỉ quay về chấn chỉnh nội bộ để cố giữ yên hàng ngũ hầu nắm chặt quyền lực cai trị được ngày nào hay ngày đó.
Qua đó, tình hình chính trị tại Việt Nam có thể nhìn thấy trên hai hướng:
Thứ nhất, những khó khăn xã hội và kinh tế sẽ bùng nổ lớn mang tính toàn quốc trong khi bộ máy chính phủ bất lực giải quyết, tạo ra sự đấu đá đổ trách nhiệm lẫn nhau giữa các ban ngành. Tình hình này chắc chắn sẽ tạo ra những đột biến về chính trị, khi mà làn sóng bất mãn của người dân gia tăng do đời sống khó khăn.
Thứ hai, những sắp xếp nhân sự vừa qua chỉ là tạm che giấu những đấu đá gay gắt giữa phe Nguyễn Tấn Dũng và phe Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên khi mà ông Trọng không còn tại vị, tình trạng cá mè một lứa trong Bộ chính trị sẽ tái xuất hiện và phe Nguyễn Tấn Dũng sẽ dùng quyền lợi đã vơ vét được trong 20 năm qua, tìm cách khuynh loát. Khủng hoảng chính trị sẽ bùng nổ và lan ra ngoài, đưa đến hiện tượng “bỏ của chạy lấy người”.
Do đó, tình hình chính trị tại Việt Nam hiện đang có những dấu hiệu thay đổi, tùy thuộc rất lớn vào khả năng khai thác hai hướng tác động nói trên của lực lượng dân chủ trong và ngoài nước.
Thanh Thảo: Xin cảm ơn ông Lý Thái Hùng.
Leave a Comment