Việt Nam (CTM Media)- Chủ nhật 17 Tháng Tư, 2016, trao đổi với các ký giả về đề tài ‘’Năm du lịch Quốc gia 2016’’, nhà nghiên cứu và cũng là Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam Trần Hữu Sơn đã nói như sau: “Thôi đừng quảng bá du lịch kiểu đó nữa.”
Theo ông Sơn thì hiện nay, mỗi năm cả nước tổ chức vài chục sự kiện du lịch và nhiều nhà quản lý đều gọi đó là lễ hội. Mỗi một sự kiện du lịch lớn cấp vùng, cấp quốc gia lên đến vài chục tỉ đồng. Còn sự kiện cấp tỉnh cũng từ 5 – 10 tỉ đồng.
Ông Sơn nói: “Theo nghiên cứu của tôi, đấy không phải là lễ hội du lịch mà chỉ là một chương trình nghệ thuật quảng bá cho du lịch, đã trở thành một lối mòn không hiệu quả, tồn tại hơn 20 năm nay.”
Tỉnh nào cũng đua nhau đăng cai năm du lịch quốc gia, dồn công, dồn sức, dồn tiền của vào những màn nghệ thuật. Nếu tiết kiệm được số tiền đó để đầu tư cho cơ sở hạ tầng và quảng bá du lịch bằng các hình thức khác, chắc chắn sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Du lịch biển thì ở tỉnh nào có biển cũng giống nhau, du lịch núi cũng lại na ná khắp các vùng miền núi. Hà Giang có tam giác mạch thì nhiều tỉnh cũng đua nhau trồng tam giác mạch…
Khi được hỏi vì sao lượng du khách nước ngoài đến VN chỉ tăng lẹt đẹt, trong khi hai nước láng giềng là Lào và Cambodia có xuất phát điểm thấp hơn hẳn chúng ta lại tăng vọt, ông Sơn trả lời rằng: “Trước hết, tầm nhìn về phát triển du lịch ở ta còn hạn chế, khả năng liên kết du lịch giữa các ngành, các cấp còn yếu. Ngành nào, địa phương nào cũng chỉ nghĩ đến lợi ích của mình mà ít chú ý đến lợi ích của toàn cục.”
Thứ đến văn hoá ứng xử với du lịch vẫn còn mang phong cách của người tiểu nông, nặng về tầm nhìn ngắn và lợi ích trước mắt mà quên phát triển bền vững lâu dài.
Nhưng nguyên nhân chủ yếu là du lịch phát triển thiếu tính bền vững, không coi trọng “du lịch có trách nhiệm”. Quan điểm này không chỉ xảy ra ở tầm nhìn của các lãnh đạo địa phương mà cả tầm nhìn của ngành du lịch và phản ánh vào một phần của chính sách du lịch.
Leave a Comment