ĐỒNG THÁP (CTM Media) – Hôm 13 Tháng Tư 2016, báo Người Lao Động dẫn tin từ Bộ Nông Nghiệp cho biết, với trên 700 cây số bờ biển, khu vực miền Tây hiện có 265 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 450 cây số, trong đó có 20 địa điểm đang sạt lở liên tục. Sạt lở đã ăn 500 héc ta đất của vùng miền Tây với tốc độ dọc theo bờ biển lên đến 30-40 mét/năm, làm người dân ở nhiều tỉnh mất nhà và phập phồng lo “chạy lở.”
Tại cửa biển Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, cách đây hơn 20 năm, từ bờ kè chắn sóng hiện tại đi xuyên qua một cánh rừng phòng hộ, rồi thêm một dải đất trống khoảng hơn 500 mét nữa mới thấy được nước biển, nhưng giờ đây, sóng biển ngoạm mất đất đai, rừng phòng hộ và tiến vào sát thị trấn đông đúc này, đe dọa cuộc sống của 4.000 hộ dân. Trong khi đó, đoạn kè chắn sóng hàng trăm tỷ đồng được xây từ năm 2000 dường như không còn đủ sức chống chọi với những cơn sóng hung tợn.
Tin cho biết, do nằm đầu nguồn sông Tiền nên tỉnh Đồng Tháp luôn chịu thiệt hại nặng nề nhất ở khu vực miền Tây về tình trạng sạt lở bờ sông xảy ra ở nhiều nơi.
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái miền Tây, lượng phù sa đổ về đồng bằng sông Cửu Long trước đây khoảng 160 triệu tấn bùn cát/năm. Sau khi Trung Quốc xây các đập ở thượng nguồn sông MêKông, lượng phù sa chỉ còn 75 triệu tấn/năm. Nếu Lào và Cambodia xây thêm đập thì tương lai lượng phù sa này chỉ còn 42 triệu tấn/năm khi đổ về ĐBSCL. Thiếu phù sa sẽ sinh ra hiện tượng “nước đói” nên lòng sông sẽ “cạp” 2 bên bờ sông, bờ biển để bù vào, sinh ra sạt lở. Do vậy, vùng này sẽ còn tiếp tục bị mất đất trong thời gian tới.
Leave a Comment