Quảng Cáo

Báo cáo Nhân quyền 2015: VN hạn chế nghiêm trọng các quyền chính trị

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trình bày Báo cáo 2015 về tình hình nhân quyền tại Bộ Ngoại giao ở Washington, ngày 13/4/2016.

Quảng Cáo


WASHINGTON (VOA) – Ngày 13/4, Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã đệ trình Báo cáo Nhân quyền 2015 lên Quốc hội. Theo quy định của Quốc hội, bản báo cáo này giúp cung cấp thông tin cho việc hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ cũng như giúp Quốc hội quyết định phân bổ viện trợ nước ngoài và trợ giúp trong lĩnh vực an ninh.

Năm nay là năm thứ 40 báo cáo này được lập, ghi lại tình trạng nhân quyền ở 199 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Báo cáo năm nay chỉ rõ những vấn đề nhân quyền nổi bật nhất ở Việt Nam là chính phủ hạn chế nghiêm trọng các quyền chính trị của công dân, nhất là quyền thay đổi chính phủ thông qua bầu cử tự do, công bằng; giới hạn các quyền tự do, kể cả tự do lập hội, hội họp và biểu đạt; và không bảo vệ đúng mức các quyền về trình tự pháp lý, trong đó có quyền được bảo vệ khỏi sự giam giữ tùy tiện.

Theo báo cáo, chính phủ Việt Nam hạn chế tự do ngôn luận và đàn áp sự bất đồng chính kiến, kiểm soát và kiểm duyệt báo chí, hạn chế tự do internet và tự do tôn giáo, thường theo dõi chặt chẽ các nhà hoạt động.

Các vi phạm nhân quyền khác ở Việt Nam được báo cáo nêu lên còn có việc bắt bớ và giam giữ người dân vì họ hoạt động chính trị, cảnh sát ngược đãi nghi can bị bắt hoặc bị tạm giam, và từ chối quyền được xét xử công bằng, nhanh chóng.

Về lĩnh vực lao động, báo cáo cho biết chính phủ Việt Nam duy trì các hạn chế đối với quyền của công nhân được thành lập và tham gia công đoàn độc lập.

Hiện chưa có phản ứng chính thức của nhà chức trách Việt Nam về bản báo cáo do sự chênh lệch múi giờ giữa hai nước. Năm ngoái, Bộ Ngoại giao Việt Nam không đưa ra phản ứng về Báo cáo Nhân quyền 2014 của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Cũng trong ngày 13/4, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Thứ trưởng Ngoại giao Thường trực Antony Blinken sẽ thăm Hà Nội trong nửa cuối tháng 4, trong khuôn khổ chuyến công du tới châu Á, bao gồm cả các chặng dừng chân ở Tokyo, Seoul và Jakarta.

Dự kiến từ 20-21/4 tại Hà Nội, ông Blinken sẽ gặp các doanh nghiệp, giới xã hội dân sự, sinh viên và các quan chức chính phủ cao cấp. Có phần chắc nhân quyền sẽ là một trong số các chủ đề được thảo luận. Thông báo của Bộ Ngoại giao cho hay ông Blinken cũng sẽ đọc diễn văn về chính sách của Mỹ đối với Việt Nam và khu vực châu Á-Thái Bình Dương trước sinh viên và đội ngũ giáo viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux