Quốc hội Việt Nam đã nhanh chóng đồng ý với đề nghị Đảng cộng sản Việt Nam để ông Nguyễn Xuân Phúc, ứng cử viên duy nhất nhậm chức thủ tướng. Đây là một việc mà dư luận đã được biết đến hàng năm trời, không có gì là bất ngờ trong những chuyện bầu bán như vậy ở Việt Nam. Sở dĩ không có cạnh tranh, không có bất ngờ vì đảng cộng sản VN luôn nhấn mạnh từ ổn định chính trị.
Chúng ta không lạ gì những từ giữ vững ổn định chính trị, chủ động phòng ngừa mà những người tuyên truyền của Đảng hay nói. Chủ động phòng ngừa để giữ ổn định ở đây, là ngăn ngừa những yếu tố bất ngờ, yếu tố cạnh tranh trong bầu cử. Muốn chủ động, ổn định trong việc bầu thủ tướng thì chỉ có cách duy nhất là chỉ có một ứng cử viên.
Ông Phúc liệu có làm nên những bất ngờ, ngoạn mục không.?
Chắc chắn là không, nếu ông Phúc có đủ yếu tố để làm được những bất ngờ. Hẳn đảng CSVN đã không chọn ông làm thủ tướng.
Chức vụ thủ tướng Việt Nam là chức vụ tiếp xúc và ký hết các hiệp định nhiều nhất với các quốc gia, đặc biệt là các nước tư bản. Một người có cá tính, bản lĩnh đảm nhận chức vụ này sẽ có thể gây bất ngờ khi quyết định những điều theo cá tính của mình.
Người tiền nhiệm của ông Phúc là ông Nguyễn Tấn Dũng. Trong mười năm làm nhiệm kỳ thủ tướng, ông Dũng đã tạo hình ảnh cá nhân của mình nổi bật, át cả vai trò của tập thể đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông Dũng đã đưa chính phủ thành một cơ quan quyền lực mạnh trong cơ cấu quyền lực đảng trị. Sự nổi bật của chính phủ đã kích thích quốc hội có tự tin. Chúng ta dễ thấy trong mười năm ông Dũng cầm quyền, có những phát biểu từ chính phủ hay quốc hội không trùng với ý đảng cộng sản Việt Nam. Mặc dù ĐCS Việt Nam vẫn là thế lực cai trị lớn nhất trong xã hội.
Nếu cứ như vậy, viễn cảnh ngày nào đó đảng cộng sản Việt Nam sẽ phải đứng trước việc chia ba, thậm chí là chia bốn quyền lực cho quốc hội, nhà nước, chính phủ. Việc phân tán này thực ra chỉ là sự chỉ trong khuôn khổ tranh giành quyền lực giữa những uỷ viên Bộ Chính Trị với nhau.
Nhưng việc phân chia ấy khiến cho cơ cấu đảng trị mà quyền lựcTổng bí thư , bộ chính trị, ban bí thư bị suy giảm. Đây là mối lo sợ nhất của Đảng CSVN, vì những mâu thuẫn trong nội bộ, tranh giành quyền lực đã xảy ra ở mức độ cấp cao. Điều đó có thể dẫn đến những uỷ viên BCT đứng đầu quốc hội, nhà nước, chính phủ sẽ tận dụng vị thế lãnh đạo của mình làm phương tiện để tranh giành, hạ bệ nhau khi có mâu thuẫn. Điều này đã từng xảy ra khi Nguyễn Tấn Dũng dùng thanh tra chính phủ để thanh tra việc đất đai ở Đà Nẵng để tấn công Nguyễn Bá Thanh và thanh tra mấy ngàn tỷ ở khu đô thị Ciputra Hà Nội mà tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có liên quan tham nhũng.
Việc làm đó của Dũng nhằm phản công lại việc Trọng và Thanh dùng ban nội chính trung ương tấn công vào những sai phạm của Dũng ở ngành tàu biển, dầu khí.
Chính vì thấy thực tế quyền lực của quốc hội và chính phủ ngày một lớn xuất phát từ những cá nhân lãnh đạo các cơ quan này. Phải nói thêm nguyên nhân nữa cũng bởi do sự hội nhập quốc tế. Các cơ quan này được nhà nước và chính phủ các nước coi trọng hơn vì tính chính danh. Những cá nhân lãnh đạo các tổ chức này tiếp xúc với các nước được họ coi trọng , sẽ kích thích cá tính của họ nếu có, khiến họ trở thành những người thấy quyền uy ở vị trí họ đang có mà quên mất vai trò lãnh đạo của đảng.
Cái đó được gọi là xa rời lý tưởng, có biểu hiện lệch lạc về chính trị, không trung thành với chế độ CNXH, của Hồ Chí Minh.
Để hạn chế những điều như vậy không xẩy ra, cái khó của Đảng CSVN là không thể dùng chỉ thị của Đảng để thay thế cho quốc hội, nhà nước, chính phủ. Để mị dân và lừa quốc tế, đảng cộng sản VN vẫn phải dùng những cơ quan này để thực hiện sự cai trị của mình. Thế nên, cách tạm thời tốt nhất là chọn những nhân vật dễ bảo, dễ thuần phục, không có cá tính để đưa vào nắm các chức vụ này. Đặc biệt là những nhân vật không có bản lĩnh, bản sắc riêng. Những nhân vật nhạt nhoà , thụ động, muốn làm gì cũng cầu cạnh tập thể cùng ra quyết định.
Để làm được những dự định đó mà không vấp phải sự phản đối nào, Nguyễn Phú Trọng phải nhờ đến sức của Trần Đại Quang và trả công cho Quang làm chủ tịch nước. Nhưng đến đây thì liệu có e ngại rằng Quang sẽ lại là một cá nhân dùng vị trí chủ tịch nước của mình để gây quyền lực mới như Nguyễn Tấn Dũng từng làm, như thế chẳng khác gì tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa. Đảng khuất phục được chính phủ, quốc hội lại phải mang mối lo về phía nhà nước do người có cá tính mạnh như Quang nắm.?
Không có gì phải lo, Quang đã được hứa hẹn trong tương lai tới làm tổng bí thư, chủ tịch đảng. Ông ta không có lý gì để làm mất đi quyền lực của cái ghế TBT mà tương lai ông ta sẽ ngồi vào đó. Trái lại ông ta sẽ vun vén để quyền lực ngày một tập trung vào vị trí Tổng bí thư nhiều hơn. Nhưng ông Quang cần cẩn thận bởi Nguyễn Phú Trọng là kẻ khó lường và háo danh. Trọng luôn muốn mình là Tổng Bí Thư sáng chói nhất, ông ta sẽ không muốn người có cá tính và khôn ngoan như Quang kế nhiệm. Như thế sẽ làm lu mờ hình ảnh của ông ta.
Muốn đảm bảo sự mặc cả của Nguyễn Phú Trọng phải thành hiện thực. Trần Đại Quang cần phải chú ý đến những người mà Trọng cài cắm để lật lọng cuộc mặc cả, đó là Đinh Thế Huynh và Phạm Minh Chính. Khống chế được hai nhân vật này mới đảm bảo Trọng không thể lật lọng được và chỉ còn cách thực hiện lời hứa để Quang làm TBT.
Trong tương lai vài năm tới đây, hoạt động của Trọng và Quang mới là những hoạt động đáng quan sát. Còn tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tân chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ là hai con bù nhìn không hơn, không kém.
Leave a Comment