Nếu mọi người đóng thuế sòng phẳng thay vì giấu tài sản của mình ở nước ngoài, thì đất nước của họ có thể hoàn toàn đủ sức gánh các chi phí an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng và giáo dục cho mọi người dân.
LTS (VnN): Tiết lộ thông tin là một hình thức phản đối hữu hiệu của xã hội. Điều này đang được thử nghiệm ở quy mô lớn chưa từng thấy – quy mô toàn cầu. Một kỷ nguyên leaktivism (chủ nghĩa rò rỉ thông tin, hay chủ nghĩa tiết lộ thông tin) đã đến. Nó có thể kéo theo cuộc khủng hoảng lớn nhất từ trước tới nay của chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vụ tiết lộ Panama Papers có giúp ích gì cho xã hội?
Có lẽ tầm quan trọng của Panama Papers lớn hơn nhiều cái mà 99% số người trên thế giới nghĩ. Vâng, vụ rò rỉ chấn động toàn cầu này đã mở ra một bằng chứng thuyết phục hơn bao giờ hết rằng rất nhiều trong số các lãnh đạo toàn cầu (vốn chỉ chiếm 1% dân số thế giới phạm luật) có thể sẽ phải ngồi tù và phải trả những khoản thuế mà họ có nghĩa vụ. “Lãnh đạn” đầu tiên là Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson. Nhưng hơn thế, ý nghĩa thực sự của Panama Papers chính là ở chỗ vụ rò rỉ chấn động này có thể dẫn tới những thay đổi xã hội lớn hơn.
The Panama Papers chính là đại diện cho một kỷ nguyên đang đến mang tên leaktivism. Trang mạng WikiLeaks đã đưa ra một học thuyết rằng tiết lộ thông tin sự thật là một dạng phản đối xã hội hữu hiệu. Với sự xuất hiện của những người can đảm như Julian Assange, Chelsea Manning hay Edward Snowden, việc tiết lộ thông tin sự thật đã ngày càng trở thành chiến thuật phổ biến của các nhà hoạt động xã hội.
Đây là cơ hội duy nhất để thử nghiệm tính hiệu quả của leaktivism. Có thể nói rằng Panama Papers là một cuộc tiết lộ hoàn hảo. Trước tiên, quy mô của nó thật khổng lồ: hơn 40 năm ghi chép, 11,5 triệu tài liệu và 2,6 terabytes dữ liệu từ công ty luật lớn thứ tư thế giới. Vụ rò rỉ này làm lu mờ tất cả các vụ rò rỉ trước đây trong lịch sử loài người. Thứ hai, Panama Papers được tiết lộ thông qua sự hợp tác chưa từng thấy của hàng trăm nhà báo quốc tế có uy tín cao, làm việc bí mật trong suốt một năm trời. Đây chính là sự chuyên nghiệp hóa toàn cầu của leaktivism. Đã qua rồi cái thời của WikiLeaks nghiệp dư.
Vậy Panama Papers có dẫn tới sự thay đổi tích cực nào cho xã hội hay không?
Đúng là các trang tài liệu trong Panama Papers có khả năng khơi nguồn cho hàng loạt cuộc biểu tình trên đường phố. Tại Iceland, thủ tướng Gunnlaugsson – người cùng với vợ bị nêu tên trong tài liệu này – đã buộc phải từ chức sau khi hơn 10.000 người biểu tình tức giận tụ tập trước Nghị viện nước này. Hậu quả trước mắt của Panama Papers có thể là gây bất ổn đối với các chính phủ trên thế giới. Có thể sẽ còn một số chính trị gia sẽ phải đối diện với những cáo buộc liên quan tới hồ sơ Panama trong những ngày tới. Và Panama Papers có thể dẫn tới cuộc khủng hoảng lớn nhất của chủ nghĩa tư bản, như Rana Foroohar nhận định trên tạp chí Time.
Nhưng có một khác biệt căn bản giữa khủng hoảng và thay đổi xã hội. Sau tất cả, khủng hoảng dường như là một phần chính trong bản chất của chủ nghĩa tư bản. Sự ra đi của các chính trị gia có thể tạo ra một cơn sóng cồn, nhưng không giải quyết vấn đề cốt lõi: thế giới của chúng ta đang bị quản lý tồi bởi chỉ một số người đạo đức giả.
Vậy chúng ta có nên bi quan về khả năng leaktivism thay đổi thế giới hay không? Chẳng phải chúng ta đã chứng kiến những thông tin rò rỉ từ WikiLeaks và Edward Snowden đã đến và đi mà không hề thay đổi nguyên trạng đó sao? Và chẳng phải chúng ta đã thấy những người giàu có và quyền lực vẫn ở nơi mà họ đang ở sau khi người dân tại 82 quốc gia tập trung tại các trung tâm tài chính hồi năm 2011 với đề nghị “rút tiền ra khỏi chính trị đi” đó sao? Vâng, vâng và vâng.
Panama Papers đã cho thấy rõ rằng mọi người tại tất cả các quốc gia đều phải đối mặt với cùng một kẻ thù đã được toàn cầu hóa. Sự thật là những người siêu giàu dùng tài sản của mình để duy trì quyền lực trong khi trốn thuế. Điều này cũng có nghĩa là mọi biện pháp thắt lưng buộc bụng được đề xuất ở Anh và nhiều nơi khác hoàn toàn chẳng có nghĩa lý gì. Nếu mọi người đóng thuế sòng phẳng thay vì giấu tài sản của mình ở nước ngoài, thì đất nước của họ có thể hoàn toàn đủ sức gánh các chi phí an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng và giáo dục cho mọi người dân. Việc này đến lượt nó sẽ tạo ra những người lao động khỏe mạnh và những nền kinh tế thịnh vượng hơn. Việc cắt giảm dịch vụ y tế công cộng và các dịch vụ khác là hậu quả trực tiếp của sự tham lam đó. Điều đáng nói là những quyết định cắt giảm tương tự đang diễn ra trên khắp thế giới.
Vấn đề căn bản mà Panama Papers đã đưa ra ánh sáng là sự quản lý toàn cầu: đây đó có những người không trung thực đang nắm quyền. Việc tiết lộ Panama Papers sẽ thành công nếu nó đưa đến gần hơn việc thực hiện mục tiêu xã hội, chứ không chỉ dừng lại ở các cuộc tụ tập phản đối tại các nơi.
Đức Đan/VnN
Leave a Comment