Có lẽ rất nhiều người Việt Nam, khi theo dõi diễn biến của Đại hội XII của Đảng cộng sản Việt Nam, bị đặt trước câu hỏi: trong tình hình nguy ngập về mọi phương diện hiện nay của đất nước, ĐCSVN, vốn kiên quyết tự giành cho mình độc quyền lãnh đạo tuyệt đối, liệu có đủ khả năng tiến hành những cải cách chính trị, để giải quyết các vấn đề trầm trọng của đất nước hay không?
Câu hỏi này là của tất cả những người Việt Nam quan tâm đến vận mệnh quốc gia. Vì đất nước này không phải của riêng của đảng, mà là của tất cả mọi người, thậm chí của cả những bào nhi còn nằm trong bụng mẹ.
Và vì thế, hiện nay mỗi một động thái của chính quyền, tức là của đảng, đều là một câu trả lời cho câu hỏi này. Mỗi một quyết định của Bộ Chính trị sẽ là một câu trả lời cho câu hỏi này.
Vụ đàn áp phá nát vòng hoa của người dân Sài Gòn tưởng niệm chiến tranh Việt Trung, ngày 17/2/2016 là một câu trả lời.
Vụ bắt giữ ông Phạm Minh Hoàng là một câu trả lời.
Vụ báo chí chính thống và dư luận viên bôi nhọ những ứng viên tự do vào Quốc hội là một câu trả lời.
Vụ chặt cây xanh ở Sài Gòn là một câu trả lời.
Vụ xử Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy là một câu trả lời. Một câu trả lời quá rõ ràng. Đã có nhiều phân tích về những bất cập pháp lý trong vụ Ba Sàm trên truyền thông tự do, bao gồm cả các facebook cá nhân và các hãng thông tấn quốc tế lớn. Những đầu óc lý tính bình thường đều thấy rằng các phân tích ấy đều có lý lẽ thuyết phục. Xin xem lại một số bài tiêu biểu, trong đó có bản bào chữa của luật sư Hà Huy Sơn, bài phân tích của GS Hoàng Xuân Phú. Vụ xử ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy cho thấy sự tiếp tục duy trì chính sách đàn áp chính trị được ĐCSVN thực hiện từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay. Đây là một dấu hiệu cho thấy không có cải cách về phương diện này.
Những thông tin về việc Quốc hội khóa 13 sẽ tiến hành việc bầu các chức danh lãnh đạo chủ chốt là một câu trả lời thuộc loại then chốt và trọng yếu. Như một số phân tích đã chỉ ra, việc này vi phạm hiến pháp, vi phạm luật pháp, và vô hiệu hóa vai trò của Quốc hội khóa 14.
Chừng đó sự kiện đã cho thấy câu trả lời của Tổng Bí thư và Bộ Chính trị mới đối với câu hỏi mà người dân đặt ra về khả năng cải cách chính trị của đảng.
Thay vì tiến hành các cải cách chính trị, các cải cách thể chế, và đặc biệt hàng đầu là các cải cách về luật pháp, để đảm bảo cho sự vận hành của một nền dân chủ thực sự – động lực phát triển của đất nước, thì các dấu hiệu cho thấy ĐCSVN đang làm ngược lại: đảng đang tăng cường trấn áp, tăng cường đàn áp quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, đàn áp quyền tự do bày tỏ cảm xúc của người dân, tăng cường làm việc theo lối áp đặt, độc đoán, quyết định từ trên xuống.
Tuy nhiên sự đàn áp gia tăng của chính quyền sẽ là thử thách đối với bản lĩnh của một dân tộc mà nhiều phẩm chất quan trọng đã hình thành và bảo tồn trong suốt lịch sử của mình: yêu nước (cho đến nay chưa từng chịu khuất phục trước bất kỳ thế lực ngoại xâm nào) và bảo tồn văn hóa dân tộc, đùm bọc lẫn nhau (đã được đúc kết trong thành ngữ dân gian “lá lành đùm lá rách”)… Sự đàn áp của chính quyền là một phép thử cho các phẩm chất này, nói cụ thể hơn, phép thử ở chỗ: liệu hơn bảy thập kỷ dưới sự đàn áp của chính thể độc tài, những phẩm chất này của dân tộc Việt Nam có bị tiêu diệt hay không ?
Phải chăng Bộ Chính trị mới, bằng các động thái mới đây của mình, đang trực tiếp gửi tới toàn thể dân tộc thông điệp sau đây: “dân tộc Việt Nam muốn trường tồn, dân tộc Việt Nam muốn bảo vệ Tổ quốc của mình, dân tộc Việt Nam muốn bảo vệ phẩm chất của mình, muốn bảo vệ truyền thống của mình, muốn bảo vệ những người đồng bào của mình, thì không có con đường nào khác, phải thoát khỏi ách cai trị của chính thể độc đảng?” Có phải đấy là thông điệp mà Bộ chính trị mới, ban lãnh đạo mới của đại hội XII, gửi đến toàn thể nhân dân Việt Nam không?
Tôi là người đưa ra giả thiết rằng ĐCSVN có thể tiến hành một số cải cách chính trị quan trọng, ở giai đoạn này, để làm trong sạch đảng và dân chủ hóa bộ máy. Giả thiết này dựa trên một số phân tích về đại hội XII, dựa trên đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, và chủ yếu dựa trên phân tích về đặc điểm cá nhân của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu ĐCSVN hiện nay. Đồng thời dựa vào một số phát biểu của ông Vũ Ngọc Hoàng, người, mà theo tôi, có lẽ đã đóng vai trò phát ngôn viên cho đại hội XII vừa qua. Giả thiết này của tôi bị nhiều người phản đối, trong số đó có các tác giả Bùi Quang Vơm, Thái Tuế…, vì họ không tin rằng Tổng bí thư và Bộ chính trị mới (gồm nhiều người từ Bộ chính trị cũ) có đủ năng lực để cải cách, và họ đưa ra các lý lẽ của họ.
Đến thời điểm này, tôi buộc phải thừa nhận rằng Tổng bí thư và Bộ chính trị, bằng các quyết định và cách hành xử mới đây, đang củng cố nhận định của những người cho rằng ĐCSVN không thể tự cải cách.
Nhưng dù sao, một số dấu hiệu cho thấy có sự mâu thuẫn trong tư tưởng của những người lãnh đạo hiện hành. Có những dấu hiệu cho thấy sự dằng co giữa một bên là ý muốn cải cách, và một bên là các lực cản cải cách có lẽ nằm trong bản chất của một chính đảng độc tài. Chúng ta sẽ còn trở lại với vấn đề này.
Paris, 28/3/2016
Leave a Comment