T rong những lần bầu cử quốc hội Việt Nam trước đây, chúng ta thường được nghe, xem trên các phương tiện truyền thông Việt Nam tuyên truyền rằng, các đại biểu quốc hội được nhân dân lựa chọn, bầu vào quốc hội với đa số phiếu bầu 95-97%, có người 98-99%. Báo chí còn nói rằng, tỷ lệ người dân đi bầu trong độ tuổi bầu cử là từ 90-95%. Đại khái, các số liệu đều gần như tuyệt đối, nếu người nào trúng cử dưới 90% là rất không bình thường. Người dân ai cũng hiểu, tỷ lệ đó hầu như không có ý nghĩa trong cơ chế đảng cử dân bầu, đảng quyết định tất cả. Việc bầu cử chỉ là màn trình diễn bất đắc dĩ của người dân. Tuy nhiên, dù biết rằng các con số về tỷ lệ đó là không đúng, nhưng cũng chưa có ai thử phân tích về các số liệu, và xác định thực sự các số liệu là bao nhiêu. Đồng thời, so sánh với việc bầu cử của các quốc gia dân chủ trên thế giới, để hiểu rõ hơn việc bầu cử của Việt Nam dân chủ đến mức độ nào?
Ở các quốc gia dân chủ, ví dụ như Hoa Kỳ, chúng ta thường nghe, tỷ lệ cử tri đi bầu quốc hội (hạ viện), trong các năm không có bầu cử tổng thống không cao, chỉ từ 30-40% số cử tri tham gia bầu cử. Trong các năm có bầu cử tổng thống, số lượng cao hơn cũng chỉ xoay quanh con số 50%. Người dân Mỹ, khi đã tham gia bầu cử, bỏ phiếu là tự tay họ cầm lá phiếu để bầu cho ứng cử viên mà họ chọn lựa (không có, hoặc có nhưng vô cùng hãn hữu việc người này bầu hộ cho người khác). Người dân đi bầu cử biết chắc chắn thông tin liên quan tới ứng cử viên như họ tên, tuổi, nghề nghiệp, chức vụ, nơi công tác và chương trình hành động của ứng cử viên. Những người trúng cử, cũng chỉ có tỷ lệ phiếu bầu trung bình từ 55-65% so với tổng số cử tri tham gia bầu cử. Tóm lại, có thể khẳng định, đó là một tỷ lệ không cao, nhưng hoàn toàn thực chất, người dân biết mình lựa chọn ai, và kết quả phản ánh đúng nguyện vọng của người dân.
Đối với người Việt Nam chúng ta, dù biết tỷ lệ cử tri đi bầu, tỷ lệ trúng cử là con số hoàn toàn ảo, vô nghĩa nhưng ít ai đi sâu vào phân tích về mặt kỹ thuật, tính chất các con số và cũng ít ai đặt câu hỏi, vậy thực chất tỷ lệ người đi bầu ở Việt Nam là bao nhiêu? tỷ lệ phiếu bầu thực sự (theo đúng nguyên tắc, tính chất bầu cử) cho các ứng viên đại biểu quốc hội là bao nhiêu? bài viết này sẽ làm sáng tỏ vấn đề đó.
Trước hết, hầu như tuyệt đại đa số người dân Việt Nam, bao gồm các đảng viên đảng cộng sản, ủy ban bầu cử, các ứng cử viên và người dân đều có chung một suy nghĩ. Đó là việc bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp là việc đưa một số người vào các cơ quan gọi là dân cử, để thực hiện thể chế hóa các nghị quyết của đảng, nói nôm na là hợp thức hóa các nhiệm vụ của đảng. Việc lựa chọn người do đảng cộng sản chuẩn bị và chỉ đạo thực hiện từ đầu tới cuối. Hoạt động của ủy ban bầu cử và người dân đi bầu chỉ là diễn trò cho vui, không ai có thể tác động vào kết quả và có giá trị gì vào việc bầu cử này ngoài đảng cộng sản Việt Nam. Nói tóm lại, đó là một việc làm hoàn toàn vô nghĩa mà người dân bắt buộc phải thực hiện. Chính vì vậy, những năm trước đây, người dân miền Bắc thường có câu nói mỉa mai, việc đi vệ sinh (đi ỉa) là việc đi bỏ phiếu. Một lối nói hình ảnh so sánh việc bầu cử với việc loại bỏ một sự khó chịu trong con người.
Trên cơ sở nhận thức sự vô nghĩa như vậy, cả từ phía ủy ban bầu cử và người dân, tất cả những gì không cần thiết đều được loại bỏ. Nhưng người ta vẫn làm ví dụ để quay phim chụp ảnh những cảnh bầu cử ở những nơi, những hoàn cảnh đặc biệt. Ví dụ: bến tàu bến xe ngày bầu cử, trại tạm giam, hải đảo xa xôi, các đơn vị quân đội, các trường đại học và trường nghề…đó là những ví dụ đưa ra để tuyên truyền, để nói rằng, các cử tri đều tham gia đầy đủ. Thực chất, số thẻ cử tri chỉ được phát cho những người có địa chỉ thường trú và hiện đang sinh sống tại đúng địa chỉ thường trú đó. Như vậy, những người có địa chỉ thường trú, nhưng không sống đúng địa chỉ thường trú, đi học tập, làm ăn, sinh sống nơi khác là không bao giờ có thẻ cử tri. Số lượng những người không sống đúng địa chỉ thường trú ở Việt Nam là rất lớn, ước tính 30-40%. Chính vì vậy, 30-40% số người dân không có thẻ cử tri và hoàn toàn không tham gia gì vào việc bầu cử (hầu như không có ai thắc mắc gì chuyện này, vì họ thoát khỏi một việc làm mất thời gian và vô nghĩa). Nhưng chưa hết, trong một gia đình, thường có hai vợ chồng và con cái, ví dụ có 2-3 người trong độ tuổi bầu cử, có thẻ cử tri, chúng ta khẳng định chắc chắn, gia đình đó chỉ có một người đi bầu cử, và bầu hộ cho 1-2 người, thậm chí 3 người còn lại trong nhà. Cứ tạm tính, mỗi gia đình có hai người là cử tri, chỉ có một người đi bầu. Như vậy, số lượng 60-70% người dân có thẻ cử tri trong độ tuổi bầu cử lại phải chia đôi, gọi cho 70% chia đôi, còn lại 35%.
Chúng ta thực hiện thêm một thao tác nữa, giả sử có người đứng ở phía ngoài địa điểm bầu cử (bỏ phiếu), sẽ hỏi tất cả những người vừa bầu cử xong, những câu hỏi sau đây: xin hỏi ông bà, cô chú bác, anh chị, các vị vừa bầu cử xong có thể cho biết: họ tên, tuổi, nghề nghiệp, đơn vị công tác của tất cả các ứng cử viên trong đơn vị bầu cử này được không? (chưa cần hỏi chương trình hành động, cương lĩnh tranh cử của các ứng cử viên). Tất cả chúng ta đều khẳng định, 80-90% số người vừa bầu, bỏ phiếu xong sẽ không trả lời được câu hỏi đó. Bởi vì tại sao người ta phải đọc, phải lưu vào đầu những thông tin vô nghĩa đó khi mà biết chắc chắn lá phiếu của mình không hề có tý giá trị nào?!? Như vậy, tỷ lệ 35% đó, chỉ còn lại 5-7% số cử tri đi bầu biết được họ tên, tuổi, nghề nghiệp, đơn vị công tác của các ứng cử viên. Chúng ta đã giải quyết được một vấn đề, tỷ lệ cử tri đi bầu (đúng nghĩa) thực sự ở Việt Nam là 5-7% (trên tổng số người trong độ tuổi bầu cử) so với tỷ lệ mà đảng cộng sản Việt Nam vẫn tuyên truyền 90-95% số người trong độ tuổi tham gia bầu cử.
Vẫn còn một câu hỏi được đặt ra, vậy chính xác, tỷ lệ phiếu trúng cử, được bầu đúng nghĩa của các đại biểu quốc hội là bao nhiêu phần trăm trong tổng số cử tri cả nước? chúng ta có thể tính được (tương đối) số phiếu bầu này không? câu trả lời là, có thể tính được.
Đầu tiên, đó là bản thân các ứng cử viên, ít nhất các ứng cử viên cũng biết về các ứng cử viên khác, với đầy đủ thông tin phục vụ cho bầu cử. Số đại biểu quốc hội được bầu trên 500 người, như vậy số ứng cử viên, tính cả khi chưa hiệp thương là khoảng 1500-2000 người. Chúng ta giả sử, gia đình các ứng cử viên có 4 người trong độ tuổi bầu cử, đều quan tâm và biết về các ứng cử viên khác, vậy sẽ có 6000-8000 cử tri có hiểu biết đầy đủ. Sau đó, là số người thuộc ủy ban bầu cử các cấp, tính theo đơn vị bầu cử khoảng 200 đơn vị bầu cử (khóa XIV, có thông tin là 184 đơn vị bầu cử), bao gồm các bộ phận đảng, và chính quyền. Những người này cũng phải biết rõ về các ứng cử viên. Một đơn vị bầu cử có nhiều bộ phận, nhưng cứ đặt giả thiết, mỗi đơn vị có 30 người liên quan trực tiếp đến hồ sơ ứng cử viên, nên hiểu rõ mọi thông tin về các ứng cử viên. Như vậy, với 200 đơn vị bầu cử, số người có hiểu biết về các ứng cử viên sẽ là 6000 người. Tổng kết lại, bản thân các ứng cử viên và gia đình, cộng với ủy ban bầu cử là 8000 người + 6000 người = 14.000 người. Tiếp tục, ta đặt giả thiết, có những người về hưu, quan tâm đến vấn đề bầu cử, quan tâm đến các ứng cử viên, và số người ở các bộ phận công tác liên quan bầu cử mà chúng ta bỏ sót, tính thật rộng rãi, thêm 16.000 người nữa. Chúng ta có tổng cộng 30.000 người, có đầy đủ thông tin, chương trình hành động của các ứng cử viên sẽ tham gia bỏ phiếu trong kỳ bầu cử quốc hội. Đặt giả thiết, các ứng cử viên trúng cử (hơn 500 đại biểu quốc hội) được tất cả 30.000 người này bầu chọn, thì tỷ lệ cử tri thực sự (đúng nghĩa) sẽ là 30.000 người trên tổng số người trong độ tuổi bầu cử, tức là trên 60 triệu người.
Tựu trung lại, chúng ta có một quốc hội được bầu, với một số lượng cử tri đúng nghĩa, khoảng 30.000 người, trên tổng số hơn 60 triệu người trong độ tuổi bầu cử. Đó chính là thực chất của cái gọi là “dân chủ gấp vạn lần hơn” của chế độ cộng sản Việt Nam./.
Leave a Comment