Hội nghị Trung ương 2 của đảng Cộng sản Việt Nam (đảng CSVN) đã ra quyết định Quốc hội khóa XIII sẽ đề cử các chức danh lãnh đạo Nhà nước vào cuộc họp cuối sẽ khai mạc trong tháng 3 này.
Có điều gì khác thường trong quyết định này?
Trước hết nó là một quyết định vi hiến, trái với bản Hiến pháp hiện hành. Xưa nay, không có Bộ Chính trị khóa nào dám làm điều kỳ quặc lạ lùng như thế, nhất là khi trong Hiến pháp có ghi: ’’Đảng CSVN hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và luật pháp.”
Lãnh đạo đảng CS do thói kiêu ngạo và bệnh duy ý chí đã ngang nhiên thách thức Hiến pháp và luật pháp, thách thức toàn dân, thách thức công luận tòan thế giới khi họ đưa ra quyết định liều lĩnh, rõ ràng vượt ra ngoài khuôn khổ của Hiến pháp.
Nói theo lối nói dân gian, Bộ Chính trị khóa XII đã “coi trời bằng vung”, sau khi ép một Đại hội đảng cử ra các chức vụ cao nhất của Nhà nước, cử “tứ trụ” triều đình trong khi đó là trách nhiệm duy nhất của Quốc hội mới, khóa XIV, chưa hình thành, vì Quốc hội mới chỉ sẽ được bầu vào ngày 22 tháng 5 tới. Đến nay, “được đằng chân lân đằng đầu’’ Bộ Chính trị lại ép buộc Quốc hội sắp hết thời hạn cử ra các chức vụ cao nhất, dẫm chân lên Quốc hội khóa XIV chưa được bầu, chưa biết mặt mũi ra sao.
Đây là một cuộc lấn quyền, một cuộc tiếm quyền, một cuộc “tiền đảo chính”, cướp đoạt quyền hạn của khóa Quốc hội thứ XIV ngay trước khi nó được dân bầu ra. Đây là một chủ trương chính trị sai lầm, liều lĩnh, có thể nói là điên rồ, tùy tiện, có thể tạo nên hỗn loạn ngay trong cơ chế Nhà nước, trong bộ máy cầm quyền, trao nhiệm vụ chính thức cho những người chưa hề có chức!
Điều kỳ lạ và bệnh hoạn là có vẻ như toàn đảng CS gồm hơn 4 triệu con người, trong đó có hàng triệu đảng viên có học hẳn hoi, hàng chục vạn trí thức CS khoa bảng, tiến sỹ, thạc sỹ, có học viện chính trị đàng hoàng, có hàng nghìn đảng viên ở ngành Luật… mà không mấy ai lên tiếng chỉ rõ sai lầm “to bằng con voi” này. Chỉ có vài luật sư ngoài đảng lên tiếng.
Cần chỉ rõ cho cả xã hội ta biết rằng đây là sáng kiến của Cựu/Tân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từng tốt nghiệp khoa Xây dựng đảng, thừa thắng xông lên để hòng làm nên lịch sử, cứu đảng CS ra khỏi khủng hoảng hiểm nghèo hiện nay. Cái nhãn hiệu “Nguyễn Phú Trọng” không thể che dấu được. Ông Nguyễn Phú Trọng chỉ có thể cầm đầu một đảng CS khi nó đã phân hóa và suy thoái nặng nề cả về lý luận và đạo đức, khi ông chỉ có lý lẽ bằng cách dựa vào đàn áp và mua chuộc, một chế độ cảnh sát và tột độ tham nhũng.
Điều bất thường nữa là Bộ Chính trị quyết định rằng cuộc họp cuối của Quốc hội khóa XIII họp trong vài ngày nữa sẽ dành 12 ngày để bầu ra các chức vụ cao nhất. Sao lại phải bỏ ra gần 100 giờ để làm một việc không thuộc quyền hạn của mình như thế?
Một việc chỉ cần một hai buổi là xong. Điều này cũng mang dấu hiệu “Trọng lú” là dành cho phần nhân sự – phân chia ghế ngồi bổng lộc cao một khoản thời gian lẽ ra nên được dùng để thảo luận chu đáo, cho ra lẽ về những vấn đề sinh tử như học thuyết Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội mơ hồ, sở hữu đất đai của toàn dân, vai trò tiêu cực phá hoại của quốc doanh, chuyện Bắc thuộc hay thoát Trung…
Để xem 500 vị đại biểu Quốc hội khóa XIV sẽ được bầu ngày 22/5 tới có ai lên tiếng đòi lại cái quyền hiến định cao quý là tự mình tự do bầu ra những chức vụ cao nhất của Nhà nước cho 5 năm tới hay không, có ai dám phủ định việc “Tứ trụ tiền chế” hay không, có ai cảm nhận một cách trung thực chính đáng là đã bị ăn cắp, bị ngang nhiên tước đoạt một mảng quyền lực hệ trọng nhất hay không.
Đây cũng là vấn đề sôi sục khi Quốc hội mới có một số dân biểu tự do tự ứng cử, mang lại ít nhiều nét văn hóa nghị trường có phản biện xây dựng.
Việc Bộ Chính trị vội vã, hốt hoảng “bóp cổ” Quốc hội mới từ trước khi nó được sinh ra 2 tháng và trước khi nó nhận nhiệm vụ 4, 5 tháng sẽ tạo nên hỗn loạn trong đảng, trong bộ máy Nhà nước ở cấp cao nhất.
Có thể nói đây là một vụ án chính trị cực lớn, do sơ hở của Nhà nước VN không có một Hội đồng Hiến pháp hay một Viện Hiến pháp như nhiều nước dân chủ thuần thục, tiền tiến.
Leave a Comment