Bành trướng Trung Quốc là một mối đe dọa trong suốt quá trình tồn tại của Việt Nam. Tuy không mới so với lịch sử của dân tộc Việt Nam, bản chất và phạm vi của mối đe dọa từ Trung Quốc hiện nay là thực sự kỳ lạ theo kinh nghiệm của người Việt Nam đang sống trên toàn thế giới hiện nay. Việt Nam và thế giới đã chịu đựng đủ với chủ nghĩa đế quốc. Cái mà cả Việt Nam lẫn thế giới cần hiện nay là tiêu chuẩn quốc tế về hành vi mà tất cả các quốc gia đều phải tuân thủ. Không có các chuẩn mực quốc tế, chúng ta thiếu cơ sở vững chắc để đảm bảo các quyền cơ bản như quyền con người trong phạm vi nội địa của mọi quốc gia hoặc là quyền tự do hàng hải giữa các quốc gia. Thiếu các chuẩn mực quốc tế, chúng ta phải đối mặt với sự hỗn loạn, bạo lực, và bấp bênh.
Thức tỉnh trước các nguy cơ
Khắp Việt Nam người dân đã sáng suốt thức tỉnh trước thực tế là Trung Quốc, hàng xóm vĩnh cửu của đất nước, hiện đang được lãnh đạo bởi một chính quyền tân đế quốc hướng về mở rộng lãnh thổ, đã công khai coi thường mở cho chuẩn mực quốc tế, và đang cố gắng để thôn tính một vùng lãnh thổ rộng lớn với một sự kiêu ngạo và tự mãn quá là kinh ngạc. Đối với giới lãnh đạo của Việt Nam, cách cư xử của Bắc Kinh có nghĩa là mối quan hệ giữa hai nước đang ở tình trạng khủng hoảng liên tục. Ngay cả những người lãnh đạo Việt Nam có quan niệm lãng mạng về tình đoàn kết với Trung Quốc cũng không thể bỏ qua những gì các “đồng chí tốt” phương Bắc đang làm.
Với việc Tập Cận Bình thể hiện xu hướng Phát-xít ở trong nước và chiến thuật ngày càng trắng trợn ở nước ngoài, với nền kinh tế bị mất hàng trăm tỷ vốn khả dụng, toàn thế giới tự hỏi, điều gì đang xảy ra ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình là người thế nào, tại sao ông ta trở nên hung hăng thế, và có thể làm gì để khôi phục lại cảm giác an toàn cho khu vực đã rơi vào một cuộc chạy đua vũ tốn kém và không cần thiết vì những hành động của Bắc Kinh? Khi Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc và Việt Nam có chung định mệnh, chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng ông ta sai hoặc định mệnh này không liên quan gì đến ông ta.
Chúng ta không nên đánh giá quá cao sự phán xét tốt của lãnh đạo Trung Quốc. Chúng ta cũng không nên đánh giá quá cao khả năng người dân đại lục có tư duy phê phán độc lập về lãnh đạo đất nước và sự khôn ngoan trong hành vi của họ. Ngày nay, những khác biệt quan điểm dù nhẹ nhàng bao nhiêu đang bị tiêu diệt một cách có hệ thống để những kẻ “dân tộc chủ nghĩa” thổi bùng tâm lý về các cuộc chiến “khả thắng” như là phương tiện để áp đặt một trật tự bất hợp pháp trong khu vực. Tình hình chính trị ở bên trong Trung Quốc hiện nay đáng báo động và là một mối đe dọa cho sự ổn định trong khu vực.
Người ta có thể kỳ vọng rằng Bắc Kinh không quan tâm đến gây ra chiến tranh với Hà Nội. Có thể vậy, nhưng rõ ràng họ cố ý làm chủ bất hợp pháp vùng biển Đông của Việt Nam và áp đặt các quy tắc ngang ngược trên biển và trên không. Vấn đề mà Việt Nam, khu vực, và cả thế giới phải đối mặt không còn là đưa ra phản ứng mạnh mẽ mà là đưa ra như thế nào.
Đối phó với các nguy cơ
Trên thế giới, không một quốc gia nào có nhiều kinh nghiệm đối phó với Trung Quốc như Việt Nam. Tuy nhiên, Hà Nội có lẽ không thể đối phó với Bắc Kinh một mình. Hơn nữa, chính sách “làm bạn với tất cả các nước” của Hà Nội, một cách tiếp cận hợp lý trong thời bình, hiển nhiên không còn phù hợp với nhu cầu của đất nước hiện nay. Thông thường thì không một quốc gia nào sẵn sàng ra tay giúp Việt Nam trừ phi lợi ích của chính mình bị đe dọa, bị làm hại hoặc các giá trị mà đất nước và người dân của họ đang trân trọng bị coi thường. Một lẽ tự nhiên và tốt đẹp cho Việt Nam là gần gũi hơn với Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc, nhưng các nước này sẽ chỉ hỗ trợ khi bản thân Việt Nam được coi là một quốc gia xứng đáng được hỗ trợ khi Bắc Kinh hành động.
Nếu không có sự hỗ trợ quốc tế, chính sách hành động như là ‘em trai’ Trung Quốc của Việt Nam vừa không hiệu quả vừa nguy hiểm. Vấn đề không phải là Trung Quốc không thể là bạn, anh hay chị của Việt Nam mà là không nước nào nên tôn trọng, thích ứng và để cho nước hàng xóm bắt nạt. Không tình bạn hay tình đồng minh nào có thể được xây dựng dựa trên bắt nạt. Bắt nạt khiến niềm tin chiến lược bị ném ra ngoài cửa sổ và không thể có lại niềm tin cho đến khi Bắc Kinh thay đổi thái độ.
Nhưng những gì Hà Nội và nhân dân Việt Nam có thể làm thực tế là gì? Trong khi người ta có thể hy vọng rằng Trung Quốc sẽ dân chủ hóa hoặc ít nhất là đảo ngược tiến trình đến một chế độ độc tài, niềm hy vọng đó có vẻ khá xa vời vì Tập dường như đang mong muốn đạt vị trí hoàng đế. Khả năng nhiều hơn là Việt Nam và người dân sẽ phải đối mặt với có thêm ít nhất là vài chục năm sống cùng với một chế độ độc tài bành trướng.
Không làm gì hoặc chỉ làm những việc nhỏ bên lề chắc chắn là một lựa chọn. Nhưng điều này đã được dùng và đã thất bại trong việc đưa ra bất kỳ ngăn chặn hiệu quả nào và thậm chí không làm chậm lại thói hung hăng của Trung Quốc trên biển – vì vậy, lựa chọn này ít nhất là không hiệu quả. Tiếp tục không làm gì thì sẽ phải tiếp tục đóng vai trò của một “em trai”, tiếp tục được hưởng sự bảo trợ và hối lộ ở những nơi có thể, tiếp tục mỉm cười trong khi bị coi thường, và tiếp tục quay mặt làm ngơ với biển Đông.
Khả năng đó tiếp tục diễn ra trong tương lai là có thật. Nhưng để nó diễn ra nghĩa là đặt dấu chấm hết cho sự độc lập của Việt Nam và rất có khả năng sẽ bùng phát tình trạng phản kháng chính quyền phổ biến trong giới tinh hoa như những gì đã thúc đẩy cuộc cách mạng chống thực dân của Việt Nam. Cần phải nhận ra rằng, mặc dù một số quyết định bí mật và dịnh giao dịch ngầm có thể hấp dẫn với một số người, nhưng có thể không lợi lộc hoặc quà cáp nào được chấp nhận. Bắc Kinh đã cho thấy ý định và mục đích là chiếm toàn bộ các đảo có thể chiếm và xử dụng chúng để kiểm soát toàn bộ biển Đông Nam Á.
Như vậy Hà Nội cần phải mạnh mẽ điều chỉnh lại các chiến lược đối phó ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của mình. Điểm đầu tiên cần thực hiện ngay bây giờ là thời gian hành động. Trong khi lãnh đạo của Việt Nam đã bày tỏ niềm tự hào về kiểu lãnh đạo tập thể của mình, lãnh đạo đất nước cần phải đáp ứng nhanh chóng và tài tình để đối phó với các nguy cơ. Người ta hy vọng Bộ Chính trị và Trung ương tiếp thu ý kiến từ những người tài năng nhất của đất nước. Nhưng tôi e rằng điều này không xảy ra.
Những gì Việt Nam cần và những gì khu vực cần từ Việt Nam là đẩy mạnh ngoại giao hợp lý và cởi mở, kết hợp thiện chí với kiên quyết phản đối kẻ hàng xóm hung hăng bắt nạt, và hơn cả là sẵn sàng và dũng cảm để khai thác sức mạnh lớn nhất nhưng đang bị kìm nén: sự háo hức của người dân để tham gia cộng đồng các quốc gia dân chủ, chính danh và được quốc tế tôn trọng. Người dân Việt Nam không tìm kiếm một thỏa thuận ngầm với Bắc Kinh hay trở thành một nước chư hầu kiểu mới.
Tại sao cải tổ trong nước là chìa khóa thành công
Hy vọng duy nhất của Việt Nam để được tồn tại và phát triển, như một nước dân chủ bình thường là làm những gì mà ông Bùi Quang Vinh, vị Bộ trưởng bộ Kế Hoạch Đầu từ sắp mãn nhiệm được nể trọng rộng rãi nhưng được ghi nhận không đầy đủ, đã gợi ý: thúc đẩy cải cách chính trị cơ bản. Chỉ một Việt Nam tuân thủ các chuẩn mực quốc tế ở trong nước mới được hỗ trợ trên trường quốc tế. (Hãy hỏi người dân Hàn Quốc và Đài Loan xem họ có đồng ý không.) Nếu Việt Nam dân chủ hóa theo cách thức và tốc độ mà người dân quyết định thì có thể nâng cao chất lượng sinh hoạt chính trị trong nước, và đoàn kết nhân dân trong nước một cách chưa từng thấy.
Điều tốt lành là hàng triệu người Việt cùng đồng quan điểm này. Những người này bao gồm một số các nhà lãnh đạo hàng đầu của Đảng, hàng chục Ủy viênTrung Ương, hàng chục ngàn đảng viên có chức vụ, và một lực lượng không đếm xuể người dân trong và ngoài nước. Nhưng mặc cho khát vọng thay đổi thì quan điểm lạc quan về khả năng thay đổi bị hạn chế bởi ý nghĩ và thực tế là lãnh đạo Đảng vẫn bám quá nhiệt tình vào các tư tưởng lạc hậu.
Việt Nam phải lựa chọn tương lai chính trị của riêng mình. Giới phân tích hang đầu trong nước và bạn bè quốc tế hầu như nhất trí hoàn toàn rằng chìa khóa để mở tiềm năng kinh tế và xã hội của đất nước dựa trên tăng thêm chứ không phải là hạn chế dân chủ và đa nguyên. Nếu điều tiết hợp lý trên tinh thần cho và nhận, đa nguyên không phải là một mối đe dọa mà là sức mạnh. Đa nguyên không có nghĩa là biểu tình và bất ổn xã hội. Nó có nghĩa là cuộc tranh luận thực tế và mang tính xây dựng. Các cuộc biểu tình và bất ổn xã hội là kết quả của không đủ đa nguyên, của hạn chế quyền, và của tình trạng thiếu dân chủ hay dân chủ giả hiệu. Kỳ bầu cử Quốc hội sắp tới là một cơ hội vàng cho Việt Nam đi những bước mạnh mẽ và dũng cảm theo hướng này. Nếu những bước đi mạnh mẽ và dũng cảm không được thực hiện thì cần duy trì và tăng cường “áp lực mang tính xây dựng” để tạo đà cho một cuộc đổi mới có ý nghĩa.
Người Việt trong và ngoài nước đang lo lắng và thường nổi giận với những gì họ xem là phản ứng không minh bạch và yếu của đất nước với những trò hề của Bắc Kinh. Đa số thấy rõ rằng các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam và cụ thể là Bộ Ngoại Giao cần có cách tiếp cận cởi mở và nhanh nhẹn hơn trong việc giao tiếp trên trường quốc tế và với quảng đại công chúng. Điểm cuối này đặc biệt quan trọng vì cho cho thế giới thấy một nước Việt Nam thống nhất nhờ duy trì trật tự và đoàn kết và ủng hộ rộng rãi của nhân dân tới các vị lãnh đạo có khả năng giao tiếp rõ ràng. Đoàn kết trong nước có tầm quan trọng mang ý nghĩa sống còn, nhưng tình đoàn kết không thể có được qua các giao tiếp chậm chạp, rối rắm và thậm thụt.
Tất nhiên là khó tưởng tượng hoàn cảnh khó khăn hơn mà lãnh đạo Việt Nam phải đối mặt như ngày hôm nay. Tuy nhiên, bài học cơ bản trong chính trị là anh không nên hay ít nhất là không tỏ ra, là quay lưng lại với nhân dân mình đại diện mà kỳ vọng họ hết lòng ủng hộ anh. Có lẽ chính các phản hồi chậm chạp và thậm thụt của Hà Nội mà nhiều người Việt Nam nghi rằng Đảng đặt sự tồn tại hay độc quyền chính trị của mình trên tất cả các ưu tiên khác. Tôi không dám chắc là vậy.
Page: 1 2
Leave a Comment