Quảng Cáo

Từ nhậu rượu bia đến ghiền rượu

Ngày nay phụ nữ nhậu tỉnh bơ! (hình từ internet)

Quảng Cáo

Báo cáo của Hiệp Hội Bia Rượu Nước Giải Khát Việt Nam (VBA) cho biết, năm 2015, sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia ở Việt Nam đạt 3,4 tỷ lít, tăng 10% so với năm trước và gần 41% so với 2010. Điều này cho thấy dân Việt càng ngày càng uống bia rượu càng nhiều. Theo con số trên, thì bình quân mỗi người Việt kể luôn cả đàn bà con nít, tiêu thụ 38 lít bia hàng năm, chưa kể số rượu không phải bia.

Thực thế, chỉ cần đảo qua một vòng Hà Nội hay Sài Gòn, người ta thấy các quán nhậu luôn đầy người, ngay cả ban ngày trong giờ làm việc. Nhiều người, ngay cả các công nhân viên chức nhà nước (?), cho rằng nhậu cũng là một cách để giao tiếp, kết nối cho nhu cầu công việc, làm ăn, nên cũng là nhu cầu công tác trong giờ làm việc!

Nếu trước đây các đám nhậu ở ngoài các quán bia ôm chỉ thấy toàn đàn ông, thì ngày nay hình ảnh các bà các cô ngồi uống bia rượu có khi trong bàn chỉ toàn phụ nữ với nhau không còn là hiện tượng hiếm thấy

Đại đa số những người nhậu hay uống rượu đều biết ít nhiều về các tai hại của rượu, nhưng hầu hết đều nghĩ rằng tai hại đó đến với ai khác chứ mình thì chưa đến nỗi bị như thế.   Thậm chí nhiều người cho rằng bia không phải là rượu mà chỉ là nước giải khát. Sự thật là tuy không nặng như rượu, bia cũng chính là rượu vì chứa trung bình khoảng 4,5% nồng độ cồn trong đó, so với khoảng 13% cồn trong rượu kèm bữa ăn (như rượu vang, rượu trắng) và khoảng 40-50% cồn trong rượu cay nhâu.

Câu hỏi đặt ra là thế nào là nhậu cho vui vô hại , thế nào là nhậu thành ghiền, mang đến nhiều tai hại cho bản thân, gia đình và xã hội? Trước khi có câu trả lời, chúng ta thử điểm qua một cách tóm lược những tác hại của bia rượu trước.

Ảnh hưởng của rượu trên cơ thể:

Đa số người thường không chuyên môn chỉ quen với tác hại cấp thời của rượu qua trạng thái say xỉn, và tác hại lâu dài của rượu trên gan làm cho gan xơ báng bụng vàng da.   Thực tế không chỉ có thế mà rượu, khi uống quá độ hay tới ghiền, có hại trên toàn bộ các cơ quan, chức năng trong cơ thể.

1- Hệ tâm trí thần kinh:

Cấp tính thì có hiện tượng say xỉn, nói lè nhè, mất đi khả năng tự kềm chế mình, dễ cãi cọ đánh lộn với người khác hay về nhà đánh đập vợ con, thả dê tán tỉnh bậy bạ, mất phản xạ nhậy bén, mất khả năng điều khiển cơ bắp nhịp nhàng khiến đi đứng lảo đảo, lái xe gây tai nạn tử vong.

Xỉn quá độ có thể mất đi một khoảng khắc trong trí nhớ hay thành điên loạn với các ảo giác và hoang tưởng.

Sau khi say xin rồi là giai đoạn sập cánh, thấy mỏi mệt, lừ đừ, ủ rũ, dễ bị trầm cảm. Rượu làm tăng nguy cơ tự tử khi vừa làm chán đời vừa làm mất khả năng tự kềm chế mình.

Uống rượu lâu dài đưa đến rối loạn các giây thần kinh ngoại biên làm tê dại chân tay. Chân mất giảm cảm giác đi đứng sẽ không vững dễ té.

Uống rượu lâu dài cũng làm teo não, và đưa đến sa sút trí tuệ.

Ghiền rượu rồi cai đột ngột dễ đưa đến co giật mê sảng có thể tử vong

Người uống rượu thường say té, dễ bị chấn thương sọ não, hay chẩy máu trong hộp sọ rỉ rả lâu ngày, hay bị nhiều lần làm máu bầm tích tụ trong sọ ép não đưa đến những dấu chứng thần kinh sọ não

2- Hệ tim mạch:

Rượu uống lâu ngày có thể ảnh hưởng đến tim đưa đến rối loạn nhịp tim, làm dãn và yếu đi cơ tim

Rượu cũng làm tăng huyết áp

Hai điều trên làm tăng nguy cơ bị tai biến mạch máu não

3- Hệ sinh dục:

Rượu làm tăng ham muốn tình dục nhưng làm giảm khả năng hành sự. Ở những bạn trai và gái khoẻ và trẻ, một chút xíu rượu giải phóng sự kềm nén, và làm cho bạn trai giữ được lâu hơn trước khi xuất tinh.   Nhưng khi quá chén (giới hạn tuỳ mỗi người, sức khoẻ, tuổi tác) thì miệng tuy tán tỉnh bạo hơn nhưng khi đụng trận thì trên bảo dưới không nghe, xuội lơ. Khi đã ghiền rượu rồi thì mất luôn cả ham muốn tình dục vì cả ngày chỉ thèm muốn tơ tưởng đến rượu.

Phụ nữ mang thai uống rượu dễ sinh ra con có nhiều dị tật và thiểu năng trí tuệ

4- Hệ tiêu hoá:

Trên gan: làm mỡ đóng nhiều trong gan, làm viêm gan, làm xơ cứng gan (mô gan chết luôn từng phần rồi toàn bộ nếu không ngừng uống), gây ung thư gan

Trên tuỵ tạng: làm viêm tuỵ tạng với triệu chứng đau bụng khủng khiếp

Trên bao tử : làm viêm loét bao tử và thực quản

5- Hệ miễn nhiễm bị suy yếu dễ sinh bệnh.

Người ghiền rượu dễ bị sưng nhiễm phổi và bị nhiễm lao hơn người thường. Và người ghiền rượu dễ bị ung thư miệng, ung thư cổ họng, ung thư thực quản, gan và ung thư vú hơn người thường.

6- Suy dinh dưỡng:

Người ghiền rượu thường thèm rượu hơn thèm ăn và quên đói, cộng với tác hại   trên hệ tiêu hoá của rượu. Nên dinh dưỡng bị suy giảm, làm thiếu các chất vitamin bổ cho thần kinh và máu, làm cho yếu người càng dễ sinh bệnh như đã kể ở trên

Thế nào là quá chén?

Say xỉn (HÌnh từ Internet)

Nhậu mà bắt đầu thấy ngà ngà, lâng lâng, nếu đứng dậy đi thấy chân mình nhè nhẹ khi chạm đất là quá chén rồi không cần phải đợi tới lúc ói mửa, hay giọng lè nhè hay muốn ngủ hay nói nhiều ồn ào hơn bình thường . Người khôn và biết làm chủ chính mình thì nên dừng lại ở đó chịu thua đầu hàng sớm thay vì chạy theo áp lực của bạn nhậu khích bác phải “dzô, dzô 100%”. Và nghỉ, uống cà phê, trà cho thải rượu ra, đợi một vài tiếng trước khi lái xe về nhà để tránh tai nạn cho mình và người khác vì say.

Thế nào là ghiền rượu

Đại đa số những người ghiền rượu thường chối rằng mình bị ghiền, ít nhất là lúc đầu, và họ thật sự tin như thế.

Đặc tính của ghiền là thứ nhất thèm rượu tới độ dành nhiều thời gian để tơ tưởng nghĩ về nó đến độ lơ là các sinh hoạt khác thường ngày trong nhà hay sở làm, thứ hai là với thời gian phải uống nhiều hơn trước mới đã hoặc đỡ khó chịu khi thiếu rượu.

Có hai hình thức ghiền: uống hằng ngày hay uống từng đợt cách nhau nhưng mỗi đợt đều uống quá độ.   Nhưng điểm chung là khi ghiền nặng rồi uống không còn để cho đã phê nữa mà là để cho cảm thấy bình thường trở lại vì nếu không bức rức khó chịu khổ sở vừa về thể xác lẫn tinh thần.

Có nhiều bảng khảo sát với những câu hỏi mà tuỳ theo câu trả lời của đối tượng người ta có thể đánh giá đối tượng có ghiền rượu hay không.

Bảng khảo sát CAGE với 4 câu hỏi đơn giản thường được dùng để truy tầm những trường hợp ghiền rượu:

  • Có bao giờ bạn đã thử cắt giảm độ uống rượu của mình không?
  • Có bao giờ bạn đã từng cảm thấy khó chịu khi có người nhận xét về chuyện bạn uống rượu?
  • Có bao giờ bạn thấy ân hận về việc uống rượu của mình không?
  • Có bao giờ bạn đã phải uống một chút rượu khi mở mắt thức dậy thì mới có thể hoạt động tốt trong ngày hôm đó không?

Nếu bạn trả lời có cho 2 trong 4 câu hỏi trên, thì nhiều phần bạn đã ghiền rượu rồi cần phải khảo sát kỹ hơn để điều trị

Nên biết rằng ghiền là bệnh có tính cách di truyền. Trong gia đình thân tộc, có người mắc bệnh ghiền (bất cứ thứ gì, rượu, ma tuý, v.v…), thì mình càng dễ bị ghiền hơn người thường, càng phải cẩn thận hơn khi gần rượu và các chất gây nghiện.

Đã ghiền rồi thì làm sao dứt?

Ghiền bất cứ thư gì từ thuốc lá, rượu, xì ke, ma tuý, bài bạc, gái gú cũng đều là bệnh khó chữa. Thường dứt được một thời gian rồi lại sa ngã vào vòng nghiện ngập, khiến có tay ghiền hay nói đùa: cai nghiện là việc làm dễ ẹc bằng cớ là tui đã làm, cai cả chục lần rồi, có thấy gì khác đâu!

Bởi khi ghiền là bạn đã trở thành nô lệ của món ghiền, ở đây là rượu. Để giải phóng mình khỏi vòng nô lệ đòi hỏi ý chí rất cao và sự trợ giúp tối đa của người thân và hệ thống hỗ trợ chung quanh. Bài này không đi vào chi tiết chuyên môn.

Nhưng bước đầu tiên căn bản để trị ghiền là chính mình phải tự thấy rằng mình đã bị nghiền, đã là nô lệ cho rượu và muốn dứt, muốn được giải phóng. Không chấp nhận điều này, cai nghiện trong tinh thần miễn cưỡng vì bi áp lực của toà, hay người thân thì hầu hết đều thất bại.

Mình phải thực sự muốn cai thì mới nói tới gặp người hay cơ quan chuyên môn để cai, để có thể khai dụng được tốt các phương pháp trị ghiền từ châm cứu, dùng thuốc giúp cai, dưỡng sinh, tâm lý trị liệu, trị liệu nhóm, v.v…

Tốt nhất là phòng bệnh hơn chữa bệnh, biết dừng đúng lúc, tránh voi chẳng xấu mặt nào.

BS Đặng Vũ Chấn

 

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux