HÀ NỘI (CTM Media) – Hôm 16 tháng Ba 2016, trong cuộc tiếp xúc với thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội, Bà Christine Lagarde, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tuyên bố, IMF muốn thúc đẩy hợp tác và giúp đỡ Việt Nam đạt các mục tiêu phát triển.
Theo Bà Lagarde thì Việt Nam cần cải thiện hơn nữa năng suất lao động và tính cạnh tranh của các công ty để toàn bộ nền kinh tế có thêm không gian tăng trưởng.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng nói, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trung bình 7%/năm trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ tăng tốc cải cách, cải thiện quản trị và thúc đẩy mạnh mẽ dân chủ bên cạnh các nỗ lực khác.
Tuy nhiên cơ chế độc tài đảng trị là căn nguyên kìm hãm sự phát triển của VN vì vậy cách nói cho có nói của ông Dũng và lãnh đạo CSVN người ta nghe nhiều lần nhưng kết quả thì chẳng đi đến.
Trong dịp đến VN lần này, bà Lagarde còn có buổi nói chuyện trước các sinh viên và giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Bà nói kinh tế của Việt Nam đã chậm lại kể từ năm 2008 so với 2 thập kỷ trước, đồng nghĩa với việc Việt Nam không theo kịp mức tăng thu nhập bình quân đầu người mà những nước thành công nhất ở Đông Á đạt được khi có cùng trình độ phát triển. Vì vậy, nếu không có một cú hích mạnh từ cải cách, Việt Nam sẽ cực kỳ khó theo kịp.
Gợi ý về các yếu tố mới mà Việt Nam cần, bà Lagarde nói:
Thứ nhất là “bảo vệ ổn định kinh tế vĩ mô”, trong đó có việc áp dụng tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn nữa để giảm những tác động từ bên ngoài và giúp củng cố dự trữ ngoại tệ, và tạo ra cơ chế chính sách tiền tệ mới cho một nền kinh tế ngày càng phát triển phức tạp hơn.
Thứ hai, tạo nguồn thu cao hơn cho chính phủ. Để làm điều này, bà nêu ví dụ có thể giảm các khoản miễn thuế và áp dụng thuế tài sản. Các biện pháp này sẽ giảm nợ công đang ở mức 60% GDP hiện nay. Ngân sách nhà nước cần có nhiều tiền hơn để đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng cơ sở thiết yếu đồng thời bảo vệ các khoản chi cho giáo dục và y tế, bà nói.
Về yếu tố thứ ba, bà Lagarde nêu ý kiến cần “đẩy mạnh cải cách ngân hàng bằng cách xử lý đầy đủ ‘di sản’ nợ xấu”, kết hợp với tăng cường vốn ở các ngân hàng vận hành tốt. Bà cho rằng bằng cách củng cố hoạt động lành mạnh của ngành ngân hàng, các nhà hoạch định chính sách có thể hỗ trợ tăng trưởng tín dụng chất lượng cao hơn, dẫn đến tăng trưởng kinh tế an toàn và bền vững hơn về trung hạn.
Leave a Comment