Bên đảng thì vục mặt vào họp hành triền miên cho vấn đề nhân sự. Bên chính phủ thì chỉ thấy họp hành cho các dự án đắp đê ngăn mặn. Hết năm này đến năm khác đều xài hàng ngàn tỷ đồng cho chương trình đê chống mặn, nhưng rốt cuộc người dân cũng vẫn phải ngửa cổ lên trời mà khóc vì hạn hán và nhiễm mặn.
Về vấn đề hạn và nhiễm mặn của Đồng bằng sông Mekong, nó là một phương trình tổng quát như sau: Hạn + Nhiễm mặn = Nước biển dâng + Thời tiết (hạn hán) + Các đập thủy điện (của China và sắp tới là của Lào, Thái Lan, Campuchia) + Sự yếu kém của Việt Nam (về khoa học trong công tác quản lý và trồng rừng và bảo vệ môi trường của các viện trường, về qui hoạch và phát triển kinh tế của chính quyền Hà nội, và sự phát triển kinh tế tự phát phá nát môi sinh của chính người dân).
Nước biển dâng và thời tiết
Ảnh hưởng của mực nước biển dâng do Biến đổi Khí hậu (BĐKH), là từ từ, tăng dần và yếu tố thời tiết gây hiện tượng hạn và nhiễm mặn nặng (cục bộ về thời gian) như năm nay là 2 yếu tố liên quan đến thiên tai, và đều là những yếu tố bất khả kháng với những chính thể yếu kém (các chính sách chỉ khai thác tài nguyên bất chấp môi trường), nền kinh tế, sau khi các quả đấm thép Vinaline, Vinashine… của ông thủ tướng đương nhiệm chìm nghỉm cuốn theo hàng ngàn tỷ đô la vay mượn quốc tế, “cả nước đành quay ra buôn bán vỉa hè” như Việt Nam hiện nay.
Các đập thủy điện
Yếu tố do các đập thủy điện trên phía thượng nguồn, chắc chắn là có nhưng nó không phải là yếu tố quyết định duy nhất. Từ những năm đầu thập kỷ 2000s các đập China đi vào hoạt động, năm nào thì họ cũng tích nước và xả, tất nhiên năm hạn hán, họ sẽ tích nhiều hơn xả. Việc hạn hán nặng như năm nay phần nhiều là do thời tiết, mùa mưa năm trước rất ngăn, lượng mưa hầu như khắp nơi trong lưu vực đều rất thấp, ảnh hưởng của các đập thủy điện China chỉ đóng vai trò cộng dồn/ lũy kế (accumulation) làm cho hiện tượng hạn, và nhiễm mặn trở nên nặng nề hơn.
Cứ nhìn lại năm 1998, năm mà các đập của China chưa hoạt động thì hạn hán và nhiễm mặn cũng rất nặng nề. Việc phản ứng của các nhà khoa học về vấn đề các đập thủy điện của China là chính đáng, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó và cứ bo bo cho rằng đó là nguyên nhân chính thì cũng chẳng khác việc làm màu của ông thủ tướng thất thế Nguyễn Tấn Dũng phút cuối “mở nửa miệng” “đề nghị” China xả nước. “Đề nghị” đấy nhưng China chấp nhận đề nghị đó hay không là thái độ của họ. Ở cấp độ quốc gia về vấn đề chủ quyền biển đảo, đến quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa kia, mất trắng thế mà chính quyền Hà Nội cũng chỉ có các cái loa rè ở Bộ ngoại giao như Nguyễn Phương Nga, Lê Hải Bình phát trong xó nhà, hàng loạt các dự án khai thác tài nguyên giao cho China, thì Mekong đã là cái gì để cái chính thể này họ thực tâm làm?
Việc các nhà khoa học đổ hết gánh nặng lên kênh đối thoại của Mekong Vietnam thông qua Ủy hội Sông Mekong (MRC), mà không cung cấp cho họ những số liệu khoa học (scientific indcations) là việc thoái thác trách nhiệm và đá bóng hèn mạt của giới khoa học. Việc các nhà khoa học đăng đàn thành làn sóng phản biện Báo cáo Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mêkông (MDS*) nào là dùng mô hình giống như trò chơi thực tập, nào là số liệu cũ, nào là chỉ mới tính toán số liệu các loại cá trắng mà ko thấy tính số liệu cá đen… Nhưng thật sự xấu hổ khi chỉ cần nhẹ nhàng đặt lại vài câu hỏi: Thế vậy thế giới có cần phát triển ứng dụng các mô hình mô phỏng? Thế nào là số liệu cũ? Tại sao chỉ tính toán sản lượng cá trắng?
Nhưng thử hỏi những cái số liệu của các Viện nghiên cứu – Trường Đại học ở Việt Nam ngốn hàng tỷ đồng tiền thuế đấy, cũng dưới trướng của những nhà phản biện này đấy có sử dụng được không?
Đơn giản, 8 Viện-Trường ở phía Nam tham gia chương trình quan trắc chất lượng nước đấy, thế mà chỉ có 1 thông số độ mặn, nhóm chuyên gia MDS cũng chỉ nhặt được có 2 năm 2008 và 2010. Không thể nói MDS là hoàn hảo, nhưng đến thời điểm này, nó là tài liệu quan trọng cung cấp những số liệu khoa học có giá trị bổ trợ (support) cho việc tham vấn thông qua kênh MRC cũng như cơ sở khoa học củng cố tính pháp lý để khởi kiện các công trình đập thượng nguồn. Việc các nhà khoa học không nhìn nhận những giá trị của MDS cho thấy khả năng đọc và hiểu báo cáo khoa học, việc họ dùng hiện tượng hạn hán năm nay để cho rắng kết quả mô hình là không tin cậy, cố tình lật úp các giá trị của MDS không những thể hiện khả năng tiếp cận và phân tích một vấn đề, mà nó còn làm “vỡ trận” trong cộng đồng trí thức về lĩnh vực này, và bước cản đối với việc dùng MDS để hỗ trợ tính pháp lý cho quyền lợi của Việt Nam. Rào cản chính trong tiến trình phát triển KHCN của VIỆT NAM chính là những nhóm người chuyên quyền và độc quyền này. Nó đè bẹp giới trí thức trẻ dưới quyền và làm nản lòng những nhà khoa học khác.
Việc nhóm Vietecology ở Hoa Kỳ kêu gọi một cuộc vận động nhằm vào vấn đề này là đáng khuyến khích, nhưng theo tôi, chúng ta không thể giậm chân tại chỗ và rập khuôn hay làm màu kiểu như tôi vừa đề cập.
Yếu kém của chính thể Việt Nam
Theo tôi là yếu tố chính.
Nếu nhìn trên Google Earth chúng ta cũng sẽ rất tâm đắc với những bài phát biểu, báo cáo của bất cứ ông bà nào của cái chính thể này: về việc trồng rừng và phủ xanh đồi trọc, chương trình trồng rừng thành công rực rỡ này nọ. Nhưng xắn quần lội bùn đến quá đầu gối sẽ thấy ở dọc bờ biển của Mekong Delta: các cánh rừng đước được trồng dày đặc, thân cây chỉ bằng bắp tay, cây chen chúc mọc thẳng, và không còn không gian để phát triển tán, những trận gió lốc thường cuốn băng lớp tán lá lều khều yếu ớt đó. Còn khu rừng trồng cây bần và cây mắm, thì cũng vẫn nguyên tắc “lâm nghiệp kinh điển: khoảng cách 2 x 2”, với cánh rừng đơn loài (monospecies) này, mặc dù các rễ bần mọc ngược lên trên không khí, cũng không thể có tác dụng lưu trữ trầm tích như rừng đa dạng sinh học và nhiều tầng. Thành phần hạt của cát tại hai nơi rừng trồng mono-species và rừng tự nhiên nhiều loài là rất khác biệt.
Hiện GIZ (German Society for International Cooperation / Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức) cũng đang thúc đẩy một nghiên cứu bằng cách trồng cấy các loại cây con của các loài khác nhau vào gần và dưới tán lá của các cây cao, theo cơ chế giả/ bắt chước (mimic) sinh thái học, để giúp các viện lâm nghiệp của VIỆT NAM thay đổi và áp dụng việc trồng rừng cho mục đích bảo vệ bờ biển hiệu quả. Vấn đề là, tính kế thừa của nghiên cứu này có hiện hữu hay không, hay quan chức các Viện cũng còn đang mải mê trên những cung đường “tìm kiếm ghế” và bảo toàn quyền và tiền kia?
Việc quan trắc chất lượng nước
Đặc biệt độ mặn phải thật sự chuẩn hóa, để số liệu và kết quả thuyết phục. Số liệu quan trắc chất lượng nước (water quality) của MRC vùng châu thổ (Delta) thuộc VIỆT NAM, giá trị của thông số DO thì rất thấp, BOD thì rất cao. MRC đã thiết kế chung 1 phương pháp cho cả hệ thống Mekông, vùng thượng nguồn nước ngọt sẽ không bị vấn đề gì cả, nhưng vùng Delta của Việt Nam thì rất khác, hai thông số này bị ảnh hưởng rất nhiều bởi độ mặn.
Nhưng thay vì phải nâng cấp phương pháp và hiệu chỉnh trọng số cho vùng nhiễm mặn so với vùng nước ngọt, thì chính các Viện-Trường thực hiện của Việt Nam luôn cho rằng DO và BOD như thế là do ô nhiễm do lối sống (living style, ăn ở trên thuyền, và thải trực tiếp xuống sông) và mật độ dân số cao (high population density)…
Cảm giác như Việt Nam tự đầu hàng và chấp nhận. Do trình độ hay do tắc trách?
Hồi còn làm cho MRC, khi số liệu quan trắc của Việt Nam gửi sang, tôi thấy nhiều giá trị của các thông số được ghi là 0 (zero), tôi có nói bạn cấp dưới của tôi là liên lạc với Viện đó để xác nhận giá trị 0 này. Vòng vo một hồi vẫn nhận được câu trả lời là giá trị đúng như thế. Cuối cùng tôi nói bạn ấy là về Việt Nam đến Phòng Lab tìm hiểu, mới té ngửa là cứ những giá trị nào mà máy đo cho con số thập phân, hoặc âm là nhân viên ở Viện ghi là 0. Trong khi đó, những giá trị này là thể hiện thông số của máy đo, và bắt buộc phải ghi chính xác con số hiện trên máy. Nhưng đáng tiếc là khi tôi đưa những vấn đề này ra, đã bị một loạt nhân viên của Viện này, cho là đồ nhãi ranh, và thậm chí nhảy vào email cá nhân của tôi chửi rủa. Cái văn hóa bạc nhược này được phôi thai từ chính thượng tầng chính phủ mà chúng ta thấy rõ nhất là cái đại hội “đoảng” 12 vừa rồi.
Sự yếu kém của Việt Nam về chính sách phát triển kinh tế và dân sinh
Ở các chế độ đặc thù cộng sản, luôn có một cái rất là kêu, đó là kế hoạch phát triển KTXH định kỳ 5 năm “đẹp như mơ”. Thật là xấu hổ khi hàng loạt quan chức cũng như các nhà khoa học làm quan hùng hổ trình bày kiểu, năm 2015 sản xuất được xxx tấn lúa, thu ngoại tệ xuất khẩu lúa gạo là yyy tỷ đồng Việt Nam, vậy thì kế hoạch 5 năm, đến năm 2020 sẽ phải đạt xxx + aaa, hoặc xuất khẩu là yyy + bbb, trong khi đó quỹ đất nông nghiệp thì chỉ có giảm, năng suất lúa thì đã kịch trần. Hãy nhìn vào con số thống kê nhẩy bập bùng lên xuống theo sự kiện họp hành ở Ba Đình, sẽ thấy được bản chất của những cái kế hoạch kia.
BĐKH là thế, Việt Nam nằm vào nhóm đầu những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng thử hỏi, chính phủ và bộ NN&PTNT đã đưa ra được một kế hoạch, hay chiến lược nào về phát triển kinh tế, dân sinh thay thế chưa? Bên đảng thì vục mặt vào họp hành triền miên cho vấn đề nhân sự. Bên chính phủ thì chỉ thấy họp hành cho các dự án đắp đê ngăn mặn. Hết năm này đến năm khác đều xài hàng ngàn tỷ đồng cho chương trình đê chống mặn, nhưng rốt cuộc người dân cũng vẫn phải ngửa cổ lên trời mà khóc vì hạn hán và nhiễm mặn, và cuộc sống của họ cũng vẫn nổi trôi theo sự hà khắc của thời tiết. Đó chính là quan điểm của GS Võ Tòng Xuân.
Về sự phát triển tự phát, phá nát môi sinh của chính người dân và các chính quyền địa phương
Việc chính quyền địa phương giao đất cho hàng loạt các cá nhân, hàng chục ngàn héc-ta đất ven biển để đầu tư nuôi tôm những năm của thập kỷ 1990s và 2000s; việc chủ đầu tư thoải mái phá những vành đai rừng ngập mạn tự nhiên, xẻ đất đào kênh mương dẫn nước biển sâu vào trong nội địa để nuôi tôm, là một trong những nguyên nhân đẩy nhanh tiến trình và phủ rộng vùng nhiễm mặn và làm chìm dần vùng đới bờ của châu thổ Mekong do mực nước biển dâng.
Một số cá nhân cho rằng quan điểm của GS. Võ Tòng Xuân là không logic, vì nếu cho phát triển nuôi trồng thủy sản thay thế trồng lúa, thì càng đẩy nhanh tiến trình nhiễm mặn. Thực tế, với một chế độ cộng sản độc tài chuyên chế hiện nay, chính thể này, với một nền kinh tế nợ công đầm đìa này, liệu Việt Nam có thể chiến thắng các nước thượng nguồn về tranh chấp tài nguyên nước? Có đủ nội lực kinh tế cho các dự án chống mặn như kiểu Hà Lan? Câu trả lời là hầu như Zero. Tuy nhiên, chuyển đổi sinh kế cho người dân không có nghĩa là cho phát triển ồ ạt, mà bắt buộc phải dựa trên hàng loạt các chỉ số đánh giá tiềm năng, hậu quả với một bản quy hoạch thực sự.
Tôi hy vọng nhóm Vietecology ở Mỹ sẽ kết nối các chuyên gia có tâm và tầm trong và ngoài nước tạo thành một diễn đàn mà ở đó các phản biện và đóng góp sẽ được cọ xát và đối trọng với những phản biện kiểu hỏa mù, giải cứu “vỡ trận” ngay từ chính nhóm người Việt đã; có thế mới có thể “nhảy” ra ngoài được. Và cũng sẽ tạo ra một hành lang lành mạnh trong phản biện, có thế mới thu hút được các ý kiến phản biện cũng như sự đóng góp thiết thực.
(*) Báo cáo MDS là dự án cấp quốc gia trị giá 4,3 triệu đô la Mỹ do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban Sông Mêkông Việt Nam chủ trì, thuê hai đơn vị tư vấn DHI (Đan Mạch) và HDR (Mỹ) thực hiện.
Leave a Comment