Quảng Cáo

Vũ khí nước của Trung Quốc và việc giải lời nguyền sông MeKong

Khô hạn ở An Giang - Ảnh: Công Hân

Quảng Cáo

Vũ khí nước của Trung Quốc đã thành hình và lời nguyền sông Mekong đối với Việt Nam cũng đã thành hiện thực. Không thể giao phó số mệnh quốc gia cho lòng thương hại của đối phương, Việt Nam cần và hoàn toàn có thể ứng phó được với thực trạng này bằng chính các giải pháp từ bên trong của chính mình. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn nằm trong các nỗ lực của chính quyền…

Tháng 3/2016 trong lúc tình hình ngày một nóng trên biển Đông thì tình trạng khô hạn tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long khiến người Việt Nam choáng váng. Vùng đất trù phú và là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, đóng góp chủ yếu vào thành tích xuất khẩu gạo từ 7 – 8 tr tấn một năm này đang trong tình trạng khô hạn và nhiễm mặn nặng do thiếu nước ngọt. Nguyên nhân trực tiếp do sự suy giảm dòng chảy trên sông MeKong.

Sông Mekong là một trong mười con sông lớn nhất thế giới, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng có chiều dài hơn 4.800 km, diện tích lưu vực 795.000 km2, lưu lượng dòng chảy trung bình hàng năm khoảng 15.000 m3/s và tổng lượng dòng chảy hàng năm 475 tỷ m3 tại châu thổ, chảy qua lãnh thổ của 6 quốc gia là Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất của bất cứ thay đổi dòng chảy nào trên sông MeKong, Việt Nam còn đồng thời chịu tác động kép của tình trạng môi sinh toàn cầu, cụ thể là tình trạng nóng lên của trái đất và nước biển dâng. Điều đó khiến toàn bộ vùng hạ lưu sông Mekong ở Việt Nam sẽ có những biến động thay đổi tuyệt đối về môi sinh trong khoảng một thập kỷ tới. Tình trạng chung là thiếu nước trên lưu vực sông, tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán sẽ ngày càng gia tăng và đó là một xu thế không thể đảo ngược.

Ủy hội sông Mekong (tiền thân là Ủy ban sông Mekong 1957) đã được thành lập từ năm 1995 với sự tham gia của 4 nước tại lưu vực sông, gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia. Dù là nước kiểm soát dòng chảy trực tiếp tại phần thượng nguồn sông Mekong, nhưng Trung Quốc từ chối tham gia hiệp hội. Trung Quốc cũng là nước xây dựng những đập thủy điện lớn đầu tiên trên dòng chính của sông Mekong, cũng là nước đang lên kế hoạch và đầu tư xây nhiều đập thủy điện nhất để kiểm soát con sông này. Tính đến nay TQ đã hoàn thành ít nhất 8 đập chính trên sông Lan Thương (dòng chính tại thượng nguồn sông Mekong) và đang xây tối thiểu thêm 4 đập nữa. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư chủ yếu đứng sau xây dựng các đập thủy điện tại dòng chính hạ lưu sông Mekong ở Lào và Campuchia (Việt Nam và Thái Lan cũng đóng góp vào quá trình xây dựng các đập này). Ủy hội sông Mekong đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu khoa học và đưa ra nhiều cảnh báo để hạn chế và tạm dừng quá trình xây các đập trên sông Mekong để đảm bảo sự phát triển bền vững của tất cả các nước mà con sông chảy qua. Theo tính toán của Ủy hội này, lợi ích thu được từ việc phát triển thủy điện nhỏ hơn rất nhiều so với các tổn thất mà nó gây ra, cụ thể về biến đổi môi trường, thiệt hại nghề cá, thiệt hại nông nghiệp, sự tuyệt chủng của nhiều loại động thực vật… Tuy nhiên, sự cảnh báo và các kiến nghị của Ủy hội sông Mekong bị vô hiệu hóa hoàn toàn với lập luận của Trung Quốc: “Trung Quốc có toàn quyền xây dựng bất cứ thứ gì trên sông Mekong ở phần lãnh thổ của nước mình”. Thái độ vô trách nhiệm hoàn toàn này của TQ đã vô hiệu hóa hoàn toàn các nỗ lực bảo vệ việc khai thác bền vững dòng sông quốc tế. Bị thúc đẩy và nêu gương bởi lối tư duy ích kỷ của TQ, tất cả các nước tại hạ lưu sông Mekong gồm Lào, Thái Lan và Campuchia đều lên kế hoạch xây dựng những đập thủy điện cực lớn trên dòng chính con sông. Và Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình này với vai trò là nhà đầu tư cung cấp vốn chính yếu.

Phân bố các dự án thủy điện trên sông Mekong

Các đập thủy điện sẽ biến khoảng 55% độ dài sông ở hạ lưu thành những hồ chứa nước và làm biến đổi dòng chảy, từ đó thay đổi bản chất tự nhiên cũng như môi trường sinh thái của dòng sông. Vấn đề đáng nói ở đây là trong 12 thủy điện trên dòng chính sông Mekong (không tính dòng nhánh) sắp được xây dựng thì lại không có thủy điện nào ở Việt Nam, trong khi tổn thất mà quốc gia nằm cuối hạ nguồn như Việt Nam phải gánh chịu là lớn nhất. Có thể nói bằng chính sách và các hành động trên thực tế của mình, Trung Quốc đã rất thành công trong việc loại bỏ hoàn toàn vai trò của Ủy hội sông Mekong và biến việc kiểm soát nguồn nước tại con sông quốc tế này thành một thứ vũ khí rất lợi hại. Tất nhiên, đích nhắm chủ yếu của nó là quốc gia nằm ở hạ nguồn, nơi con sông chảy ra biển, chịu thiệt hại lớn nhất, và đó chính là Việt Nam.

Không phải đến bây giờ Việt Nam mới nhận thức được tính nguy cấp của tình hình. Việt Nam từng nỗ lực nhiều lần để trì hoãn tiến độ xây đập Xayaburi tại Lào và khuyến cáo các nước Thái Lan, Campuchia cùng phối hợp để khai thác dòng sông bền vững. Tuy nhiên bài toán kinh tế được mất của các quốc gia này không giống Việt Nam. Và họ không thể ngồi yên hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để duy trì tính bền vững của con sông khi Trung Quốc đã phá hoại nó có hệ thống trên thượng nguồn. Trong mọi tình huống, Việt Nam phải chấp nhận thực tế rằng nguồn nước chảy về Việt Nam trên lưu vực sông Mekong sẽ ngày càng giảm trong mùa khô hạn.

Dữ liệu thủy văn năm 2010, lượng nước chảy qua Châu Đốc thấp nhất trong 85 năm qua

Nguồn nước suy giảm trên sông Mekong, tình trạng xâm nhập mặn tăng nhanh và nguy cơ nước biển dâng đang là những đe dọa sống còn đến vùng đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam, thực sự đây đã là một lời nguyền sông Mekong đối với vựa lúa lớn nhất của Việt Nam. Và ngày 10/03/2016, trước tình trạng khô hạn trên diện rộng ở miền Tây, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng buộc phải gửi công hàm cho Trung Quốc để đề nghị TQ xả đập thượng nguồn giúp cải thiện tình hình. Trái với thái độ hung hăng tại biển Đông, TQ hỷ hả nhận lời. Liệu có phải TQ tự nhiên tốt đột xuất với Việt Nam như vậy chăng? Hoàn toàn không, Trung Quốc đang rất vui và muốn công bố với thế giới và người Việt Nam rằng, vũ khí nguồn nước sông Mekong của Trung Quốc với Việt Nam đã thành hiện thực trên thực tế.

Nó giống như một lời nguyền ám ảnh dai dẳng. Vậy đâu là lời giải cho lời nguyền không thể tránh khỏi này???

Nhiều chuyên gia của Hà Lan khi sang nghiên cứu tình trạng ngập mặn tăng nhanh và tính toán ảnh hưởng của nước biển dâng, đã đưa ra dự toán cần tới trên dưới 50 tỷ USD và nhiều thập niên để Việt Nam xây dựng các con đập tại các cửa sông nếu muốn kiểm soát tình trạng xâm nhập mặn do dòng chảy suy thoái và tình trạng nóng lên của trái đất (Hà Lan, nước có phần lớn lãnh thổ nằm dưới mực nước biển là nước có kinh nghiệm nhất trong việc xây dựng các con đê lấn biển và đập kiểm soát dòng chảy tại cửa biển). Rõ ràng điều này là không tưởng, vì Việt Nam không đào đâu ra ngần ấy tiền và phương án xây dựng các đập kiểm soát dòng chảy cửa sông với một địa hình phức tạp như Việt Nam hiện không có lời giải trên thực tế. Cũng không thể trông đợi gì vào việc Trung Quốc tự nhiên bột phát thiện tâm, dỡ bỏ các đập thượng nguồn và tự nguyện tham gia Ủy hội Sông Mekong để phát triển môi trường bền vững.

Cần có một tư duy khác trong việc phát triển và khai thác đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam. Việt Nam trước hết phải xây dựng các chiến lược và kế hoạch dựa vào chính mình, chứ không thể để lệ thuộc vào các nước khác. Trong những ngày khô hạn kỷ lục ở miền Tây, có một bức thư rất gây chú ý của Giáo sư Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nghiên cứu nông nghiệp gắn bó nhiều năm với hạ lưu sông Mekong, nguyên văn:

“Xin đừng quá bi quan trước hiện tượng lúa bị chết mặn như báo chí đã loan tin. Họ không loan tin về các nông dân nhờ có nước mặn mà nuôi tôm rất thành công (giá trị gấp 3-4 lần lúa), và họ không hề lên tiến dùm những nông dân nuôi tôm bị chết vì thiếu nước mặn do địa phương ngăn mặn để cứu lúa, nhưng lúa không đủ nước ngọt nên lúa cũng thiệt hại theo tôm.

Đây là lỗi của Bộ Nông nghiệp và chánh quyền các tỉnh có bờ biển tiếp giáp, chỉ biết trồng lúa-lúa-lúa bất chấp thiên nhiên không cho phép, họ tốn hàng chục ngàn tỉ đồng để làm ngọt hóa bán đảo Cà Mau, nhưng kết quả là nước ngọt vẫn không đủ cho ngọt hóa. Chỉ mấy ông làm thủy lợi mới hưởng lợi vì có ximăng, sắt thép, bê tông để xơi.

Chúng ta đều thấy rằng thời kỳ cả nước ai ai cũng lo cho an ninh lương thực đã qua rồi vì nay ta sản xuất dư thừa để xuất khẩu 7-8 triệu tấn/năm với giá bèo như vậy. Nông dân trồng lúa của ta đã 40 năm rồi mà vẫn là những người nghèo, họ bị hô hào phải trồng lúa thật nhiều (để cho người ta được thăng quan tiến chức). Đã đến lúc cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương và các phương tiện truyền thông do Ban Tuyên Giáo chỉ đạo phải đổi mới tư duy làm kinh tế, chọn lựa hướng sản xuất và tìm đầu ra cho các hướng đó thế nào để có giá trị cao hơn mà không tiêu xài quá nhiều nước ngọt – tài nguyên thiên nhiên không tái tạo. Tư duy về nước mặn là kẻ thù, phải ngăn mặn, không còn hợp thời này nữa. Phải coi nước mặn là bạn, giúp nông dân ven biển làm giàu với tôm, cua… một cách bền vững hài hòa thiên nhiên. Những vùng theo hệ thống lúa-tôm của Sóc Trăng hiện nay được giàu có nhờ trồng lúa rất thành công trong mùa mưa và sau khi dứt mưa thì cũng vừa gặt lúa xong, liền cho nước mặn vào nuôi tôm. Đến mùa mưa tới, nông dân trở lại trồng lúa.

Chúng ta hãy thay đổi tư duy, không buộc nông dân trồng lúa quá nhiều để cho quan lên chức và nuôi dân các nước khác có ăn để họ làm giàu nhờ sản xuất các sản phẩm giá trị hơn lúa.

GS.TS Võ Tòng Xuân gửi trực tiếp qua e-mail Sài Gòn 8/3/2016

Prof. Dr. Vo-Tong Xuan Rector Emeritus, An Giang University Rector, Nam Can Tho University”

Ý kiến của giáo sư Võ Tòng Xuân rất gây chú ý, và có lẽ là một gợi mở tốt cho vấn đề. Nếu việc suy giảm dòng chảy trên sông Mekong là không thể thay đổi được, nếu tình trạng xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long là không thể chặn lại được, cũng giống như Việt Nam không thể làm gì để thay đổi thực trạng nước biển dâng trong tương lai, thì thay vì việc chặn dòng xâm nhập mặn, hãy tìm cách khai thông và sống chung với nó.

Dự tính sẽ có tới 10 tỉnh ở Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nặng do tác động chung của vấn đề, tương đương với 29.827 km2 (lưu ý rằng diện tích này gần xấp xỉ 10% diện tích lãnh thổ toàn Việt Nam), trong đó 38% diện tích đất sẽ bị ngập hoàn toàn. Mức tác động do đó vô cùng lớn. Và để thích ứng với tình hình, cần có những chiến lược quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn khác.

Thống kê các tỉnh chịu ảnh hưởng do biến động của tình hình

Có 3 giải pháp Việt Nam cần thực hiện ngay lập tức để đối phó với tình hình:

  1. Dành ngay một ngân khoản ngay lập tức cho việc nghiên cứu thống kê các vùng đất chịu tác động trực tiếp của xâm nhập mặn, không còn thích hợp với trồng lúa, đặc biệt là các vùng có khả năng ngập trong tương lai do nước biển dâng, để xây dựng lại quy hoạch về phân vùng phát triển nông nghiệp ở Việt Nam. Giữ lại những khu vực cho năng xuất cao đối với sản xuất lúa gạo, và phát triển đồng bộ các vùng này với các giống lúa có chất lương cao để tạo tương hiệu và nâng cao chuỗi giá trị cho người dân. Với các vùng ngập mặn, quy hoạch lại định hướng phát triển nông nghiệp để chuyển sang thủy hải sản.
  2. Nghiên cứu chi tiết các kế hoạch khai thông dòng chảy để dẫn nguồn nước biển vào sâu các vùng ngập mặn phục vụ cho quy hoạch nuôi tôm. Đồng thời nghiên cứu và xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt dẫn tới các vùng này thay thế cho nguồn nước mặt và nước ngầm, để đảm bảo duy trì đời sống của con người. Chắc chắn chi phí cho những dự án này sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với những dự án thủy lợi tốn kém nhiều chục nghìn tỷ từ trước đến nay ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
  3. Phối hợp việc xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản mới với sự phát triển của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy hải sản. Nghiên cứu kỹ yếu tố thị trường và làm tốt công tác dự báo, tránh việc chuyển đổi ồ ạt sang nuôi trồng thủy sản khiến nguồn cung tăng đột biến và không tháo gỡ được đầu ra. Chính phủ phải làm tốt vai trò của mình trong việc hỗ trợ và đào tạo kiến thức nuôi trồng cho người dân, bao gồm cả việc nghiên cứu và kiểm soát con giống, thức ăn, cảnh báo thị trường… để đảm bảo quá trình chuyển đổi là phù hợp và mang lại lợi ích bền vững cho người dân thay vì việc để họ bơ vơ tự bươn chải.

Kết luận:

Vũ khí nước của Trung Quốc đã thành hình và lời nguyền sông Mekong đối với Việt Nam cũng đã thành hiện thực. Không thể giao phó số mệnh quốc gia cho lòng thương hại của đối phương, Việt Nam cần và hoàn toàn có thể ứng phó được với thực trạng này bằng chính các giải pháp từ bên trong của chính mình. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn nằm trong các nỗ lực của chính quyền vì không người dân nào có thể tự phát làm quy hoạch. Các kế hoạch đầu tư khai thông dòng chảy dẫn nước biển và hệ thống cấp nước sinh hoat cho các vùng ngập mặn cũng chỉ có thể được thực hiện với vai trò nhà nước. Nếu nỗ lực tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể đối mặt với tình hình và biến thách thức thành cơ hội:

– Giá trị kinh tế của nuôi trồng thủy hải sản cao hơn nhiều so với nông nghiệp truyền thống;

– Việc suy giảm diện tích trồng lúa khiến giá trị các sản phẩm trên vùng trồng lúa còn lại sẽ cao hơn theo quy luật thị trường. Và chính việc suy giảm này sẽ làm tăng ý thức giúp người dân có ý thức khai thác các giống lúa có giá trị cao hơn, để sử dụng hiệu quả hơn phần diện tích lúa còn lại.

Tất cả những điều này sẽ giúp Việt Nam thích ứng bền vững với tình hình. Và điều quan trọng nhất là vẫn kiểm soát được vận mệnh quốc gia trong chính bàn tay mình chứ không phải đặt nó vào tay người khác.

Nguồn tham khảo:

https://www.internationalrivers.org/…

http://www.cepf.net/SiteCollectionD…

http://www.husc.edu.vn/khoadia/view…

http://www.vncold.vn/Web/Content.as…

http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-…

P/S Có một số comment giống nhau nêu sự băn khoăn về cùng một câu hỏi, đại loại chuyện gì xảy ra nếu Việt Nam quy hoạch nuôi thủy sản mà TQ xả nước ồ ạt tại các đập? Và một số băn khoăn khác về an ninh lương thực, về vấn đề loại tôm nuôi trồng liệu có sống được khi độ mặn tăng cao? Các câu hỏi này đã được trả lời nhưng vẫn tiếp tục có thêm những câu hỏi giống thế của những bạn đọc sau. Xin cập nhật phần trả lời lên đây để các bạn dễ theo dõi:

Việc TQ xả nước ồ ạt tại các đập do nó quản lý để phá vỡ quy hoạch nếu có của Việt Nam là điều nằm ngoài tầm với của TQ, vì toàn hệ thống sông Mekong hiện có tới 94 đập trên các dòng chính và dòng nhánh chảy qua nhiều nước khác nhau. TQ không thể thao túng hết được vì mỗi quốc gia đều sẽ sử dụng và điều hành đập phục vụ cho lợi ích của chính họ. Mỗi hệ thống đập có chu trình tích nước khác biệt phụ thuộc đặc điểm lưu vực và hồ chứa riêng, không thể có tình huống phối hợp xả đồng loạt trên toàn hệ thống đập. Có thể lấy ví dụ ngay từ hệ thống đập thủy điện Sơn La và Hòa Bình của Việt Nam. Ngay cả với hai hệ thống nằm cùng lưu vực và thuộc hoàn toàn sự điều phối của Việt Nam, cũng khó có thể xảy ra tình huống đồng thời xả đập ồ ạt. Ngoài ra, tình trạng nước biển dâng sẽ là không thể đảo ngược, việc này sẽ làm biến đổi tình hình bất kể tình trạng dòng chảy sông Mekong. Giải pháp bền vững nhất của Việt Nam quy hoạch cho vùng thủy hải sản, là xây dựng hệ thống kênh dẫn nước biển vào sâu các vùng quy hoạch. Điều đó sẽ giúp bảo đảm nguồn nước nuôi tôm. Tất nhiên, việc nghiên cứu và đánh giá tác động trong mùa lũ luôn phải xem xét kỹ. Và đó là việc của các nhà chuyên môn.

Với những lo ngại rất có lý về an ninh lương thực và về giống loại thủy sản nuôi trồng phù hợp khi độ mặn tăng cao. Những băn khoăn này là một bổ sung tốt để xem xét vấn đề kỹ càng hơn. Hãy xem bản đồ dưới đây về các vùng bị xâm nhập mặn và sẽ bị ngập nước mặn:

Diện tích đất bị xâm thực mặn và chịu ảnh hưởng ngập khi nước biển dâng

Với gần 30 nghìn km2 chịu ảnh hưởng, sẽ làm thay đổi rất nhiều tình hình chung tại đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên phần diện tích đất lúa còn lại vẫn rất lớn và đủ đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống. Diện tích làm nông nghiệp lúa ít đi đồng nghĩa với lượng nước ngọt cần trong thủy lợi sẽ giảm đi đáng kể. Việt Nam có thể chủ động xây dựng các đập chứa để tự chủ nguồn tưới cho phần còn lại này trong mùa hạn, hoàn toàn bằng nguồn lực của mình. Đất lúa ít đi khiến nó quý hơn, người dân do đó cũng sẽ căn cơ để trồng loại nào mang lại giá trị cao hơn. Điều đó tốt cho họ và cũng tốt cho chuỗi giá trị và thương hiệu nông nghiệp Việt nam. Về vấn đề vùng nuôi trồng thủy hải sản nước mặn, nếu lo ngại của các bạn rằng một số loại tôm sẽ chết ở độ mặn cao, vậy thì hãy để các nhà chuyên môn nghiên cứu xem loại con giống nào nuôi thích hợp nhất ở vùng đó, ví dụ tôm biển, cua, các loại cá nước mặn có giá trị xuất khẩu… Ngoài ra vẫn có thể trồng một số loại lúa chịu mặn xen kẽ với các chu kỳ nuôi hải sản trong năm, điều đó mang lại tính cân đối về mọi phương diện. Nói chung việc thích ứng với tình hình một cách chủ động là không thể trì hoãn. Còn việc đấu tranh với TQ qua các diễn đàn quốc tế, cứ làm thôi nhưng chắc rằng hiệu quả sẽ chẳng hơn gì những lời phản đối suông trên biển đông là mấy smile emoticon

L.A

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux