T rước giải thích của Cục Xuất bản về việc cuốn sách chưa được cấp phép, Thiếu Tướng Lê Mã Lương – chủ biên sách – bày tỏ: “Ý kiến của Cục xuất bản về việc lập Hội đồng lịch sử của Bộ quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân để thẩm định các chi tiết cuốn sách về Gạc Ma là một điều không tưởng.
Trong hai năm qua, sách Gạc Ma – Vòng tròn bất tử được đơn vị thực hiện bản thảo là công ty sách First News – Trí Việt gửi đến hơn 10 nhà xuất bản đều bị từ chối cấp phép. Ông Chu Văn Hòa – Cục trưởng Cục xuất bản, in và phát hành – cho biết bản thảo sách vẫn còn nhiều sự kiện, chi tiết chưa được thẩm định. Các Nhà xuất bản (NXB) muốn in cuốn này phải có hội đồng lịch sử thẩm định chuyên môn. Khi nhà xuất bản ra quyết định xuất bản, Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ có cơ sở để cấp xác nhận đăng ký đề tài sách.
Hiện First News vẫn tiếp tục tìm kiếm đơn vị xuất bản có thể liên kết thực hiện cuốn sách tri ân các liệt sĩ. “Chúng tôi xem đây là việc làm hết sức thiêng liêng và nghiêm túc. Chúng tôi sẽ đứng ra chịu trách nhiệm về nội dung sách. Nếu đơn vị xuất bản thẩm định, trao đổi về mặt nội dung, chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ, sẵn sàng biên tập nội dung khi có yêu cầu chính đáng, hy vọng sách sớm ra mắt bạn đọc”, ông Nguyễn Văn Phước – giám đốc công ty First News nói.
Trước những giải thích của Cục về việc cuốn sách chưa được cấp phép, Thiếu Tướng Lê Mã Lương – chủ biên sách – bày tỏ: “Ý kiến của Cục xuất bản về việc lập Hội đồng lịch sử của Bộ quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân để thẩm định các chi tiết cuốn sách về Gạc Ma là một điều không tưởng. Nếu như vậy, chờ vài chục năm nữa hội đồng đó cũng chưa ra đời và cuốn sách cũng không thể xuất bản. Tôi đã phục vụ và làm việc trong quân đội gần 50 năm và biết rất rõ ở Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân không có hội đồng thẩm định đó”.
Tướng Lê Mã Lương là tác giả của hơn 30 cuốn sách về đề tài chiến tranh. Theo ông, các nhà báo đóng góp bài viết cho cuốn sách Gạc Ma – Vòng tròn bất tử đã lặn lội đi gặp trực tiếp các gia đình liệt sĩ Gạc Ma và các chiến sĩ bị Trung Quốc bắt giữ thời đó để ghi lại sự việc. Theo người chủ biên, tất cả chi tiết và hình ảnh trong sách đều có trích nguồn, chính ông đã đọc và tìm hiểu rất kỹ về tính xác thực. Trong phần phụ lục có những bài phân tích Luật Biển quốc tế và chiến lược quân sự của những nhà học giả, khoa học nước ngoài, cùng những tấm ảnh chụp đảo Gạc Ma năm 2014 được Trung Quốc bồi đắp, xây dựng đường băng, căn cứ quân sự chụp từ vệ tinh của Kyodo (Nhật Bản) và Philippines. Các thông tin, hình ảnh này đã được công bố trên các tờ báo uy tín của họ.
Ông Lê Mã Lương chia sẻ: “Nếu ai từng gặp, tiếp xúc với các gia đình liệt sĩ Gạc Ma và các cựu binh Gạc Ma bị Trung Quốc bắt mới hiểu được suốt 28 năm qua, họ đã sống vất vả vì những mất mát không thể bù đắp. Nhưng nỗi đau đớn lớn nhất của họ không phải là tiền bạc, vật chất mà là sự lãng quên”.
Ngày 14/3/1988, khi các tàu vận tải cùng bộ đội Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao thì nhiều tàu chiến Trung Quốc ngang ngược lao đến dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-604 (đảo Gạc Ma), HQ-605 (đảo Len Đao) và HQ-505 (đảo Cô Lin). Quân Trung Quốc sau đó đổ bộ lên đảo Gạc Ma, nhổ cờ Việt Nam, nổ súng vào bộ đội.
64 chiến sĩ trên tàu HQ 604 đã hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt giữ đưa về Quảng Đông. Từ năm 1988 đến nay, Trung Quốc đã xâm chiếm Gạc Ma. Việt Nam bảo vệ được Cô Lin và Len Đao.
Theo VnE
Leave a Comment