Cuộc giằng co của những ngư dân ở biển Sầm Sơn với chính quyền tỉnh Thanh Hoá từ nhiều ngày qua đã bột phát thành sự kiện lớn, thu hút sự quan tâm của mọi nơi.
Từ cuối tháng 2, con số ngư dân và gia đình ở biển Sầm Sơn tập hợp lạingày càng đông, để phản đối dự án quy hoạch bờ biển làm du lịch đã lên đến đỉnh điểm vào ngày 5/3, khi người ta nghe tiếng súng nổ và có xô xát giữa hai bên. Bên phía ngư dân muốn giữ lại vùng đất để sinh tồn của họ, vốn đã có từ hàng trăm năm. Còn phía chính quyền thì quyết giải toả vùng ngư nghiệp này để thực hiện dự án xây dựng cho du lịch cao cấp, đã thoả thuận với tập đoàn FLC.
Câu chuyện của ngư dân Sầm Sơn không phải là mới mẻ trên thế giới. Theo tài liệu của tổ chức Inclusive Development International, mỗi năm có khoảng 15 triệu người bị bứng khỏi nơi sinh sống của họ để dọn đường cho những dự án gọi là “phát triển”. Đây là ngọn sóng thần chậm rãi và tàn nhẫn xua đuổi những dòng người chạy tán loạn muôn hướng, để thế vào đó những kế hoạch làm ra tiền cho một nhóm người nhưng luôn có bề mặt bóng bẩy là dành cho cộng đồng. Cuộc khủng hoảng thực tế – ảo đó đang lan tràn khắp nơi, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển, vốn đầy sơ hở về luật pháp và các quan chức hám lợi.
Trong nhiều ngày, hai luồng thông tin trong nước mô tả về sự kiện nóng có hàng trăm người xuống đường với tâm trạng phân vân: một bên là những thông cáo báo chí của Nhà nước và nhà đầu tư được viết lại một cách đanh thép, một bên là các bản tin xót xa của người làm báo khi chứng kiến cuộc đối thoại bị đổ vỡ, thay vào đó là dùi cui, nắm đấm, thậm chí là tiếng súng. Hình ảnh đó, dự báo cho một cuộc hỗn loạn im lặng, xói mòn tuyệt đối mối quan hệ giữa dân chúng và chính quyền, với tốc độ kinh khủng chưa từng thấy, dĩ nhiên đó là một tương lai không lấy gì làm tốt đẹp của cái gọi là “phát triển”.
Mặc dù các dự án như ở biển Sầm Sơn luôn được xoa dịu bằng những hình ảnh đầy hứa hẹn trong tương lai là các việc làm được chu cấp, cũng như cuộc sống sẽ được cải thiện. Tuy vậy, bất kỳ ai cũng có thể nhận thấy rằng sự tổn thương của giai cấp nghèo khó nhất của Việt Nam sẽ là một thảm trạng kéo dài không có hồi kết. Họ buộc phải chọn lựa để trở thành những lao động ngoài ý muốn phục vụ cho sự giàu có của những kẻ sở hữu tư liệu sản xuất ngoặc nhau với chính quyền địa phương, hoặc lìa bỏ quê hương của mình để mong chờ một cuộc đời khác không bị áp đặt. Người ta hay nói về bề mặt của phát triển và sự hưởng thụ như một thành đạt, nhưng rất nhiều tài liệu nghiên cứu trên thế giới cho thấy, nếu không có một giải pháp đủ văn minh, mọi thứ giống như bạn cố quét rác ở điểm A và dồn vào, bỏ mặc ở điểm B bên cạnh, mở cửa cho vô số loại lạm dụng, nhưng được vỗ tay và gọi đó là thành công.
David Pred (người lừng danh trên các diễn đàn vấn đề con người và phát triển) đã từng viết thư chỉ trích World Bank, về các dự án cho vay đối với các nước đang phát triển, lên đến 50 tỉ USD/năm, vốn giỏi tập trung mọi thứ nhưng bỏ quên con người. “Sự đổ vỡ của các gia đình nghèo là quá rõ. Người ta không thể nào nói là tốt khi phải rời khỏi nhà của mình cho ai đó lớn mạnh, giàu có hơn. Mọi tài liệu nghiên cứu đã chứng minh rõ rằng việc mất đi thu nhập, mất nhà cửa, tổn thương tâm lý cùng nhiều tác động khốn khó khác, chỉ là một vòng xoay dữ dội khác của đói nghèo nhưng được phủ hào quang lên đó”, năm 2014, thạc sĩ về quyền con người của trường đại học Essex và cử nhân khoa học chính trị và quan hệ quốc tế của trường đại học Florida, đã viết như vậy cho Jim Yong Kim, chủ tịch của World Bank. Ông David Pred cũng làm việc nhiều năm ở Campuchia nhằm cảmh báo tình trạng phát triển mang hình thái cường quyền hoang dã.
Đừng bao giờ quên, 50 triệu hay 70 triệu đồng cho một hộ ngư dân ở Sầm Sơn, để đánh đổi việc rời khỏi vĩnh viễn cuộc sống lâu đời của họ chôn nhau cắt rốn là thứ đổi chác đê tiện: không có số tiền nào bù đắp đủ, ngoại trừ kế hoạch phát triển đó nhìn thấy bộ mặt con người và tính tới việc chia sẻ không gian sống tương đối cho cả hai.
Sầm Sơn sẽ mãi mãi không bao giờ còn nguồn cá như niềm tự hào của một địa phương từ ngàn đời, nhưng được thay vào đó là khu resort và các bữa cá mua từ tàu Trung Quốc, rất thanh thản từ chủ đầu tư cũng như chính quyền. Năm 1980, rất nhiều ngân hàng quốc tế hào hứng với chiến dịch phát triển rầm rộ này nên đã đầu tư vào nhiều dự án lớn, tái định cư hàng chục ngàn người.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara sau khi rời khỏi chiến tranh Việt Nam, đã trở thành giám đốc của World Bank (từ năm 1968 – 1981) và vẫn chưa rũ bỏ được cảm giác quyền lực của mình nên đã tài trợ – cho vay việc di dời 70.000 người để làm đập thuỷ điện ở Brazil. Hôm nay người ta vẫn biết đến đập thuỷ điện đó nhưng ít ai nhắc đến một cộng đồng sinh sống bị huỷ diệt, đẩy vào khốn khó, bao gồm các bộ tộc thiểu số trong khu vực. Mỉa mai hơn, chính World Bank được ca ngợi như là những nhà hảo tâm giúp giảm thiểu đói nghèo ở khu vực.
Bài học đó cho thấy khi người ta chỉ chú mục vào sự phát triển, nhưng chỉ cho mình, và quên mất chung quanh. Trong những cuộc di dời ở vùng rừng núi Brazil cho dự án thuỷ điện Itaipu cũng có những vụ cưỡng chế, đánh đập, tiếng khóc và sự phẫn nộ không khác gì ở Sầm Sơn lúc này. Không cần phải cam kết gì với con người và môi trường sống cũng là một vấn nạn ở Việt Nam.
Những cuộc biểu tình chống lại các nhà máy, chủ đất… ngày càng nhiều trước tình trạng ứng xử tồi tệ với thiên nhiên và con người, hoặc lạm dụng trong sự cho phép của giới quan chức địa phương được chia sẻ quyền lợi. Khi ngư dân Sầm Sơn phản ứng mạnh mẽ, không phải vì tham những số tiền bồi thường như các bài báo vẫn viết, mà họ cảm thấy sợ hãi cho việc bị bứng khỏi gốc rễ của mình cùng với tương lai đói nghèo vô định.
Sự kiện ứng xử thô lậu và kém cỏi của tỉnh Thanh Hoá chỉ cho thấy thêm rằng quyền đối thoại của con người và con người đang bị dập tắt. Đất nước này không thể tràn ngập những dự án và bề nổi huy hoàng, còn nhân dân thì sống sót bằng bỏ nghề đi kiếm sống ở các khu công nghiệp, hoặc lang thang lưu vong ngay trên chính quê hương mình.
Leave a Comment