Trong một lá thư của Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia James Clapper gửi cho Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch của Ủy Ban Quân Đội của Thượng Viện Hoa Kỳ hồi Tháng Hai, 2016 đã đưa ra một đánh giá khái quát về các hoạt động bồi đắp đảo và khả năng quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông.
Lá thư này cho biết là đến cuối năm 2016 hay đầu năm 2017 thì Trung Quốc sẽ “có nhiều khả năng để biểu dương sức mạnh tấn công quân sự đối với trong vùng.” Thư cũng nói thêm là Trung Quốc sẽ tiếp tục xây cất và phát triển hạ tầng cơ sở trên các đảo chiếm đóng.
“Trung Quốc đã thiết lập các hạ tầng cần thiết để biểu dương tiềm lực quân sự tại Biển Đông vượt xa sức phòng thủ của các căn cứ tại đây. Tiềm lực này có thể bao gồm việc triển khai các chiến đấu cơ hiện đại, hỏa tiễn phòng không (SAMS), và hỏa tiễn phòng thủ bờ biển, cũng như gia tăng sự hiện diện của các lực lượng trên mặt nổi của Hải Quân Trung Quốc và các tàu tuần tra lớn của Cảnh Sát Biển Trung Quốc.”
Lá thư đánh giá là sân bay trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) đã đi vào hoạt động và có thể đón nhận tất cả các loại máy bay quân sự của Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã đặt các giàn rađa quân sự tại quần đảo Trường Sa, mặc dầu chưa có chứng cớ nào cho thấy có các giàn hoả tiễn SAMS trong vùng Trường Sa. Tuy nhiên các giàn hỏa tiễn di động của Trung Quốc có thể được triển khai ra trận địa và không đòi hỏi phải có nơi cố định chuẩn bị trước.
Giới tình báo Hoa Kỳ hiện chưa phát hiện ra được việc triển khai các khả năng quân sự tại Trường Sa, mặc dầu Trung Quốc đã bố trí sẵn hạ tầng cần thiết để đón nhận các thiết bị quân sự cao cấp trong tương lai, kể cả chiến đấu cơ hiện đại.
Lá thư cũng đề cập đến việc Trung Quốc bảo là không có ý định quân sự hóa Biển Đông:
Các hoạt động xây cất tiếp diễn và các tường thuật của báo chí cho thấy là Bắc Kinh xem việc thiết lập các khả năng “phòng thủ” tương tự như các quốc gia tranh chấp khác trong vùng đã làm là không phải “quân sự hóa”.
Về câu hỏi là Trung Quốc có tiếp tục đeo đuổi việc bồi đắp đảo trong vùng Biển Đông hay biển Đông Hải, lá thư viết rằng:
Tuy chúng tôi không có chứng cớ gì về việc Trung Quốc có kế hoạch bồi đắp thêm đảo trong vùng Trường Sa, vùng bãi đá của Đá Chữ Thập (Fiery Cross), Đá Vành Khăn (Mischief), Đá Xu Bi (Subi) đủ rộng để có thể bồi đắp được thêm hơn 1.000 mẫu. Chúng tôi đánh giá là phía dưới mặt nước của bốn bãi đá nhỏ hơn có thể hỗ trợ cho việc bồi đắp. Chúng tôi đánh giá là Trung Quốc sẽ không tiến hành việc bồi đắp đảo tại vùng biển Đông Hải.
Khi Hải Quân Hoa Kỳ đưa hạm đội hàng không mẫu hạm đến Biển Đông vào đầu tháng này, Trung Quốc lên tiếng phản ứng chỉ trích kịch liệt. Bộ trưởng Ngoại giao Wang Li tuyên bố, “Trung Quốc không thể bị dán nhãn là háo chiến nhất. Nhãn này thích hợp hơn cho những quốc gia khác. Biển Đông đã từng bị các thế lực thực dân xâm chiếm và chiếm đóng bất hợp pháp và bây giờ thì có kẻ tìm cách khuấy động, trong khi có người khác biểu dương sức mạnh.”
Hoàng Thuyên lược dịch
Theo The Diplomat – 10/3/2016
Leave a Comment