Nhằm tấn công và bêu rếu những người “tự ứng cử” vào Quốc hội khóa XIV hiện nay, cựu đại tá công an Nguyễn Như Phong, tổng biên tập tờ báo của ngành dầu khí Petrotimes, đã viết một bài lấy tựa đề “Quốc hội không phải phường chèo!”.
Sai lầm của Nguyễn Như Phong
Qua nội dung chính của bài báo này, Nguyễn Như Phong muốn bêu rếu nghệ sĩ hài Nguyễn Công Vượng đã tự ứng cử mà không thèm qua thủ tục giới thiệu của Mặt trận tổ quốc.
Nguyễn Như Phong cho rằng quốc hội không phải là sân khấu để cho nghệ sĩ Nguyễn Công Vượng diễn hài theo lối tự ứng cử độc lập.
Đòn tấn công hạ cấp đối với những người tự ứng cử, nhất là mang nghệ sĩ hài Nguyễn Công Vượng ra bêu rếu cho thấy là Nguyễn Như Phong đã phạm vào hai sai lầm.
Sai lầm thứ nhất là gán ghép việc nghệ sĩ hài Nguyễn Công Vượng ra tự ứng cử là hành động biến quốc hội thành phường chèo.
Trên thế giới hiện nay, có nhiều nghệ sĩ hài, đóng kịch như ở Nhật Bản, Nam Hàn, Phi Luật Tân… đã trở thành những dân biểu, nghị sĩ và họ đã đóng góp rất tích cực trong việc soạn thảo những đạo luật quan trọng cho quốc gia. Không phải chỉ vì người đó tự ứng cử, tức không nhờ vào sự “bảo trợ” của đảng CSVN, mà không thể trở thành một người đại biểu quốc hội. Ngược lại là đằng khác, vì suốt mấy thập niên qua với chính sách “đảng cử dân bầu”, quốc hội Việt Nam rõ ràng còn thua phường chèo xa do chẳng đem lại nụ cười giải trí cho ai, mà còn khiến người dân nổi giận khi chỉ là một công cụ để hợp thức hóa những chính sách sai lầm, tệ hại của chế độ.
Sai lầm thứ hai là xúc phạm nhân phẩm và quyền tự do ứng cử, bầu cử của công dân Nguyễn Công Vượng khi mang nghề nghiệp của anh ra bêu rếu.
Nghề nghiệp của mỗi cá nhân không phản ảnh toàn diện bản lãnh cũng như khả năng đóng góp vào công ích xã hội, vì thế mà quốc gia cần phải tạo điều kiện dễ dãi và công bằng để cho mọi công dân tham gia vào việc nước. Tuy CSVN cho người dân quyền tự ứng cử, nhưng đó chỉ là điều trí trá mang tính chất mị dân của chế độ; trong thực tế, đa số những người tự ứng cử bị gạt ra khỏi danh sách từ vòng đầu xét lý lịch hoặc lấy ý kiến ở tổ dân phố.
Do những sai lầm như vậy, người dân đã hoàn toàn vô cảm hay không mấy quan tâm đối với các cuộc bầu cử do nhà cầm quyền CSVN tổ chức.
Tại sao lại sợ tự ứng cử?
Trong nguyên tắc ứng cử, CSVN đã dành 10% ghế cho những người tự ứng cử (tức không do Mặt trận tổ quốc giới thiệu). Kỳ bầu cử năm 2007 có non 100 người tự ứng cử nhưng số người trúng cử chỉ đếm trên đầu ngón tay. Kỳ bầu cử năm 2011 có khoảng 85 người tự ứng cử nhưng chỉ có 2 người “thân hữu” của đảng CSVN trúng cử còn đa số bị loại ở vòng lấy ý kiến cử tri.
Như vậy, vấn đề tự ứng cử không phải là điều mới xảy ra mà là một quy định bắt buộc phải có trong phần ứng cử – đề cử của Luật bầu cử. Vấn đề đặt ra là tại sao nhà cầm quyền CSVN lại hoảng sợ làn sóng “tự ứng cử” trong kỳ bầu cử lần này?
Khác với những kỳ bầu cử trước đây, số người tự ứng cử lần này đã tạo ra hai đe dọa lên chế độ.
Thứ nhất, họ là những người tích cực tham gia vào các sinh hoạt đề cao sự tôn trọng nhân quyền, tự do dân chủ và nhất là bảo vệ chủ quyền biển đảo trước sự gây hấn của Trung Quốc. Họ không vi phạm luật pháp nhưng dưới con mắt “an ninh” của chế độ, họ bị đưa vào danh sách đỏ thuộc loại “không phải là những nghị gật dễ thương”. Nếu đắc cử, họ sẽ là những con ngựa chứng trong quốc hội, có thể ảnh hưởng lên những nhân tố khác và tạo ra phong trào phản kháng rộng lớn ngay trong cơ chế bị đảng thao túng từ bấy lâu nay.
Thứ hai, họ là những người phát biểu trong tư cách độc lập ở quốc hội, không theo bất cứ quy định nào của đảng CSVN, chắc chắn sẽ làm lộ rõ bản chất phường chèo của quốc hội “đảng cử dân bầu”. Tức là họ có quyền nói khác và công kích lại những chủ trương, những nghị quyết của đảng CSVN vi phạm đến các quyền con người. Ví dụ như phản đối về việc đẩy lùi biểu quyết Dự luật về Biểu tình, Quyền Lập Hội hay Quyền Tiếp cận thông tin đã bị quốc hội giam hơn 10 năm vân, vân…
Nói cách khác là những người tự ứng cử lần này vừa tạo ra một phong trào tham gia vào nghị trường, vừa muốn dấy lên làn sóng thách thức tính dân chủ ở cơ quan quyền lực cao nhất nước.
Những người tự ứng cử đã đẩy nhà cầm quyền CSVN ở vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Quốc Hội còn hơn phường chèo
Vào những tháng cuối nhiệm kỳ ở Quốc Hội hay ở các Bộ, người ta nghe nhiều câu phát biểu rất “hài hước”.
Trong buổi làm việc về dự thảo báo cáo quốc hội khóa XIII vào ngày 9/3/2016, ông Nguyễn Sinh Hùng nói: “Dân không nạp thì quốc hội tắt điện. Mình là ắc quy, dân như là điện. Nạp vào mới chạy được, nếu hết điện thì không thể chạy được đâu.”
Mặc dù ông Hùng có giải thích, nhưng rõ ràng là không ai hiểu ông chủ tịch Quốc Hội muốn nói điều gì. Những câu nói vô nghĩa, có khi là vô duyên hay thậm chí là … ngu dốt của giới cầm quyền ngày nay đã được dân gian “cười khẩy” khinh bỉ, chế giễu, và cũng cho thấy khả năng kém cỏi cùng sự bế tắc của những kẻ vươn tới quyền lực bằng bạo lực, phe nhóm và mua chuộc.
Trong buổi chất vấn của Quốc Hội về trách nhiệm của một số Bộ trưởng vào ngày 17/11/2015, một đại biểu hỏi ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng văn hóa thể thao và du lịch, rằng: “Vì sao du lịch Việt Nam chưa thực sự phát triển?”
Ông Tuấn Anh nói: “Phiên chất vấn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có hỏi bao giờ du lịch Việt Nam bằng Thái Lan, Malaysia, Singapore, tôi bỏ ngỏ cho nhiệm kỳ tiếp theo trả lời việc này, tôi không dám trả lời.” Ông Tuấn Anh cho biết tại sao không dám trả lời vì: “Thời gian không còn nữa thì làm sao.”
Tuy gọi là những phát biểu hài hước, nhưng đó là một thực tế. Lý do là sự vận hành và quyết định ở Quốc hội hay ở các Bộ đều không theo một quy trình độc lập của người đứng đầu mà theo cái gọi là Nghị quyết đảng.
Nói cách khác, mọi diễn tiến ở Quốc hội không nằm trong thẩm quyền của đại biểu mà là từ đảng. Hay nói chính xác hơn là từ một thiểu số quyền lực nằm ở Bộ chính trị. Các đại biểu chia nhau đóng những vai tuồng cần có của một vở kịch dân chủ mà thôi.
Ngày 22/5/2016 mới bầu cử quốc hội khóa XIV, thế nhưng hơn nửa năm trước từ tháng 11/2015 Trung ương đảng nhiệm kỳ XI đã chọn ai là Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội cho nhiệm kỳ 5 năm (2016 – 2021).
Sau khi quốc hội bầu cử xong và phiên họp đầu tiên dự trù vào đầu tháng 6/2016, những diễn viên bi hài Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân lần lượt xuất hiện trong các vai Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội với tràng pháo tay của đảng.
Dù vậy, nếu một số người tự ứng cử của phong trào dân chủ hiện nay – tuy chỉ là thiểu số – nhưng lọt vào nghị trường, sẽ biến không khí phường chèo của Quốc hội thành một diễn đàn sôi động.
Đây mới là điều lo sợ của đảng CSVN. Nhưng bạo lực nào, quyền hạn nào có thể ngăn chặn được làn sóng dữ đang trổi dậy từ đáy lòng bất mãn của toàn dân? Chỉ có những kẻ tâm thần mới đắm mình trong ảo tưởng nắm chặt quyền lực trong tay vĩnh viễn!
Trung Điền
Leave a Comment