HÀ NỘI (CTM Media) – Các chuyên gia tài chánh xăng dầu vừa phanh phui chính sách nhà nước tạo “lỗ hổng” để các doanh nghiệp xăng dầu hưởng lợi cả ngàn tỷ đồng từ túi tiền người dân tiêu thụ.
Bất ngờ trước con số công bố mới đây của tập đoàn xăng dầu Việt Nam – Petrolimex, với số lời kỷ lục trong năm 2015 vừa qua lên đến gần 3 ngàn 8 trăm tỷ đồng, trong đó số lời gặt hái được trong kinh doanh xăng dầu lên tới gần 2000 tỷ đồng. Tìm hiểu ra, trong năm qua trong khi doanh nghiệp nhập xăng dầu hưởng mức thuế từ 0-5%, nhưng người dân tiêu dùng vẫn phải chịu giá thuế đến 10% khi mua dùng. Mức chênh lệch này tính ra đã mang lại nguồn lợi to lớn cả ngàn tỷ đồng cho ngành này.
Theo các chuyên gia nhận định, lý do ngành xăng dầu hưởng lợi to tát như thế là nhở lỗ hỏng, tạo ra độ chênh lệch trong cách tính giá xăng dầu hiện nay, của Liên Bộ Công Thương-Tài Chánh.
Các chuyên gia vạch ra rằng, trong chính sách cách tính giá cơ sở xăng dầu dùng làm căn cứ điều chỉnh giá bán lẻ trong nước, Liên Bộ vẫn áp dụng các mức thuế nhập khẩu theo Thông tư 78, với mức thuế xăng là 20%, dầu diesel và madut là 10%, dầu hỏa là 13%. Nhưng trên thực tế, tập đoàn xăng dầu Petrolimex cùng các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có thể đã tận dụng được mức thuế thấp hơn nhiều khi nhập khẩu xăng dầu từ các nước ASEAN.
Các chuyên gia dẫn chứng cụ thể theo Thông tư 165 của Bộ Tài Chánh quy định, từ 01 tháng Giêng 2015, các mặt hàng dầu như diesel, dầu hỏa từ ASEAN thuế chỉ có 5%, dầu madut thuế 0%, và bắt đầu năm 2016, tất cả các mặt hàng dầu này sẽ cùng hưởng thuế 0%. Riêng xăng nhập vào cũng chỉ chịu thuế chỉ có 10%, thấp hơn phân nửa.
Từ đó tính ra, theo số liệu từ hải quan năm 2015 cả nước tiêu thụ có tới gần 4 triệu rưỡi tấn dầu diesel nhập từ AESAN, chiếm hơn 53% tổng sản lượng dầu tiêu thụ trên thị trường. Trung bình mỗi tháng Việt Nam tiêu thụ 0,368 triệu tấn, tức khoảng 421 triệu lít. Trong quý IV của năm 2015, giá dầu ở mức 55USD/thùng, mỗi lít dầu nhập từ ASEAN sẽ chỉ phải chịu thuế 5%, tương đương 400 đồng/lít. Nhưng theo biểu tính hiện hành của Bộ Công Thương thì mức thuế vẫn giữ là 10%, tức mỗi lít dầu sẽ chịu gấp đôi giá gần 800 đồng tiền thuế. Với mức chênh lệch 400 đồng/1 lít, cùng con số mỗi tháng cả nước tiêu thụ 421 triệu lít, thì các doanh nghiệp xăng dầu đã lời thêm hơn 168 tỷ đồng. Như vậy tính ra chỉ trong 6 tháng cuối năm qua, số lời đã lên tới 1010 tỷ đồng, chưa kể từ đầu năm nay 2016 mức chênh lệch thuế còn lớn hơn khi dầu diesel nhập từ ASEAN hưởng hưởng mức thuế 0%.
Nhìn chung, dưới chế độ hiện tại, người dân Việt Nam vẫn phải đưa lưng ra hứng chịu bóc lột đủ cách.
Leave a Comment