Khi hàng không mẫu hạm John C. Stennis và bốn chiến hạm khác của Hoa Kỳ tiến vào vùng Biển Đông hồi tuần rồi theo dự định thao dượt thường nhật, thông điệp gửi ra rất rõ: Hoa Kỳ là lực lượng quân sự nổi trội trong vùng và dự tính giữ nguyên trạng. Nhưng số lượng chiến hạm Trung Quốc bám sát tàu chiến Hoa Kỳ đông hơn năm ngoái. Viên chức Trung Quốc nói với truyền thông nhà nước là các chiến hạm có mặt đó để “theo dõi, nhận diện, bám sát và đẩy lui” các chiến hạm và máy bay nước ngoài, tùy theo chúng đến sát cạnh “đảo của chúng ta” như thế nào. Cuộc chạm trán không gây ra sự cố này, là vụ đụng đầu mới nhất giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vì Hoàng Sa và Trường Sa.
Kể từ khi nắm quyền cách đây ba năm về trước, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã dùng các đảo này để bành trướng sự hiện diện của quân đội Trung Quốc trong vùng, từng bước một dựng lên và trang bị các căn cứ xa cách đất liền, bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng và Washington.
Tầm vóc của nỗ lực tốn kém hàng tỉ đô la này đã gây căng thẳng trong vùng và củng cố các tuyên nhận chủ quyền của Trung Quốc trên trọn Biển Đông, nơi có một số tuyến đường giao thương nhộn nhịp nhất thế giới. Việc gia tăng quân sự cũng thách thức nguyên trạng quân sự trong vùng Tây Thái Bình Dương từ sau thế chiến thứ hai, giúp Trung Quốc thực hiện được mục tiêu thiết lập vùng trái độn an ninh cách xa bờ biển – một giấc mơ của các chiến lược gia Trung Quốc từ thời chiến tranh Hàn Quốc.
“Trung Quốc muốn một bể nước,” theo lời của ông Marc Lanteigne, một nghiên cứu gia của Viện Ngoại Giao Quốc Tế của Na Uy, chuyên chú về chính sách ngoại giao của Trung Quốc, so sánh thế mạnh của Hoa Kỳ trong vùng biển Caribbean. “Trung Quốc muốn có vùng biển của họ, để họ có các hoạt động quân sự và cảnh sát mà không phải lo lắng về sự có mặt của các lực lượng hải quân Hoa Kỳ, Phi, Việt Nam hay Ấn Độ.”
Việc gia tăng quân sự tiến hành từng bước một nhưng khá là nhanh chóng nếu xét đến tình huống giằng co giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trong nhiều thập niên qua. Vét cát để xây các đảo nhân tạo bên trên các bãi đá san hô trong vùng Trường Sa bắt đầu vào đầu năm 2014 nhưng tăng tốc độ hồi năm ngoái, và các đảo này bây giờ có cảng nước sâu và đường phi đạo dài thích hợp cho các tàu chiến và chiến đấu cơ.
Rồi tiếp đó các giàn phóng hỏa tiễn phòng không xuất hiện tại Hoàng Sa. Ảnh vệ tinh hiện nay cho thấy dường như có các giàn rađa mạnh, có tiềm năng nới rộng vùng sát thủ của loại hỏa tiễn đặt trên lục địa Trung Quốc nhằm triệt hạ hàng không mẫu hạm.
Các công sự này không phải là mối đe dọa đối với quân đội Hoa Kỳ, vì có thể bị tiêu hủy dễ dàng nếu xảy ra đụng độ.
Nhưng viên chức Hoa Kỳ ngày càng lo âu là việc gia tăng quân sự, nếu không cản lại, sẽ giúp Trung Quốc kiểm soát một vùng biển rộng lớn và có ưu thế quân sự vượt trội so với các quốc gia láng giềng đang tranh chấp biển đảo. Điều đó thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang trong vùng và gia tăng rủi ro xung đột.
Mặc dầu giới chức Washington nói rằng Trung Quốc chưa thể có khả năng để đẩy lui quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Biển Đông, các phân tích gia cho rằng việc gia tăng quân sự sẽ gây khó khăn cho Hải Quân Hoa Kỳ nhanh chóng bảo vệ đồng minh với quân đội yếu hơn như Phi chẳng hạn. Việc triển khai chiến đấu cơ, hỏa tiễn chống phi cơ và rađa mạnh đặc biệt có thể làm Hải Quân Trung Quốc bạo hơn trong khi làm Hoa Kỳ khựng lại.
Khi điều trần trước Ủy Ban Quân Đội của Thượng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ, Đề đốc Harry B. Harris Jr, tư lệnh Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương cảnh bảo rằng các hành vi của Trung Quốc đang làm “thay đổi tình cảnh hoạt động trong vùng Biển Đông.”
Một viên chức tình báo cao cấp của chính quyền Obama, ông James R. Clapper cho biết vào đầu năm tới Trung Quốc “sẽ có nhiều khả năng để biểu dương sức mạnh quân sự trong vùng.” Mặc dầu Trung Quốc chưa xây cất xong, họ có thể triển khai chiến đấu cơ, hỏa tiễn phòng không, hỏa tiễn phòng thủ bờ biển cũng như các chiến hạm lớn và các tàu tuần tra cảnh sát biển đến các đảo nhân tạo của Trường Sa.
Ông Clapper cũng xác nhận là giàn rađa quân sự được gắn trên Đá Châu Viên (Cuarteron Reef) cách đảo Hải Nam 600 dậm, đây là đảo cực nam trong nhóm 7 đảo nhân tạo. Trên lý thuyết giàn rađa này có thể giúp tăng khả năng của loại hoả tiễn diệt hàng không mẫu hạm, DF-21D, tấn công mục tiêu xa hơn và gây khó khăn cho Hải Quân Hoa Kỳ có biện pháp đối phó.
Page: 1 2
Leave a Comment