HÀ NỘI (CTM Media)- ‘’Dư nợ công của Chính phủ đến năm 2015 khoảng 62,2% GDP, nợ Chính phủ là 50,3% GDP, nợ nước ngoài của Việt Nam đang chiếm 43% GDP’’, đó là báo cáo của Bộ Trưởng Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư Bùi Quang Vinh đọc tại phiên họp thứ 46 Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội khóa 13 vào sáng 07 Tháng Ba, 2016, tại Hà Nội.
Về báo cáo về kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2016 – 2020, thì ông Vinh cho biết tổng mức vốn ngân sách nhà nước (NSNN) cho giai đoạn này chỉ đáp ứng 30% nhu cầu đầu tư của cả nước là khoảng 1,3 triệu tỉ đồng.
Cũng theo Bộ Trưởng Vinh, do cân đối NSNN còn khó khăn, nhu cầu chi thường xuyên lớn nên khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư NSNN hạn chế. Trong khi đó, số vốn ứng trước chưa bố trí được nguồn thanh toán còn khá lớn so với khả năng cân đối vốn NSNN trong 5 năm tới.
Trước đó, trình bày báo cáo của Chính phủ về kế hoạch tài chính 2016 – 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết chỉ tiêu nợ Chính phủ vượt giới hạn cho phép (50% GDP) chủ yêú một mặt là do GDP thực tế theo giá hiện hành năm 2015 giảm mạnh.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói rằng muốn giải quyết vấn đề nợ công thì phải:
Thứ nhất, Chính phủ phải cắt giảm chi tiêu thường xuyên một cách quyết liệt. Thay vì đi hội họp, công tác nước ngoài không cần thiết thì dành tiền ấy để dành hỗ trợ ngư dân bám biển, bảo vệ Tổ quốc.
Thứ 2, cần hạn chế bỏ tiền ngân sách để xây sân bay, cảng biển, nhà hát, trụ sở… để dành thêm nguồn lực cho việc trả nợ, đầu tư vào những lĩnh vực cần thiết mà không phải đi vay thêm nữa.
Cuối cùng là cũng cần giải pháp tái cơ cấu lại nợ công, trong đó đặc biệt lưu ý đến việc quản lý, giám sát nguồn nợ đó.
Leave a Comment